Vincent Juvyns, chiến lược gia tại JP Morgan Asset Management nhận định: sau 10 quý liên tục tăng trưởng dương, kinh tế châu Âu chắc chắn đạt mức tăng trưởng 2% trong năm 2016, một phần nhờ sự "hậu thuẫn" của các cải cách cơ cấu.
Còn theo chuyên gia Florence Pisani thuộc tập đoàn đầu tư Candriam, điều kiện kinh tế tiếp tục được cải thiện nhờ nhu cầu trong khối và đầu tư phục hồi.
Theo giới quan sát, nếu như những quyết định mới đây mà Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi công bố không làm thị trường vui mừng thì nó cũng cho thấy ECB không còn là "phần mở rộng" của Ngân hàng trung ương Đức và có thể đưa ra quyết định bất chấp sự phản đối của giới chức tiền tệ Đức.
Trong khi đó, về ngắn hạn, người tị nạn Syria được xem như một yếu tố tích cực đối với tiêu dùng nội địa tại châu Âu, nhất là đối với nền kinh tế Đức đã tiếp nhận số lượng lớn người tị nạn, đặc biệt là khi các chi phí liên quan không được tính vào thâm hụt ngân sách năm 2016.
Chuyên gia Peter de Keyze thuộc ngân hàng Paribas Fortis nhận định, dòng người di cư có thể tăng thêm khoảng 0,2% cho tăng trưởng kinh tế châu Âu năm 2016.
Việc giá dầu giảm là một yếu tố hỗ trợ tăng trưởng ở châu Âu, khi giúp cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp tăng khả năng chi tiêu và đầu tư./.