Giới chức và doanh nghiệp châu Âu tìm hiểu thị trường Iran

Một phái đoàn gồm các lãnh đạo chính trị và kinh tế cấp cao của Pháp dự kiến sẽ đến Iran ngày 20/9 nhằm xúc tiến những hợp đồng kinh doanh đầu tiên với Iran.
Giới chức và doanh nghiệp châu Âu tìm hiểu thị trường Iran ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: wikipedia.org)

Một phái đoàn gồm các lãnh đạo chính trị và kinh tế cấp cao của Pháp dự kiến sẽ đến Iran ngày 20/9 nhằm xúc tiến những hợp đồng kinh doanh đầu tiên với Iran kể từ sau thỏa thuận đạt được hồi tháng 7 vừa qua giữa Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) và Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Bộ trưởng Nông nghiệp Le Foll và Bộ trưởng Thương mại Matthias Fekl của Pháp sẽ dẫn đầu phái đoàn gồm hơn 100 doanh nghiệp, trong đó có các công ty lớn như tập đoàn dầu mỏ Total, hãng chế tạo máy bay Airbus và công ty sản xuất ôtô Peugeot tới thủ đô Tehran.

Ngoài ra, còn có đại diện các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các lĩnh vực như nông nghiệp, tài chính, các hàng hóa xa xỉ, dược phẩm, xây dựng và giao thông.

Bộ trưởng Le Foll khẳng định Pháp đang xác định những lĩnh vực có thể xúc tiến hợp tác với Iran. Dự kiến, một văn phòng thương mại của Pháp sẽ được khai trương tại thủ đô Tehran vào ngày 22/9 tới.

Cũng trong ngày 20/9, Ngoại trưởng Hà Lan Bert Koenders cũng sẽ có chuyến thăm 2 ngày đến Iran. Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức đầu ngành ngoại giao Hà Lan đến Iran trong 14 năm qua.

Theo Bộ Ngoại giao Hà Lan, trong chuyến thăm Iran này, ông Koenders sẽ hội đàm với người đồng cấp Mohammad Javad Zarif và hội kiến Tổng thống Iran Hassan Rouhani để thảo luận việc thực thi thỏa thuận hạt nhân.

Hai bên cũng sẽ đề cập đến các vấn đề thương mại, nhân quyền và vai trò của Iran trong các cuộc xung đột ở Trung Đông.

Ngoại trưởng Koenders bày tỏ hy vọng sẽ góp phần tạo động lực mới cho mối quan hệ với Iran và mang lại cơ hội lớn hơn để hai nước đối thoại xây dựng với nhau.

Theo thỏa thuận đạt được giữa P5+1 và Iran, các biện pháp trừng phạt Tehran sẽ bắt đầu được dỡ bỏ từ quý I/2016 nếu nước này thực thi đúng các nghĩa vụ trong thỏa thuận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.