'Giới hạn đỏ' cho tỷ giá giữa đồng yen và đồng bạc xanh của Mỹ

Những lời đe dọa áp thuế bổ sung của Tổng thống Trump đối với cả đồng minh như Nhật Bản trong khuôn khổ các cuộc đàm phán thương mại đã khiến việc can thiệp vào thị trường tiền tệ trở nên khó khăn.
'Giới hạn đỏ' cho tỷ giá giữa đồng yen và đồng bạc xanh của Mỹ ảnh 1Đồng USD và đồng yen. (Nguồn: ig.com)

Theo tờ Nikkei Asia, một cơn rung chấn đã xảy ra ở Bộ Tài chính Nhật Bản vào đầu tháng 11/2020 sau khi có tin ứng cử viên Joe Biden đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Đợt rung chấn đó xảy ra không phải vì kết quả của cuộc bầu cử này mà vì một mệnh lệnh từ Văn phòng Thủ tướng.

Thủ tướng Yoshihide Suga đã nói với các quan chức Bộ Tài chính rằng: “Hãy đảm bảo rằng tỷ giá hối đoái giữa đồng yen và đồng bạc xanh của Mỹ không tụt xuống dưới mốc 100 yen/USD. Mệnh lệnh này đi kèm với một thông điệp bất thành văn: Hãy chuẩn bị bán đồng yen để mua USD trong trường hợp đồng bản tệ của Nhật Bản tăng giá và vượt qua ngưỡng quan trọng này.

Việc Thủ tướng Suga sẵn sàng xem xét khả năng can thiệp vào thị trường tiền tệ - một lựa chọn thường được coi là phương án cuối cùng - khiến nhiều người ngạc nhiên.

Kết quả khảo sát hồi tháng 1/2020 của Văn phòng Nội các cho thấy các công ty xuất khẩu đang niêm yết tại Tokyo cần tỷ giá duy trì ở mức ít nhất 100,2 yen/USD để có lợi nhuận.

[Ngân hàng Trung ương Nhật Bản lần đầu mua USD tiền mặt từ Bộ Tài chính]

Nếu đồng yen tăng giá so với USD (có nghĩa tỷ giá yen/USD giảm xuống dưới ngưỡng 100,2 yen/USD), điều đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới lợi nhuận của các công ty này, từ đó sẽ làm giảm giá cổ phiếu và tạo ra một vòng xoáy tiêu cực bóp nghẹt toàn bộ nền kinh tế Nhật Bản.

Kể từ năm 2011 cho đến nay, Nhật Bản đã không can thiệp vào thị trường tiền tệ.

Lần này, nếu Nhật Bản can thiệp vào thị trường, quyết định sẽ đến từ tầng hai, nơi có văn phòng của Bộ trưởng Tài chính Taro Aso và Thứ trưởng Tài chính phụ trách các vấn đề quốc tế Kenji Okamura - nhà ngoại giao tài chính hàng đầu của Nhật Bản.

Sau đó, các nhân viên Phòng Thị trường Ngoại hối thuộc Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tiến hành các nghiệp vụ liên quan. Đến lượt mình, BOJ sẽ chỉ thị cho các tổ chức tài chính tư nhân.

Tuy nhiên, những lời đe dọa áp thuế bổ sung của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với cả các đồng minh như Nhật Bản trong khuôn khổ các cuộc đàm phán thương mại đã khiến việc can thiệp vào thị trường tiền tệ trở nên khó khăn.

Tổng thống Trump khẳng định rằng việc làm suy yếu đồng bản tệ sẽ tạo ra lợi thế thương mại không công bằng và do vậy, ông đã đưa nó trở thành một vấn đề trong các cuộc đàm phán thương mại.

Tỷ giá hối đoái giữa hai đồng tiền hiện đang dao động trong khoảng từ 102 -104 yen/USD.

Với việc đồng yen bắt đầu đi vào vùng nguy hiểm, Thủ tướng Suga đang theo dõi sát sao thị trường tiền tệ giống như ông ấy đã từng làm trong gần 8 năm làm cánh tay phải của cựu Thủ tướng Shinzo Abe.

Khi còn là Chánh Văn phòng Nội các, ông Suga đã từng nói: "Quản lý rủi ro ngoại hối là một trong những ưu tiên hàng đầu của tôi."

Khi ông Abe trở thành Thủ tướng vào cuối năm 2012, đồng bản tệ của Nhật Bản đã tăng giá và tỷ giá tụt xuống dưới ngưỡng 90 yen/USD.

Ông Abe đã cố gắng ổn định tỷ giá thông qua các chính sách tích cực, bao gồm cả việc nới lỏng định lượng và định tính của BoJ, góp phần phục hồi thu nhập của doanh nghiệp và tăng giá chứng khoán. Nền kinh tế vững mạnh đã mở đường cho ông Abe trở thành vị Thủ tướng Nhật Bản có thời gian tại vị dài nhất trong lịch sử.

Ông Suga đã giành chiến thắng trong cuộc đua vào chiếc ghế Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền thay ông Abe vào tháng 9/2020, chủ yếu là nhờ vào vai trò trung tâm của ông trong chính phủ của cựu Thủ tướng Abe và lời hứa tiếp tục với các chính sách kinh tế Abenomics.

Thị trường bất ổn có thể làm suy yếu quyền lực của ông Suga trong các vấn đề kinh tế. Vì vậy, phát biểu trước Quốc hội hôm 6/11, ông nói: "Tỷ giá hối đoái ổn định là cực kỳ quan trọng."

Lần cuối cùng Nhật Bản can thiệp vào thị trường tiền tệ là vào năm 2011, khi đó, đồng yen tăng giá kỷ lục so với đồng bạc xanh và chỉ còn 75 yen/USD sau thảm họa động đất và sóng thần ở khu vực Đông Bắc Nhật Bản tháng 3/2011.

Nhật Bản được cho là đã xem xét can thiệp vào thị trường vào năm 2016, khi tỷ giá hối đoái tăng giá so với đồng bạc xanh xuống mức khoảng 99 yen/USD.

Tuy nhiên, Tokyo đã quyết định không làm như vậy trong bối cảnh Bộ Tài chính Mỹ vừa đưa Nhật Bản, cùng với Trung Quốc và những nước khác, vào "danh sách giám sát" về thao túng tiền tệ.

Vậy tại sao Thủ tướng Suga lại gửi chỉ thị trên tới Bộ Tài chính sau chiến thắng của ông Biden? Một cựu quan chức Bộ Tài chính giải thích rằng câu trả lời nằm trong sách lịch sử quan hệ Nhật-Mỹ.

Quan chức này nói: "Những ký ức cay đắng trong quá khứ về việc Nhật Bản đã gặp khó khăn trước các chính quyền của đảng Dân chủ không dễ dàng biến mất."

Trong những năm 1990, chính quyền Tổng thống Bill Clinton đã liên tục thực hiện các can thiệp bằng lời nói vào thị trường tiền tệ, đẩy đồng yen tăng giá như một biện pháp khắc phục tình trạng mất cân đối trong cán cân thương mại.

Năm 2016, chính quyền Tổng thống Barack Obama lại đưa Nhật Bản vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ.

Khi đó, ông Suga là Chánh Văn phòng Nội các và ở tuyến đầu xử lý các tác động. Vì vậy, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu vị Thủ tướng này đang chuẩn bị tinh thần khi nghĩ đến việc một thành viên khác của đảng Dân chủ vào Nhà Trắng và khả năng đồng bản tệ của Nhật Bản tăng giá xuống dưới ngưỡng 100 yen/USD.

Theo JPMorgan Chase, khi ông Junichiro Koizumi, một nhân vật thân Mỹ và có mối quan hệ cá nhân bền chặt với Tổng thống George W. Bush, làm Thủ tướng Nhật Bản, Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường tiền tệ trong giai đoạn từ tháng 1/2003 đến tháng 3/2004, với quy mô lên tới 35.000 tỷ yen. Đó là lúc đồng yen còn yếu hơn cả hiện nay.

Sau khi ông Koizumi từ chức, vị trí thủ tướng ở Nhật Bản đều thay đổi hàng năm. Sau đó, LDP mất quyền lực vào tay đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ). Từ năm 2009 đến năm 2010, trong quá trình chuyển giao quyền lực, Nhật Bản chỉ có thể can thiệp với quy mô 2.000 tỷ yenn bất chấp việc đồng bản tệ tăng vọt lên 80 yen/USD.

Chính vì vậy, chuyên gia Tohru Sasaki, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường Nhật Bản của J.P. Morgan, cho rằng: “Một chính quyền ổn định và tồn tại trong thời gian dài, và một mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ sẽ góp phần ổn định thị trường đồng yen.”

Những bài học lịch sử đó vẫn còn ở trong tâm trí Thủ tướng Suga khi ông ngồi trên chiếc ghế chèo lái chính trường Nhật Bản.

Chuyên gia Yuji Saito, người đứng đầu bộ phận kinh doanh ngoại hối tại ngân hàng Credit Agricole, cho biết chỉ còn chưa đầy 1 năm nữa là nhiệm kỳ của các hạ nghị sỹ sẽ kết thúc và cuối cùng, cuộc tổng tuyển cử sẽ phải được tổ chức. Vì vậy, "ông Suga muốn tránh tình huống chứng khoán giảm giá và tâm lý người tiêu dùng sa sút."

Một thời điểm quan trọng sắp tới sẽ là cuộc gặp đầu tiên của ông Suga với Tổng thống đắc cử Mỹ Biden. Phía Nhật Bản hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh này sẽ diễn ra vào tháng 2/2021.

Thủ tướng Suga hiểu rằng kết quả của cuộc gặp đó sẽ tác động đến tương lai của nền kinh tế Nhật Bản./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.