Giới hạn đòn bẩy kinh tế của Trung Quốc với Hàn Quốc

Ngành công nghiệp Hàn Quốc đặc biệt phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc đối với các thành phần quan trọng như pin dung lượng lớn.
Giới hạn đòn bẩy kinh tế của Trung Quốc với Hàn Quốc ảnh 1

Theo tạp chí Diplomat, sự phụ thuộc kinh tế của Hàn Quốc vào Trung Quốc là một thực tế đã được chứng minh rõ ràng.

Bất chấp quyết định của Trung Quốc vào năm 2017 về việc cấm vận hàng hóa và dịch vụ của Hàn Quốc như một biện pháp trừng phạt đối với việc Hàn Quốc cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại nước này, kể từ đó Hàn Quốc ngày càng phụ thuộc vào việc nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc.

Ngành công nghiệp Hàn Quốc đặc biệt phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc đối với các thành phần quan trọng như pin dung lượng lớn.

[Trung Quốc và Hàn Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng phát triển song phương]

Hầu hết những người theo dõi vấn đề Hàn Quốc ở Mỹ đều coi sự phụ thuộc kinh tế này là một lỗ hổng lớn đối với an ninh quốc gia của Hàn Quốc trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung gia tăng.

Một số chuyên gia, ví dụ như ông Doug Bandow của Viện nghiên cứu chính sách công Cato, thậm chí còn cho rằng Hàn Quốc cuối cùng sẽ buộc phải "lựa chọn" giữa "các con cá voi" Mỹ và Trung Quốc.

Lối tư duy này ám chỉ rằng Hàn Quốc, giống như các đối tác châu Âu của Mỹ, chắc chắn sẽ sụp đổ ngay khi "huyết mạch" kinh tế của nước này bị đe dọa bởi Trung Quốc.

Tuy nhiên, giọng điệu như vậy không phản ánh được đòn bẩy thực tế của Trung Quốc đối với Hàn Quốc.

Nền kinh tế của Hàn Quốc chắc chắn dễ bị tổn thương trước các khó khăn khi phải hứng chịu áp lực kinh tế của Trung Quốc.

Nhưng những áp lực như vậy hiếm khi khiến các nước thay đổi quan điểm chính sách đối ngoại của họ.

Nỗi sợ hãi hiện tại xung quanh định hướng kinh tế của Seoul không thấy rằng Mỹ có khả năng định hình các phản ứng của Hàn Quốc đối với Trung Quốc.

Các trường hợp trong suốt chiều dài lịch sử cho thấy rằng việc cưỡng bức kinh tế hiếm khi đem lại kết quả.

Phân tích của Giáo sư chuyên về khoa học chính trị Randall Newnham của Đại học Pennsylvania về mối quan hệ Nga-Đức cho thấy đòn bẩy kinh tế được thực hiện bởi một quốc gia giàu có hơn mang lại lợi nhuận địa chính trị hạn chế như thế nào.

Các chính phủ kế nhiệm ở Berlin và Bonn nhận thấy rất khó để khuyến khích hành vi ứng xử có lợi từ Nga hoặc Liên Xô bằng cách sử dụng các động cơ kinh tế.

Cũng như Thủ tướng Otto von Bismarck đã thất bại trong việc cắt đứt liên minh đang phát triển giữa Pháp-Nga bằng cách "phong tỏa" trái phiếu Nga khỏi thị trường Đức vào năm 1885, Thủ tướng Konrad Adenauer cũng không thể buộc Liên Xô dỡ bỏ "Bức tường Berlin" bằng cách áp đặt một lệnh cấm vận ngũ cốc đơn phương vào năm 1963.

Trung Quốc cũng có hồ sơ xấu về việc lợi dụng sức nặng kinh tế của nước này để thay đổi các hành vi của các quốc gia khác.

Hàn Quốc vẫn triển khai các khẩu đội phòng thủ tên lửa của Mỹ bất chấp lệnh cấm vận không chính thức của Trung Quốc.

Mặc dù đau đớn nhưng các biện pháp này cũng không ngăn cản chính quyền sắp tới của Hàn Quốc xem xét triển khai thêm các khẩu đội tên lửa của Mỹ ở nước này.

Hơn nữa, Hàn Quốc đã tiếp tục củng cố liên minh an ninh với Mỹ, cả về mặt quân sự, thông qua các cuộc tập trận hải quân lớn vào tháng Sáu và về mặt ngoại giao, thông qua Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Madrid.

Trong trường hợp các đòn bẩy kinh tế không hiệu quả, Giáo sư Newnham lập luận rằng việc tăng cường kinh tế một cách chủ động sẽ thành công hơn trong việc thúc đẩy những thay đổi về triển vọng chính sách đối ngoại của một quốc gia.

Ví dụ, Cộng hòa Liên bang Đức đã nhận được sự đồng ý của Liên Xô để tiếp nhận quốc gia "vệ tinh" của Liên Xô là Cộng hòa Dân chủ Đức bằng cách mở rộng các khoản vay hào phóng và viện trợ kinh tế.

Các khoản viện trợ chủ động có hiệu quả vì nó diễn ra đồng thời với sự sụp đổ kinh tế và chính trị của Liên Xô, khiến Moskva dễ bị tác động hơn trước các đòn bẩy kinh tế của Bonn.

Nghiên cứu điển hình này chứng minh rằng ngay cả khi Trung Quốc sử dụng các biện pháp khuyến khích chủ động, chúng sẽ không hiệu quả trừ khi Hàn Quốc đang bị áp lực rất lớn về kinh tế.

Do đó, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm sử dụng quan hệ kinh tế Trung-Triều như một đòn bẩy - dù thông qua sự cưỡng bức hoàn toàn hay việc chủ động lôi kéo - khó có thể mang lại hiệu quả như Bắc Kinh mong muốn.

Do đó, việc tiếp tục gây sức ép kinh tế của Trung Quốc rất có thể sẽ có hiệu ứng ngược, khuyến khích Hàn Quốc liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ trong một liên minh toàn diện hơn.

Tuy nhiên, việc tăng cường quan hệ Mỹ-Hàn bất chấp những nỗ lực của Trung Quốc không có nghĩa là Seoul và Washington "ngủ quên trên vòng nguyệt quế" của họ.

Trung Quốc có khả năng gây ra thiệt hại kinh tế lớn đối với Hàn Quốc, ngay cả khi các biện pháp gây sức ép không thành công. Và mặc dù sức ép kinh tế hiếm khi mang lại kết quả thuận lợi cho nước gây áp lực, các nước phải hứng chịu áp lực có thể dễ dàng chống chọi hơn khi họ có các đối tác có thể thay thế vai trò kinh tế của quốc gia cưỡng bức.

Mỹ đang nắm quyền chủ động trong việc định hình thực tế địa chính trị ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Việc chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump do dự trong việc hỗ trợ các đồng minh của nước này đã làm suy yếu vị thế của Mỹ trên khắp châu Á, và làm tăng mối quan hệ kinh tế đang mở rộng của khu vực với Trung Quốc.

Ngoài ra, sự hỗ trợ chủ động của Washington có thể định hình hiệu quả hơn việc tính toán giữa lợi và hại của Seoul trong các cam kết với Bắc Kinh.

Điều quan trọng hơn là Washington hiểu chính xác mối quan tâm an ninh kinh tế của Hàn Quốc đối với Trung Quốc là gì.

Chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol đã đặt an ninh kinh tế vào vị trí trung tâm trong chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của mình và những người đề xuất đặc biệt coi Mỹ là đối tác quan trọng.

Do đó, việc chính quyền của ông Biden sẵn sàng đưa ra các phản ứng đa phương đối với sự cưỡng bức kinh tế của Trung Quốc là một dấu hiệu đáng khích lệ đối với mối quan hệ giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Liệu các chính quyền tương lai của Mỹ có thể tiếp tục làm như vậy hay không sẽ là yếu tố quan trọng không chỉ đối với việc bảo vệ an ninh kinh tế của Hàn Quốc, mà còn nhằm vô hiệu hóa việc gây sức ép về kinh tế của Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.