Giới chuyên gia đánh giá thỏa thuận mới giữa Mỹ và Trung Quốc

Moody's nhận định việc Mỹ hoãn kế hoạch tăng thuế đánh vào hàng hóa của Trung Quốc trước mắt sẽ tạm thời giúp loại bỏ các nguy cơ đe dọa tăng trưởng kinh tế ở cả châu Á và Mỹ.
Giới chuyên gia đánh giá thỏa thuận mới giữa Mỹ và Trung Quốc ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Nhà Trắng, ngày 11/10. (Nguồn: Getty Images)

Tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody's nhận định việc Mỹ hoãn kế hoạch tăng thuế đánh vào hàng hóa của Trung Quốc trước mắt sẽ tạm thời giúp loại bỏ các nguy cơ đe dọa tăng trưởng kinh tế ở cả châu Á và Mỹ.

Tuy nhiên, các chuyên gia của Moody's cũng cho rằng một thỏa thuận giới hạn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ không giải quyết được các bất đồng lâu dài về các lợi ích quốc gia từ thương mại, công nghệ, đầu tư, đến địa chính trị... Moody's hy vọng các quan chức Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến hành thêm nhiều vòng đàm phán để giải quyết các thách thức còn tồn đọng tiềm ẩn nhiều bất trắc đối với các thị trường tài chính.

Nhận định của Moody's được đưa ra ngày 13/10 sau khi Tổng thống Donald Trump cho biết Trung Quốc đã bắt đầu mua nông sản của Mỹ, thực hiện thỏa thuận vừa đạt được trong vòng đàm phán mới nhất tại Washington. Trên mạng Twitter, ông Trump viết: "Không đợi đến khi thỏa thuận này được ký kết trong 3-4 tuần nữa, Trung Quốc đã bắt đầu mua nông sản của Mỹ". Ông cũng đề cao quan hệ song phương Mỹ - Trung, đồng thời cam kết sớm hoàn tất và ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một.

Tại vòng đàm phán cấp cao ở thủ đô Washington ngày 11/10 vừa qua, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được một phần của thỏa thuận thương mại về sở hữu trí tuệ, dịch vụ tài chính và mua bán nông sản, theo đó Trung Quốc đã đồng ý mua 40 tỷ-50 tỷ USD nông sản Mỹ, và Mỹ sẽ nới lỏng thuế quan đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc, cũng như xem xét thúc đẩy một thỏa thuận tiền tệ với Trung Quốc. Tổng thống Trump sau đó đã thông báo hoãn kế hoạch tăng thuế từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, vốn dự kiến có hiệu lực từ ngày 15/10.

[Tổng thống Trump thông báo Trung Quốc bắt đầu mua nông sản của Mỹ]

Trong một diễn biến khác, ngày 14/10, Cục Hải quan Trung Quốc công bố các số liệu cho thấy xuất khẩu của nước này trong tháng 9 đã giảm với tốc độ nhanh nhất, trong khi nhập khẩu giảm tháng thứ 5 liên tiếp.

Số liệu của cục trên cho thấy kim ngạch xuất khẩu trong tháng 9 giảm 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2. Kim ngạch nhập khẩu trong tháng 9 giảm 8,5% sau khi đã giảm 5,6% trong tháng 8, mức thấp nhất từ tháng 5. Giới phân tích dự báo nhập khẩu sẽ tiếp tục giảm 5,2%.

Cũng theo Cục Hải quan Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trong 9 tháng đầu năm giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2018 (tính theo giá trị đồng USD), trong khi kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ giảm 26,4%. Dù Tổng thống Trump đã hoãn kế hoạch tăng thuế sắp tới, nhưng các mức thuế cao đang áp dụng hiện nay vẫn tác động đến kim ngạch xuất nhập khẩu. Từ ngày 1/9, Washington đã áp thuế 15% đối với hơn 125 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Bắc Kinh cũng đáp trả bằng các mức thuế tương tự.

Các số liệu giảm đà nói trên dường như càng củng cố các dự báo rằng Bắc Kinh sẽ cần tung ra các gói kích thích nhằm tránh nguy cơ đà tăng trưởng kinh tế tiếp tục giảm mạnh hơn, bất chấp các dấu hiệu tích cực trong giải quyết tranh cãi thương mại với Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.