Giới doanh nghiệp Mỹ và Canada cảnh báo hậu quả nếu phá vỡ NAFTA

Giới doanh nghiệp Mỹ đánh giá những động thái nhằm xóa bỏ Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sẽ hủy hoại nền kinh tế của ba nước thành viên là Canada, Mexico và Mỹ.
Giới doanh nghiệp Mỹ và Canada cảnh báo hậu quả nếu phá vỡ NAFTA ảnh 1(Nguồn: thestar.com)

Giới doanh nghiệp Mỹ đánh giá những động thái nhằm xóa bỏ Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sẽ hủy hoại nền kinh tế của ba nước thành viên là Canada, Mexico và Mỹ.

Phát biểu ngày 6/2 với các doanh nhân tại thủ đô Ottawa của Canada, trước thềm cuộc gặp Thủ tướng Justin Trudeau, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ Thomas Donohue cho biết Canada và Mexico là hai thị trường xuất khẩu hàng đầu của Mỹ. Rút khỏi NAFTA sẽ phương hại tới lợi ích của người lao động, các doanh nghiệp và nền kinh tế hai nước.

Ông Donohue cũng cho rằng Mỹ nên duy trì NAFTA với tư cách là một thỏa thuận thương mại riêng rẽ, thay vì thương lượng các thỏa thuận song phương với Canada và Mexico. Các nước cần tiếp tục duy trì văn kiện này để không gây tổn hại tới tổng kim ngạch thương mại đa phương trị giá 1.300 tỷ USD hiện nay.

Kể từ khi ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11 năm ngoái, các quan chức cấp cao của Canada đã nhấn mạnh với giới chức Mỹ về mối quan hệ gần gũi về kinh tế giữa hai nước. Bản thân Thủ tướng Trudeau cũng đề cập đến 9 triệu việc làm Mỹ đang dựa vào việc xuất khẩu hàng hóa sang Canada.

Trong khi đó, người đứng đầu Phòng Thương mại Canada, Perrin Beatty lưu ý rằng Tổng thống Trump đã cam kết thúc đẩy tạo việc làm, nhưng không thể thực hiện mục tiêu này bằng cách phá vỡ mối quan hệ tốt đẹp khác. Trên thực tế, cả Canada và Mexico đã tuyên bố sẵn sàng cùng chính quyền mới của Mỹ xem xét lại thỏa thuận thương mại tự do NAFTA.

Ngay sau khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức Tổng thống, trang web của Nhà Trắng đã cập nhật những thông tin phản ánh các cam kết mà vị tân tổng thống đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử về việc tái đàm phán NAFTA liên kết Mỹ, Mexico và Canada. Ông từng chỉ trích NAFTA là thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất mà Mỹ đã ký kết, đồng thời cam kết sẽ tái đàm phán hoặc xóa bỏ hiệp định này.

Theo nguyên tắc của NAFTA, một quốc gia thành viên bất kỳ có thể rút khỏi hiệp định này chỉ đơn giản bằng cách thông báo cho các thành viên còn lại. Việc thông báo sẽ kích hoạt quá trình 180 ngày cho phép các thành viên có những cuộc đàm phán mới về thỏa thuận. Nếu không có thỏa thuận mới nào đạt được, hiệp định này sẽ không còn hiệu lực.

NAFTA, có hiệu lực từ năm 1994, đã trở thành nền tảng trong mọi chính sách kinh tế của Mexico. Hàng hóa xuất khẩu của Mexico được hưởng lợi nhiều từ hiệp định này với mức thuế ưu đãi. Mỹ hiện là đối tác thương mại số 1 của Mexico, với kim ngạch trao đổi thương mại bình quan hàng năm trên 530 tỷ USD. Hơn 81% xuất khẩu của Mexico là sang thị trường Mỹ và ngược lại, 46% nhập khẩu cũng từ quốc gia láng giềng phía Bắc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.