Giới đầu tư Mỹ đẩy mạnh hoạt động mua vào trên thị trường siêu thị Anh

Giới đầu tư Mỹ nhắm vào lĩnh vực bán lẻ ở nước Anh cùng một loạt các thương vụ mua lại các công ty của nước này - vốn bị định giá thấp trong nhiều năm do lợi nhuận kém và đồng bảng yếu.
Giới đầu tư Mỹ đẩy mạnh hoạt động mua vào trên thị trường siêu thị Anh ảnh 1(Nguồn: Bloomberg)

Morrisons - chuỗi siêu thị lớn thứ tư của Vương quốc Anh - mới đây đã trở thành mục tiêu thôn tính của một công ty đầu tư tư nhân tại Mỹ.

Theo giới quan sát, đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy nhu cầu mạnh mẽ của các nhà đầu tư Mỹ đối với tài sản tại thị trường Anh.

Nhu cầu ngày càng lớn của nhà đầu tư

Vào cuối tuần qua, Morrisons đã xác nhận rằng Clayton, Dubilier & Rice (CD&R) có trụ sở chính tại New York đã đưa ra lời đề nghị đơn phương là chi 2,30 bảng Anh (3,19 USD) cho mỗi cổ phiếu cho nhà bán lẻ tạp hóa Anh.

Mức đề nghị đó cao hơn 29% so với giá cổ phiếu của Morrisons khi đóng cửa phiên 18/6, qua đó đưa định giá thị trường của chuỗi siêu thị này vào khoảng 5,5 tỷ bảng Anh (7,6 tỷ USD).

Sau khi xuất hiện thông tin về đề xuất của CD&R, Morrisons ngày 19/6 đã bác đề xuất đó và cho rằng con số đưa ra "định giá thấp đáng kể" công ty cùng triển vọng tương lai của họ.

CD&R hiện có thời hạn đến ngày 17/7 để đưa ra một lời đề nghị sau cùng.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh giới đầu tư Mỹ gia tăng hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ ở nước Anh cùng một loạt các thương vụ mua lại các công ty của nước này - vốn bị định giá thấp trong nhiều năm do lợi nhuận kém vì triển vọng tăng trưởng ảm đạm và đồng bảng yếu sau cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) hồi năm 2016.

Trước đó vào tháng 10/2020, Walmart đã bán chuỗi siêu thị Asda cho tập đoàn tư nhân châu Âu TDR Capital và những người sáng lập của một doanh nghiệp cửa hàng tiện lợi toàn cầu.

Ngoài ra, tỷ phú người Séc Daniel Kretinsky gần đây đã tăng số cổ phần do ông nắm giữa tại Sainsbury's lên 10%, làm dấy lên đồn đoán rằng chuỗi siêu thị này có thể thành mục tiêu tiếp theo cho một thương vụ tiếp quản.

Các nhà phân tích cũng suy đoán rằng Tesco, chuỗi siêu thị lớn nhất nước Anh, cũng có khả năng thu hút những lời đề nghị từ các nhà đầu tư lớn.

Ông Clive Black, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại công ty tài chính Shore Capital, cho biết dựa trên khối lượng thanh khoản, chính sách tiền tệ và khả năng thu hút vốn từ các công ty quản lý tài sản gia đình, các nhà đầu tư có giá trị ròng cao và vốn cổ phần tư nhân, ngay cả Tesco với giá trị vốn hóa thị trường 18 tỷ bảng (25 tỷ USD) cũng không phải quá lớn để khiến nhà đầu tư ngần ngại đưa ra một lời đề nghị.

Sainsbury's và Tesco đều được hưởng lợi từ nhu cầu tăng mạnh trong thời gian phong tỏa phòng dịch COVID-19.

Hiện cả hai đã sẵn sàng đón nhận những động lực tăng trưởng từ sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở Anh hậu đại dịch.

Cả hai nhà bán lẻ hàng đầu nước Anh cũng đã thành công kiểm soát chi phí, tạo ra một lượng lớn tiền mặt và thu hẹp khoảng cách về giá với các công ty chuyên bán lẻ giảm giá là Aldi và Lidl của Đức.

[Walmart - Thành công nhờ phương châm "bán rẻ-lời nhiều"]

Theo chuyên gia Black của Shore Capital, điều này có thể khiến Tesco và Sainsbury's trở thành mục tiêu hàng đầu của Amazon.

“Đại gia” ngành bán lẻ trực tuyến đã mở rộng mảng cung cấp hàng tạp hóa kể từ khi mua lại Whole Foods vào năm 2017.

Amazon gần đây cũng có mối quan hệ thân thiết với Morrisons, công ty cung cấp các sản phẩm khô, tươi và đông lạnh cho khách hàng thuộc chương trình Prime & Pantry của Amazon ở Vương quốc Anh.

Những lợi ích còn lớn hơn

Song giới phân tích cho rằng sự quan tâm của nhà đầu tư đối với các tài sản tại Vương quốc Anh không chỉ ở số các cửa hàng tạp hóa.

Đã có hơn 50 hồ sơ thầu cho các công ty niêm yết tại thị trường Anh trong tám tháng qua, và chỉ có sáu trong số đó bị từ bỏ.

Mức phí bảo hiểm trung bình được đưa ra là 34%, cho thấy nhiều công ty trong số này có thể bị thị trường định giá thấp hơn sau những năm ghi nhận lợi nhuận yếu.

Theo dữ liệu của Dealogic, trong 12 tháng qua đã có 95 lời đề nghị được công bố dành cho các công ty niêm yết ở Anh với tổng giá trị đạt 107 tỷ USD.

Ông Russ Mold, Giám đốc đầu tư tại công ty môi giới chứng khoán AJ Bell, cho biết thị trường chứng khoán Anh đã liên tục hoạt động kém hơn trong môi trường toàn cầu kể từ cuộc bỏ phiếu Brexit vào tháng 6/2016.

Đồng bảng Anh cũng không thể về lại mức giao dịch trước khi nước Anh quyết định rời EU. Những diễn biến đó có thể khiến cổ phiếu tại thị trường này không được nhà đầu yêu thích và do đó bị định giá thấp.

Các chỉ số thị trường chứng khoán của nước Anh và châu Âu đang hưởng lợi từ sự phục hồi sau đại dịch, nhờ tỷ lệ lớn của nhóm ngành sản xuất ôtô và các ngân hàng vốn hoạt động tốt khi nền kinh tế đang trên đà phát triển.

Nhà đầu tư cũng có thể được chào giá cao hơn sau khi các chỉ số chính của Mỹ tăng mạnh nhiều trong thập kỷ qua.

Còn trong giai đoạn đó, thị trường châu Âu bị kìm hãm bởi sự thiếu vắng các công ty công nghệ lớn và đà tăng trưởng kinh tế mờ nhạt trong khu vực.

Chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) chỉ tăng 26% trong thập kỷ qua, trong khi STOXX 600 của châu Âu tăng 85%. Chúng đều thấp hơn nhiều so với mức tăng hơn 230% của S&P 500 tại Phố Wall./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.