Kỳ họp Đại hội đồng IPU lần thứ 132 do Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hà Nội từ ngày 28/3-1/4 đã kết thúc thành công tốt đẹp.
Nhân sự kiện này, trang mạng của Viện nghiên cứu Phupan đã đăng tải bài phỏng vấn giáo sư Artha Nantachukra, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phupan, Cố vấn Bộ trưởng Văn hóa Thái Lan về ý nghĩa và kết quả đạt được của IPU-132.
Vietnam+ xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả:
- Giáo sư đánh giá như thế nào về kết quả của IPU-132?
Giáo sư Artha Nantachukra: Sự hiện diện đông đảo của hơn 160 đoàn của các nghị viện thành viên, thành viên liên kết, quan sát viên và khách mời với hơn 1.600 đại biểu thể hiện sự quan tâm sâu sắc của nghị viện các nước về nội dung của kỳ họp là thành công nổi bật của Đại hội đồng IPU-132.
Sau năm ngày làm việc (từ ngày 28/3-1/4), Đại hội đồng IPU-132 đã kết thúc thành công tốt đẹp với việc thông qua Tuyên bố Hà Nội "Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động" và nhiều văn kiện quan trọng khác.
IPU-132 đạt được nhiều đột phá với ba nội dung hoạt động chính mang tầm quốc tế. Thứ nhất là thảo luận cơ chế hợp tác nghị viện trong giảm thiểu tác động của thảm họa thiên nhiên đang xảy ra ngày càng khốc liệt và thường xuyên hơn. Thứ hai là tổng kết, đánh giá việc thực hiện Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và thảo luận, đề ra các mục tiêu phát triển bền vững hậu 2015. Thứ ba là thảo luận và thông qua Tuyên bố Hà Nội tại Đại hội đồng IU-132 để lồng ghép nội dung tuyên bố vào chương trình nghị sự quan trọng của Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra vào cuối năm.
Tại kỳ họp của Đại hội đồng lần này, các thành viên đã trao đổi kỹ về những vai trò, nhiệm vụ và những biện pháp của các Quốc hội và Nghị viện để thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững và đưa ra thông điệp thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của cộng đồng các nghị viện trên thế giới trong việc thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), thông qua việc thể chế hóa bằng luật pháp, nâng cao nhận thức và huy động nguồn lực của xã hội và người dân, huy động nguồn lực, ngân sách, tài chính và kỹ thuật cho việc thực hiện, giám sát hiệu quả các nội dung của SDGs.
Thành công của Đại hội đồng IPU-132 có ý nghĩa rất lớn bởi đây là sự kiện đối ngoại, ngoại giao nghị viện có phạm vi toàn cầu, góp phần việc tăng cường hợp tác giữa các nghị viện trên thế giới, đóng góp mạnh mẽ cho các mục tiêu chung toàn cầu vì hòa bình, phát triển bền vững và thúc đẩy thực thi các mục tiêu phát triển bền vững.
- Chủ đề Chương trình nghị sự của Đại hội đồng IPU lần này “Những mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” và Tuyên bố Hà Nội có ý nghĩa như thế nào đối với cộng đồng thế giới?
Giáo sư Artha Nantachukra: Đây là chủ đề hết sức quan trọng được IPU thảo luận vào đúng thời điểm chuẩn bị kết thúc 15 năm (2000-2015) thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) và Liên hợp quốc đang thảo luận để chuẩn bị thông qua một Chương trình nghị sự về phát triển cho giai đoạn sau 2015.
Tuyên bố Hà Nội là một văn kiện thể hiện nguyện vọng và cam kết của IPU và các nghị viện thành viên trong việc xây dựng và thúc đẩy thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) mà Liên hợp quốc đang xây dựng cho đến năm 2030.
Tuyên bố Hà Nội sẽ được gửi tới Hội nghị Thượng đỉnh của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9 năm nay, là đóng góp thiết thực đối với giai đoạn phát triển mới của cộng đồng quốc tế. Điều đó thể hiện cam kết của các nghị sỹ nỗ lực hết mình để tăng cường vai trò quốc gia làm chủ các mục tiêu thiên niên kỷ, phổ biến các mục tiêu đến cử tri của mình, đồng thời đảm bảo tiếng nói của mỗi người dân đều được phản ánh trong tiến trình hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững, vì tương lai hạnh phúc của nhân dân.
- Với vai trò là nước đăng cai, Việt Nam đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho IPU-132 lần này. Giáo sư có nhận xét như thế nào về sự kiện này?
Giáo sư Artha Nantachukra: Thành công của IPU-132 đã góp phần khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam và góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị của Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế, khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập, dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Tuyên bố Hà Nội là một di sản lớn, thể hiện sự đóng góp nổi bật của Việt Nam đối với cộng đồng thế giới. Đại hội đồng IPU-132 cũng là bài học lớn cho Quốc hội Việt Nam trong các mặt hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; trong đó người dân luôn phải có vai trò trung tâm.
Tôi đánh giá cao công tác tổ chức IPU-132 của Việt Nam. Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã dồn nhiều nguồn lực để chuẩn bị cho Đại hội đồng IPU-132 cả về khâu tổ chức, làm nội dung và lên chương trình nghị sự.
Chủ đề IPU-132 do Việt Nam lựa chọn phù hợp, thiết thực. Những nội dung do Việt Nam đưa ra rất phong phú và đã “chạm” đến những vấn đề cốt lõi nhất hiện nay là bình đẳng giới, an ninh mạng, phát triển bền vững, tăng cường hợp tác giữa các nghị viện, giữa nghị viện với chính phủ và quan trọng nhất là việc thực thi, giám sát thực thi các văn kiện, thỏa thuận đạt được.
Đồng thời, đây là cơ hội để Việt Nam quảng bá đất nước, thủ đô Hà Nội có dịp được trưng bày vẻ đẹp lịch lãm và bí ẩn truyền thống với hàng nghìn đại biểu là các nghị sỹ từ khắp nơi trên thế giới tham dự IPU-132.
- Ông đánh giá như thế nào về sự quan tâm của nhân dân Thái Lan nói riêng, và dư luận thế giới đối với IPU-132?
Giáo sư Artha Nantachukra: IPU-132 là một sự kiện đa phương lớn, với sự tham gia đông đảo của nhiều quốc gia hiện là đối tác quan trọng của Thái Lan, với chương trình nghị sự phong phú, thiết thực.
Đoàn Quốc hội Thái Lan do ông Surachai Liengbunlơtchai, Phó Chủ tịch Hội đồng lập pháp quốc gia làm Trưởng đoàn, đã trình bày tham luận về các Mục tiêu phát triển bền vững, chiến tranh mạng, vai trò của quốc hội trong quản lý nguồn nước, Luật pháp quốc tế liên quan đến chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước và quyền con người.
Đây là những vấn đề liên quan mật thiết tới công cuộc phát triển, ổn định đất nước cũng như đời sống của người dân Thái Lan. Do vậy, dư luận Thái Lan rất quan tâm đến IPU-132.
Trong suốt quá trình diễn ra IPU-132, Đài phát thanh Quốc hội Thái Lan đưa nhiều tin, bài về IPU-132, đánh giá cao quá trình chuẩn bị của Việt Nam, chương trình nghị sự của IPU-132 và tình hình kinh tế, chính trị Việt Nam.
IPU-132 là kỳ họp có số lượng đoàn quốc tế tham gia nhiều nhất với hàng trăm lãnh đạo Quốc hội, nghị viện các nước tham gia, cho thấy mối quan tâm của nghị viện, nhân dân các nước đối với chủ đề mà Việt Nam đề xuất “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động.” Chủ đề này thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân trên toàn thế giới bởi các nghị sỹ là đại diện của nhân dân, khi đến đây đã mang trong lòng ý nguyện của nhân dân nước họ để học hỏi, trao đổi, tranh luận, đóng góp ý kiến để xây dựng các nghị quyết và đóng góp cho thành công của Đại hội đồng lần này.
- Xin trân trọng cảm ơn giáo sư./.