Giới chuyên gia nghi ngờ kết quả tăng trưởng của Trung Quốc

Nhiều chuyên gia tài chính kinh tế vẫn nghi ngờ mức độ chuẩn xác của các số liệu chính thức do nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này công bố.
Giới chuyên gia nghi ngờ kết quả tăng trưởng của Trung Quốc ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: www.ibtimes.com)

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng phiên bản tiếng Anh phát hành tại Hong Kong ngày 16/7 cho biết Trung Quốc vừa công bố tốc độ tăng trưởng quý II/2015 đạt 7%, cao hơn mong đợi.

Tuy nhiên, Bắc Kinh cảnh báo nền kinh tế vẫn phải đối mặt với những khó khăn trước mắt khi chính phủ đẩy mạnh các kế hoạch tái cơ cấu.

Theo số liệu từ Tổng Cục Thống kế Quốc gia (NBS) Trung Quốc, Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) quý 2 của nước này đạt 7%, không thay đổi so với quý 1 và đập tan dự báo về mức tăng trưởng 6,8-6,9% của các chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó.

Quốc Vụ viện (tức Chính phủ Trung Quốc) hôm 15/6 cho biết nước này có kế hoạch hỗ trợ vay vốn đối với các doanh nghiệp nhập khẩu như là một phần nỗ lực thúc đẩy thương mại, đồng thời sẽ giữ tỷ giá đồng nhân dân tệ ở mức ổn định, hợp lý nhằm hạn chế tới mức thấp nhất những rủi ro về trao đổi ngoại hối mà các doanh nghiệp phải hứng chịu.

Các chuyên gia phân tích tin rằng tốc độ tăng trưởng theo quý của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng thương mại sụt giảm, đầu tư tài sản cố định ít đi và tình trạng hỗn loạn của thị trường chứng khoán - cú lao dốc tồi tệ nhất trong 6 năm qua.

Người phát ngôn của NBS, ông Thịnh Lai Vận, phủ nhận những ý kiến cho rằng các con số đã bị thổi phồng.

Ông Thịnh Lai Vận cho biết các nhà lãnh đạo nước này đang lái nền kinh tế Trung Quốc bước vào trạng thái “bình thường mới” - tốc độ tăng trưởng chậm lại nhưng ổn định với động lực mới dựa vào tiêu dùng trong nước hơn là dựa vào đầu tư và nhu cầu bên ngoài.

Theo ông Thịnh Lai Vận: “Nền kinh tế sẽ tiếp tục hứng chịu khó khăn trong bối cảnh tái cơ cấu” và “Sự thay đổi từ phương tiện tăng trưởng cũ sang phương tiện tăng trưởng mới, nhờ tiêu dùng trong nước, vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, và động lực mới không đủ để bù đắp cho những ảnh hưởng tiêu cực từ phương thức tăng trưởng cũ.”

NBS miêu tả tốc độ tăng trưởng quý 2 như là một chiến thắng “khó nhọc” nhờ các biện pháp hữu hiệu của giới lãnh đạo nước này, điển hình là quyết định hạ tỷ lệ lãi suất đã được coi như “phao cứu sinh” đối với nền kinh tế.

Theo ông Thịnh Lai Vận, sự phục hồi chậm chạp của kinh tế thế giới và giá cả tiêu dùng sụt giảm đã làm gia tăng các nhân tố bất ổn đối với viễn cảnh tăng trưởng.

Dù NBS nhấn mạnh số liệu GDP không bị “đôn lên”, song nhiều chuyên gia tài chính kinh tế vẫn nghi ngờ mức độ chuẩn xác của các số liệu chính thức do nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này công bố.

Truyền thông Hong Kong ngày 16/7 dẫn thông tin đăng tải trên tờ Nhật báo phố Wall của Mỹ cho hay mấy tháng gần đây, Bắc Kinh đưa ra hàng loạt biện pháp kích thích nhằm cứu nền kinh tế, bao gồm tăng chi tiêu chính phủ, giảm thuế và giảm lãi suất.

Tuy nhiên, số liệu do NBS công bố ngày 15/7 lại chưa cho thấy kinh tế nước này đã có sự phục hồi rõ nét. Ví dụ giá trị sản xuất công nghiệp, đầu tư tài sản cố định và số liệu bán lẻ quý 2 đều kém hơn quý 1.

Trước đó, dư luận phổ biến cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đang trong tình trạng trì trệ. Hơn nữa, sắc đỏ cũng tràn ngập thị trường chứng khoán, buộc chính phủ phải đưa ra các biện pháp cấp cứu.

Kết quả phỏng vấn đối với 14 chuyên gia kinh tế do báo trên tiến hành cho thấy theo dự đoán của các chuyên gia là trong quý II, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt khoảng 6,8%.

Nhà kinh tế Brian Jackson thuộc hãng cung cấp số liệu kinh tế HIS cũng cho rằng trong quý 2, ngoài mảng tài chính, dường như tất cả các ngành nghề khác của Trung Quốc đều đình trệ.

Xuất phát từ thực tế nêu trên, tờ Nhật báo phố Wall cho rằng về tổng thể, nền kinh tế của Trung Quốc vẫn chưa thoát khỏi xu thế sụt giảm, ngược lại còn phản ánh rõ sự thoát ly giữa thị trường chứng khoán và hiện thực nền kinh tế.

Đồng thời, các biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ Trung Quốc cũng chưa thể thu được hiệu quả rõ rệt. Sở dĩ các nhà kinh tế thường có thái độ nghi ngờ đối với con số thống kê của Trung Quốc là do có sự sai khác giữa số liệu của địa phương và số liệu mang tính toàn quốc cũng như những khiếm khuyết trong việc thu thập số liệu và nhiều khi còn là việc thiếu minh bạch.

Ngân hàng CitiBank của Mỹ gần đây thậm chí còn nói là họ tin rằng tăng trưởng kinh tế thực sự của Trung Quốc chỉ khoảng 5%.

Kênh truyền hình CNBC dẫn lời của chuyên gia kinh tế Trung Quốc Julian Evans Pritchard thuộc Capital Economics cho rằng những số liệu kinh tế cao hơn dự đoán của Trung Quốc không thể tránh khỏi việc một lần nữa làm dấy lên tính chính xác của số liệu kinh tế do Trung Quốc công bố.

Tuy tăng trưởng kinh tế thực tế của Trung Quốc có thể thấp hơn số liệu công bố khoảng 1 đến 2 điểm phần trăm, nhưng những số liệu mới nhất vẫn phản ánh thực tế rằng tình hình kinh tế của Trung Quốc đang có xu hướng ổn định.

Chuyên gia kinh tế Trung Quốc Louis Kujis thuộc Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) cũng có quan điểm tương tự. Theo ông Louis Kujis, do hàng năm chính phủ Trung Quốc chỉ công bố một phần số liệu kinh tế, cho nên, muốn xác thực hay phân tích số liệu do Chính phủ Trung Quốc công bố là việc rất khó khăn.

Tuy nhiên, nếu xem xét số liệu từng tháng một thì tình hình kinh tế Trung Quốc hiện nay quả là không tồi, cho thấy các biện pháp của chính phủ Trung Quốc bắt đầu phát huy tác dụng đối với nền kinh tế thực thể.

Vấn đề hiện nay là gần đây, thị trường chứng khoán Trung Quốc biến động mạnh, rất có thể sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong tương lai.

Theo chuyên gia Louis Kujis, nếu thị trường tiếp tục biến động mạnh sẽ tác động tiêu cực tới đóng góp của ngành tài chính vào tăng trưởng kinh tế. Khi đó, có thể tăng trưởng kinh tế quý III/2015 của Trung Quốc sẽ mất từ 0,2 tới 0,3 điểm phần trăm.

Nói cách khác, kinh tế Trung Quốc có thể tiếp tục tăng trưởng hay không sẽ phụ thuộc vào việc Trung Quốc có khỏa lấp được tổn thất từ ngành tài chính hay không./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.