Thực chất mối quan hệ hợp tác kinh tế Nga-Trung Quốc tại Trung Á

Suốt hơn một thập kỷ vừa qua, Trung Quốc ngày càng gia tăng đầu tư vào khu vực Trung Á; cùng với đối tác lâu đời là Nga, Bắc Kinh đang dần trở thành một “người chơi” quan trọng tại khu vực này.
Thực chất mối quan hệ hợp tác kinh tế Nga-Trung Quốc tại Trung Á ảnh 1Cờ Nga và Trung Quốc. (Nguồn: military.com)

Theo The Diplomat, suốt hơn một thập kỷ vừa qua, Trung Quốc ngày càng gia tăng đầu tư vào khu vực Trung Á.

Cùng với đối tác lâu đời là Nga, Bắc Kinh đang dần trở thành một “người chơi” quan trọng tại khu vực này.

Đối trọng Nga-Trung Quốc

Trong bài viết đăng tải trên trang The Diplomat, chuyên gia về chính sách công Varshini Sridhar nhận định ngay từ khi mối quan hệ Trung Quốc-Trung Á vẫn còn trong giai đoạn sơ khai, Nga và Trung Quốc đã lên kế hoạch cho một sự phát triển hợp tác cùng có lợi trong khu vực.

Hai cường quốc Âu-Á này đã liên tục thể hiện vai trò, vốn được “thỏa thuận ngầm” từ trước, với Trung Quốc là đối tác cung cấp nguồn vốn phát triển kinh tế cho Trung Á và Nga là nhà lãnh đạo duy trì môi trường chính trị thuận lợi, cũng như kiểm soát các vấn đề chính trị trong khu vực.

Tuy nhiên, vài năm gần đây, Bắc Kinh đang dần mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế tại khu vực này sang nhiều lĩnh vực khác. Là một đối tác lâu đời nhất của Trung Á, Nga dường như nhận thấy ảnh hưởng quá mức của Trung Quốc tại khu vực sẽ tạo ra những nguy cơ, gây bất lợi cho ảnh hưởng chính trị của chính nước này.

Trong khi Nga ngày càng cảm thấy bị đe dọa bởi ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc, thì cường quốc lớn thứ hai thế giới lại đẩy mạnh việc tìm kiếm cơ hội hợp tác với các quốc gia Trung Á, chủ yếu thông qua sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI).

Tuy nhiên, mối quan hệ kinh tế đang phát triển giữa Trung Á và Trung Quốc chưa đủ để làm mờ đi những ảnh hưởng chính trị lâu đời mà Nga đã “ghi dấu” trong khu vực. Trái ngược với những gì được dự đoán, hợp tác Nga-Trung Quốc không mang lại các lợi ích to lớn. Sự hợp tác này thậm chí khiến cho cả hai cường quốc không thể sử dụng được một cách hiệu quả đòn bẩy kinh tế khổng lồ của riêng mình.

Edward Lemon, một Trợ lý Giáo sư tại Trường Daniel Morgan, nói với tờ The Diplomat: “Trung Quốc và Nga đã phát triển mối quan hệ đối tác mạnh mẽ, dù là bất đối xứng, dựa trên khát khao về một thế giới có tính đa cực hơn nữa... Cho tới nay, Trung Quốc vẫn tôn trọng ‘vai trò đặc biệt’ của Nga trong khu vực, chẳng hạn họ vẫn tham vấn với Moskva trước khi mở căn cứ của mình ở Tajikistan vào năm 2016.”

Tuy nhiên, với sự hậu thuẫn của hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ sáng kiến "Vành đai và Con đường" (khởi động vào năm 2013), Trung Quốc đã làm “lu mờ” Nga với tư cách là đối tác thương mại hàng đầu của khu vực.

[Ngoại trưởng Nga-Trung: Điểm tích cực và những điều còn bỏ ngỏ]

Tại Kazakhstan, trong vòng hơn 5 năm qua, Trung Quốc đã đầu tư hơn 50 dự án cơ sở hạ tầng khác nhau trên khắp nước này, với tổng vốn đầu tư lên tới 27,4 tỷ USD, giúp Bắc Kinh tô đậm ảnh hưởng không chỉ trên lĩnh vực kinh tế mà còn chi phối cả bộ máy điều hành Chính phủ Kazakhstan.

Một số quốc gia Trung Á khác như Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan và Turkmenistan cũng nhận được các khoản đầu tư dồi dào từ Trung Quốc.

Quyền lực của Bắc Kinh tại khu vực không chỉ dừng lại ở ảnh hưởng về kinh tế mà nước này cũng ngày càng gia tăng vai trò đảm bảo an ninh cho Trung Á, thậm chí thiết lập sự hiện diện quân sự ở nhiều nơi trong khu vực.

So với thời điểm 2010-2014, thị phần của Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự Trung Á đã tăng đáng kể, từ 1,5% tổng số nhập khẩu vũ khí lên đến 18% trong 5 năm qua.

Cho tới nay, các vụ mua bán vũ khí của Trung Quốc với Trung Á tuy không đụng chạm đến thị phần của Nga, hiện vẫn duy trì ổn định ở mức 60% trong 10 năm qua, nhưng nếu xu hướng này tiếp tục gia tăng thì thị phần của Nga có thể sẽ sớm bị suy giảm.

Đáng chú ý, hồi trung tuần tháng Bảy vừa qua, Trung Quốc đã tổ chức cuộc họp trực tuyến cấp Ngoại trưởng đầu tiên với 5 nước Trung Á gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan (gọi là cuộc họp C + C5) nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Động thái này được cho là nhằm tăng cường vị thế và ảnh hưởng của Trung Quốc tại Trung Á, giữa lúc các nước trong khu vực đối mặt với khó khăn vì khủng hoảng dịch bệnh.

Dẫu Trung Quốc ít khả năng sẽ sớm thay thế vai trò chính trị-xã hội của Nga trong khu vực Trung Á (và Trung Quốc cũng ít thể hiện sự quan tâm đến điều đó), nhưng việc Trung Quốc gia tăng tầm ảnh hưởng của mình, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh, có thể làm mất đi tính ổn định trong vài thập kỷ qua và làm gia tăng nguy cơ cạnh tranh với nước lớn trong vùng.

Chuyên gia Lemon dự báo: “Khi Trung Quốc tiếp tục gia tăng vai trò của mình trong an ninh Trung Á, Nga có thể bắt đầu cảm thấy vùng ảnh hưởng của mình bị xâm lấn. Trong bối cảnh đó, Moskva sẽ cẩn trọng với khả năng đối đầu trực tiếp với Trung Quốc và họ có thể đẩy mạnh các nỗ lực gây ảnh hưởng với các chính phủ để khiến họ hủy bỏ các giao dịch với Trung Quốc.”

Đối trọng EAEU-BRI

Một sự chồng lấn và “kìm kẹp” lẫn nhau trên khía cạnh kinh tế giữa Nga và Trung Quốc tại Trung Á chính là hai chương trình hợp tác song hành: Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và sáng kiến "Vành đai và Con đường."

Thực chất mối quan hệ hợp tác kinh tế Nga-Trung Quốc tại Trung Á ảnh 2EAEU đã nhóm họp tại thành phố Saint Petersburg. (Nguồn: eng.belta.by)

Nga luôn thể hiện là một đối tác ủng hộ nhiệt tình cho BRI, nhưng với điều kiện sáng kiến này không vượt qua EAEU, trong đó có các thành viên là Kazakhstan và Kyrgyzstan.

Mặc dù nhiều học giả đánh giá tích cực về hợp tác kinh tế Nga-Trung Quốc tại Trung Á, nhưng thực tế mối quan hệ này đã không “lạc quan” được như những gì thể hiện ra bên ngoài.

Gần đây nhất, việc Trung Quốc từ chối tiếp nhận bất kỳ một dự án nào trong số 40 dự án giao thông vận tải do EAEU đưa ra đã khiến Moskva không “hài lòng.” Tại cuộc họp C + C5, Ngoại trưởng Nga đã vắng mặt một cách “cố ý.”

Không còn nghi ngờ gì nữa, động thái của Trung Quốc rõ ràng khiến Nga nhận thức rằng các hợp tác chặt chẽ hơn thông qua BRI có thể sẽ dẫn đến một mối quan hệ bất bình đẳng, trong đó Trung Quốc chiếm ưu thế nhiều hơn. Trên thực tế, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Moskva đang làm phức tạp thêm bối cảnh kinh tế ở Trung Á.

Vai trò của các chính phủ Trung Á

Đối với Nga, lựa chọn dễ dàng nhất là đặt Ấn Độ làm đối trọng với Trung Quốc, một chiến lược mà Nga đã áp dụng trong quá khứ, bằng cách tích cực thúc đẩy Ấn Độ trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Thực tế là Ấn Độ hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu kinh tế và kết nối bên ngoài khuôn khổ SCO bằng cách tham gia vào các hợp tác song phương, một giải pháp có thể đồng thời bỏ qua cả Pakistan và Trung Quốc.

Dự án cảng Chabahar và việc Ấn Độ gia nhập Hiệp định Ashgabat là hai thành tựu quan trọng chứng minh cho điều này. Hơn nữa, bất kỳ nỗ lực nào nhằm đẩy Ấn Độ thành một nhân tố để đối trọng với Trung Quốc đều sẽ dẫn đến một phản ứng rõ ràng nhất từ phía Bắc Kinh, đó là lôi kéo Pakistan đóng vai trò cân bằng. Và hiển nhiên là Trung Quốc đã làm điều đó bằng cách kéo Pakistan vào SCO cùng với Ấn Độ.

Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ không liều lĩnh đối đầu với Nga. Trong bối cảnh Moskva ngày càng bất bình vì BRI, Trung Quốc không thể mạo hiểm để Nga quay lưng lại với sáng kiến này.

Mục tiêu của cường quốc châu Á vẫn bị hạn chế bởi mối quan hệ chặt chẽ giữa Nga và Trung Á. Hiện, Trung Quốc đang cẩn trọng để không vượt qua các ranh giới này và tự giới hạn mình trong các mục tiêu kinh tế, tránh không can dự một cách trực tiếp vào các vấn đề chính trị của khu vực.

Thực chất mối quan hệ hợp tác kinh tế Nga-Trung Quốc tại Trung Á ảnh 3Công nhân làm việc bên trong một nhà máy ở Du Bắc, tỉnh Trùng Khánh, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ở một mức độ nào đó, điều này đã mang lại hiệu quả cho Bắc Kinh. Việc không tham gia vào các chương trình nghị sự chính trị cũng khiến chiến lược Trung Á của Trung Quốc khác biệt với chiến lược của Nga.

Đằng sau mọi động thái hội nhập kinh tế và văn hóa, thông qua các tổ chức như EAEU, mục tiêu lớn hơn của Nga là để củng cố quyền lực chính trị trong khu vực. Khi chiến lược này trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, Trung Quốc đã điều chỉnh chiến lược của mình theo hướng song phương thay vì theo đuổi chính sách tập thể như Nga.

Nhìn bề ngoài, có vẻ cán cân hợp tác kinh tế đang nghiêng về phía Trung Quốc. Nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Động lực kinh tế giữa Nga, Trung Quốc và Trung Á chủ yếu được nghiên cứu qua lăng kính các lợi ích của Nga và Trung Quốc, trong khi lợi ích của Trung Á thường bị bỏ quên. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng sự tương tác giữa ba bên đang dần được định hình bởi các chính phủ Trung Á và dư luận trong khu vực.

Đối với các chính phủ Trung Á, mục tiêu là duy trì sự cân bằng giữa Nga và Trung Quốc. Không có bất kỳ “người chơi thống trị” nào có thể cung cấp sự hỗ trợ kinh tế có lợi cho một “bầu khí quyển” chính trị chuyên quyền nói chung và sẽ là quá rủi ro để lựa chọn bên này hay bên kia.

Lấy Uzbekistan làm ví dụ. Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại nước này. Giữa những năm 1992 và 2017, đầu tư của Trung Quốc trong khu vực đạt tổng cộng 8 tỷ USD.

Nhưng điều đó cũng không ngăn được việc Uzbekistan theo đuổi các cơ hội phát triển hạ tầng cơ sở và thương mại với Nga. Ba tháng trước, Uzbekistan đã thông báo việc gia nhập EAEU với tư cách là quan sát viên, mặc dù lợi ích của lựa chọn đó là không chắc chắn.

Turkmenistan cũng đi theo cách thức tương tự. Sau khi Nga dừng việc mua khí đốt tự nhiên từ Turkmenistan vào năm 2016, gần 80% lượng khí đốt xuất khẩu của nước này được chuyển đến Trung Quốc.

Vào năm 2019, Turkmenistan và Nga đã nối lại thương mại trong lĩnh vực khí đốt tự nhiên, sau gần ba năm gián đoạn, tuy nhiên tổng khối lượng giao dịch vẫn còn rất ít.

Thực chất mối quan hệ hợp tác kinh tế Nga-Trung Quốc tại Trung Á ảnh 4Một nhà máy xử lý khí đốt tại mỏ khí Galkynysh ở phía đông Turkmenistan. (Nguồn: reuters)

Theo một cách nào đó, các quốc gia Trung Á buộc phải cân bằng mối quan hệ với Nga và Trung Quốc, do thực tế là các nước này không bao giờ có thể hoàn toàn tự lực kinh tế. Một mặt, các nước Trung Á đang sa lầy trong sự giúp đỡ của Trung Quốc. Mặt khác, họ lại có mối quan hệ kinh tế sâu sắc với Nga, khiến cho sự phụ thuộc vào Moskva ngày càng nhiều hơn.

Tương quan dư luận Trung Á về Nga-Trung Quốc

Năm 2019, trong số 4,5 triệu người nhập cư vào Nga, có 3,4 triệu người đến từ Trung Á. Kiều hối của dân nhập cư đóng vai trò là huyết mạch kinh tế cho một số quốc gia ở Trung Á, trong đó Tajikistan và Kyrgyzstan là hai trong số các nền kinh tế phụ thuộc vào kiều hối nhiều nhất thế giới.

Mặt khác, phần đông ý kiến dư luận tại Trung Á tỏ ra không ưa thích nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tại Kazakhstan, những người biểu tình đã công khai phản đối kế hoạch xây dựng các nhà máy Trung Quốc như một phần của sáng kiến nhằm tạo việc làm tại địa phương và tăng cường đầu tư.

Sự “bất bình” của công chúng thậm chí đã tăng gấp đôi. Thứ nhất, do Kazakhstan đang bị biến thành một bãi rác ô nhiễm bởi các nhà máy sản xuất của Trung Quốc. Thứ hai, chỉ một số ít người dân địa phương được tạo việc làm, phần đông các công ty Trung Quốc khi triển khai các dự án tại nước ngoài thường đưa công nhân Trung Quốc đi theo. Do đó, công dân ở các nước sở tại lo sợ rằng các nhà lãnh đạo của họ dần sẽ đánh đổi việc làm địa phương và quyền riêng tư của người dân để lấy các khoản đầu tư sinh lời.

Kết quả là Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng giảm sút lòng tin ở Trung Á và tình trạng này càng trở nên trầm trọng hơn bởi sự ưa thích và sự ủng hộ “độc nhất vô nhị” dành cho Nga từ khu vực, cũng như sự hiện diện đông đảo của các phương tiện truyền thông. Một cuộc khảo sát gần đây do Trung tâm Wilson thực hiện cho thấy, phần đông ý kiến của công chúng đánh giá Nga có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn Trung Quốc.

Ở Kazakhstan và Kyrgyzstan, sự khác biện trong nhận thức của công chúng đối với Trung Quốc và Nga được thể hiện hoàn toàn rõ ràng. Chỉ ở Turkmenistan và Uzbekistan, Trung Quốc mới nhận được đánh giá dư luận tương đối tích cực. Tuy nhiên, hai nước này là những quốc gia không có chung biên giới với Trung Quốc.

Còn đối với Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan, những lo ngại về việc Trung Quốc có thể tiến hành xâm chiếm lãnh thổ đã gây ra dư luận tiêu cực, bên cạnh các vấn đề khác.

Theo chuyên gia Varshini Sridhar, hiện tại có thể khẳng định hai điều. Thứ nhất, mối quan hệ đối tác của Trung Quốc với Nga ở Trung Á không mạnh mẽ như những gì đã từng tuyên bố. Sức mạnh kinh tế không đồng nhất của hai cường quốc có thể không nhất thiết tạo ra sự cạnh tranh lẫn nhau, nhưng lại làm chậm lại sự phát triển của các dự án chung.

Thứ hai, trái với quan điểm phổ biến, Trung Quốc hay Nga đều khó trở thành người chiến thắng đơn lẻ trong “trò chơi đỉnh cao” ở Trung Á. Trong hầu hết các trường hợp, mối quan hệ kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc với Trung Á chứng tỏ nỗ lực của khu vực nhằm tránh phụ thuộc quá mức vào bất kỳ một quốc gia nào.

Tương lai hợp tác kinh tế Nga-Trung Quốc tại khu vực này sẽ không chỉ giới hạn trong lợi ích của riêng Nga và Trung Quốc. Các động lực lớn hơn của mối quan hệ kinh tế tam giác sẽ chứng kiến những thay đổi lớn trong một thế giới hậu đại dịch./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.