Giới chuyên gia lạc quan thận trọng trước vòng đàm phán Mỹ-Trung mới

Giới chuyên gia cảnh báo vòng đàm phán mới giữa Washington và Bắc Kinh sẽ không thể nhanh chóng tháo gỡ được thế bế tắc lâu nay giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Giới chuyên gia lạc quan thận trọng trước vòng đàm phán Mỹ-Trung mới ảnh 1 Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (thứ 3, trái), Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin (thứ 2, trái) tại vòng đàm phán thương mại ở Bắc Kinh (Trung Quốc) với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (thứ 2, phải), ngày 14/2/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nhà đàm phán thương mại của Mỹ sẽ trở lại Trung Quốc vào ngày 29/7 để tiến hành vòng đàm phán mới, nhưng giới chuyên gia cảnh báo Washington và Bắc Kinh sẽ không thể nhanh chóng tháo gỡ được thế bế tắc lâu nay giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Việc tái khởi động các cuộc đàm phán được xem là một bước đi tích cực, và sự thay đổi địa điểm sang thành phố hàng đầu về thương mại của Trung Quốc là Thượng Hải cũng là một động thái đầy ẩn ý.

Tổ chức đàm phán ở Thượng Hải hàm ý sự nhất trí cải thiện mối quan hệ, khi thành phố này là nơi Mỹ và Trung Quốc cùng ra Thông cáo chung Thượng Hải 1972, một bước đi quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Phát biểu với CNBC, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết Thông cáo chung Thượng Hải 1972 có ý nghĩa đối với Trung Quốc, và ông sẽ xem lời mời đến Thượng Hải lần này là "tin tốt,” hai bên sẽ có tiến triển vào tuần tới.

[Mỹ quay sang Nhật khi triển vọng đàm phán thương mại Mỹ-Trung mờ mịt]

Tuy nhiên, ông Mnuchin cảnh báo còn nhiều vấn đề và ông dự đoán sẽ còn có những cuộc đàm phán sau đó tại Mỹ.

Trong một bài đăng mới đây, Tờ Global Times cho rằng các cuộc đàm phán thương mại sẽ kéo dài lâu hơn và cơ hội đạt được một thỏa thuận sẽ bị bỏ lỡ nếu Washington tiếp tục gây áp lực lên Bắc Kinh.

Ông Larry Kudlow, người đứng đầu Hội đồng kinh tế quốc gia Mỹ, cũng có những bình luận làm giảm kỳ vọng đối với vòng đàm phán lần này. Phát biểu với CNBC, ông Kodlow cho biết ông không mong chờ một thỏa thuận lớn nào.

Quan chức này cho rằng các nhà đàm phán Mỹ sẽ quay lại những điểm còn dang dở trong cuộc đàm phán hồi tháng Năm, và hai bên vẫn cần phải giải quyết các vấn đề cơ cấu quan trọng như nạn đánh cắp tài sản trí tuệ và ép buộc chuyển giao công nghệ.

Bên cạnh việc thay đổi địa điểm, vòng đàm phán thương mại mới dường như sẽ trao cho Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn một vai trò nổi trội hơn.

Trong khi Phó Thủ tướng Lưu Hạc có thể sẽ vẫn là người dẫn đầu đoàn đàm phán Trung Quốc, việc bổ sung thêm ông Chung Sơn có thể thay đổi tinh thần chung của các cuộc thảo luận, khi quan chức này được xem là một người “cứng rắn.”

Giáo sư Wang Chuanxing của Đại học Đồng Tế cho rằng “một mặt, ông Chung Sơn có thể thể hiện một quan điểm cứng rắn trong các phát ngôn của mình, nhưng mặt khác, chúng ta cũng có thể nghĩ rằng Trung Quốc đang nỗ lực hơn để đạt được một thỏa thuận, vì ông Chung Sơn là người có nhiều chuyên môn trong lĩnh vực này.”

Bộ trưởng Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer ngày 29/7 sẽ khởi hành đến Trung Quốc và đàm phán với các đối tác Trung Quốc trong hai ngày 30-31/7 tại Thượng Hải.

Đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ khi các cuộc đàm phán song phương đổ vỡ hồi tháng 5/2019 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Trung Quốc không thực hiện các cam kết của mình.

Tại cuộc gặp ở Nhật Bản hồi tháng trước, Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí “đình chiến” trong khi hai bên nỗ lực nối lại đàm phán.

Mỹ và Trung Quốc đã áp thuế lên 360 tỷ USD hàng hóa trao đổi song phương và ông Trump còn đe dọa sẽ tiếp tục nâng thuế đối với hơn 300 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.