Giới hạn của việc tăng cường quan hệ giữa Nga và Trung Quốc

Mối quan hệ đang phát triển này mang lại lợi thế chung cho cả hai nước. Dù vậy đối với Moskva, điều này cũng ẩn chứa những rủi ro và điểm yếu cố hữu.
Giới hạn của việc tăng cường quan hệ giữa Nga và Trung Quốc ảnh 1(Nguồn: dw.com)

Trang The Interpreter của Viện Lowy, Australia vừa đăng bài viết của Ian Hill cho rằng Trung Quốc và Nga đang có sự hội tụ chính sách đáng kể - mặc dù không hoàn toàn - trong các vấn đề quốc tế.

Sau đây là những phân tích của bài viết:

Việc Nga và Trung Quốc tranh luận với Mỹ về các tầm nhìn khác nhau của chủ nghĩa đa phương vào tuần trước trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là một minh chứng cho thấy mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Moskva và Bắc Kinh đang được củng cố trong những năm gần đây.

Mối quan hệ đang phát triển này mang lại lợi thế chung cho cả hai nước. Dù vậy đối với Moskva, điều này cũng ẩn chứa những rủi ro và điểm yếu cố hữu.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov gần đây đã ca ngợi mối quan hệ của Nga với Trung Quốc là "đặc biệt," dựa trên "quan hệ đối tác toàn diện và tương tác chiến lược."

Chắc chắn, sự hợp tác song phương sẽ ngày càng mở rộng hơn và sâu sắc hơn trong một số lĩnh vực.

Sự hợp tác này cũng được dẫn dắt bởi mối quan hệ cá nhân rất tốt đẹp giữa hai nhà lãnh đạo Vladimir Putin và Tập Cận Bình.

[Quan hệ Nga-Trung Quốc: Củng cố đối tác cũ trước thách thức mới]

Về mặt thực tế, liên kết chặt chẽ hơn với Bắc Kinh là một mệnh lệnh chiến lược đối với Moskva, như một đối trọng bù đắp sự xa cách của Nga sau năm 2014 với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), cũng như các ảnh hưởng kinh tế và chính trị tiêu cực có liên quan.

Tuy nhiên, cũng có những lợi ích rộng lớn hơn cho việc thắt chặt hơn mối quan hệ.

Tổng thống Putin nhận thấy rằng mối quan hệ Nga-Trung gần gũi hơn sẽ gây bất ổn cho Mỹ và các đối tác phương Tây, làm phức tạp các tính toán chiến lược của Mỹ và nhấn mạnh tầm quan trọng của Nga ở Washington.

Những cân nhắc thực dụng về kinh tế và đối ngoại...

Các cân nhắc thực dụng của Moskva về chính sách, kinh tế và chính sách đối ngoại liên quan bao gồm một vài yếu tố.

Thứ nhất, những tương đồng rõ ràng về chính trị phản ánh tính cách của cả hai nhà lãnh đạo và hệ thống chính trị của hai nước. Điều này có những tác động thực tế. Nga đã áp dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt của Trung Quốc để tăng cường khả năng bảo mật trong nước và đã cố gắng, mặc dù mới chỉ đạt được những thành công hạn chế, cạnh tranh với Trung Quốc trong việc kiểm soát tự do Internet.

Sự bổ sung kinh tế tạo ra một động lực mạnh mẽ. Đối với Nga, một Trung Quốc “đói” tài nguyên là một thị trường khổng lồ đang phát triển và ngay bên cạnh dành cho các nhà xuất khẩu năng lượng, hàng hóa và nông nghiệp của Xứ Bạch Dương, trong khi Trung Quốc là nguồn cung cấp các mặt hàng có giá cạnh tranh và vốn đầu tư (mặc dù chưa nhiều như người Nga mong muốn).

Thương mại song phương đạt tổng cộng hơn 100 tỷ USD vào năm ngoái và thị phần của Trung Quốc trong thương mại của Nga đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2013.

Về chính sách đối ngoại, Nga và Trung Quốc nói chung có cùng chí hướng. Các lợi ích và chương trình nghị sự của hai nước thường phù hợp với nhau.

Đặc biệt, cả hai đều thách thức ưu thế của Mỹ và ác cảm với những gì họ miêu tả là những nỗ lực theo chủ nghĩa xét lại của phương Tây nhằm áp đặt nguyên tắc “tự do” lên trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, coi đây là phương tiện cho quyền bá chủ của Mỹ.

Thay vào đó, Nga khẳng định vai trò trung tâm của khuôn khổ pháp lý quốc tế dựa vào Liên hợp quốc, đặc biệt là nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền - một nguyên tắc được Bắc Kinh ủng hộ mạnh mẽ.

Nga và Trung Quốc có sự hội tụ chính sách đáng kể - mặc dù không hoàn toàn - trong các vấn đề quốc tế. Nếu không đưa ra sự ủng hộ rõ ràng, hai nước sẽ không chống lại nhau ngay lập tức, trấn an nhau rằng bên kia sẽ được “chống lưng,” ví dụ sự phản đối của Moskva đối với khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không chỉ phản ánh sự không chắc chắn của họ về vị trí của Nga trong khuôn khổ này, mà còn lo ngại về lý do kiềm chế Trung Quốc của khái niệm này.

Hợp tác quân sự chặt chẽ hơn giữa hai nước cũng thu hút được sự chú ý đặc biệt. Hàng năm, Trung Quốc đều tham gia vào các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn của Nga.

Hai nước có các cuộc tuần tra chung và các cuộc tập trận hải quân chung (bao gồm cả ở Ấn Độ Dương).

Là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu truyền thống của Trung Quốc, Nga đã giúp Bắc Kinh hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của nước này, bao gồm cung cấp máy bay chiến đấu SU 35 và hệ thống tên lửa S-400, đồng thời thậm chí hỗ trợ công nghệ phát hiện phóng tên lửa mới.

... có thể gạt đi những giới hạn vốn có?

Mặc dù vậy, mối quan hệ Nga-Trung Quốc được coi là một mối quan hệ mà sự bất đối xứng sẽ chỉ tăng thêm theo thời gian, khiến Nga cảm thấy bất ổn.

Moskva sẽ cố gắng duy trì quyền tự chủ chiến lược và tìm cách phòng tránh nguy cơ phụ thuộc, dù về chính trị hay kinh tế.

Logic đa dạng hóa này làm nền tảng cho những nỗ lực của Nga trong việc phục hồi mối quan hệ truyền thống bền chặt, song gần đây đang trì trệ, với Ấn Độ - đối thủ kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.

Tương tự như vậy, Nga có nhiều nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ với Nhật Bản và mở rộng liên kết với các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Việc đạt được sự cân bằng phù hợp trong mối quan hệ với Bắc Kinh là không dễ dàng đối với Moskva.

Về mặt kinh tế, Nga rất cần thị trường Trung Quốc để xuất khẩu năng lượng và hàng hóa của mình. Điều này cho phép Trung Quốc quyết định các điều kiện trong mối quan hệ thương mại giữa hai nước.

Việc duy trì sự liên kết hữu ích với Bắc Kinh, trong khi vẫn bảo đảm sự chủ động của Nga thông qua các nỗ lực đa dạng hóa quan hệ với các nước thứ ba, sẽ là một thách thức.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan này có thể tỏ ra đặc biệt gay gắt trong quan hệ với Ấn Độ, khi việc Nga rộng hợp tác quốc phòng, đặc biệt là cung cấp thiết bị quân sự tiên tiến, có thể làm Bắc Kinh lo ngại.

Nga cũng sẽ xem xét kỹ lưỡng bất kỳ việc mở rộng sự hiện diện và ảnh hưởng của Trung Quốc ra ngoài phạm vi kinh tế trong không gian của Liên Xô cũ, mà Moskva vẫn coi là phạm vi ảnh hưởng đặc quyền của mình. Và Moskva vẫn cảnh giác với ý định của Trung Quốc ở Bắc Cực, nơi Nga lâu nay vẫn coi mình là “người chơi” chính.

Mối quan hệ Nga-Trung gần gũi hơn đang gây ra những phức tạp quốc tế. Trong khi có những giới hạn trong việc Mỹ và các đối tác có thể tác động đến mối quan hệ này; điều quan trọng là ít nhất cần phải có sự can dự nghiêm túc và trực tiếp với Nga, khuyến khích Moskva cân nhắc về những rủi ro của việc phụ thuộc quá nhiều vào nước láng giềng phía Đông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.