Giới phân tích: Giá vàng có thể 'công phá' mức 2.000 USD mỗi ounce

Giá vàng thế giới hiện đang ở quanh mức 1.500 USD/ounce, và theo giới phân tích, chắc chắn giá vàng sẽ tăng cao tới mức 1.800 USD/ounce hay thậm chí 2.000 USD/ounce.
Các sản phẩm thủ công chế tác từ vàng được bày bán tại một khu chợ ở thành phố Gaza ngày 8/7/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)
Các sản phẩm thủ công chế tác từ vàng được bày bán tại một khu chợ ở thành phố Gaza ngày 8/7/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Sau khi giá vàng đã được hỗ trợ bởi một loạt các yếu tố có lợi trong vài tháng qua, một số nhà phân tích có quan điểm lạc quan nhận định vàng đang trên đà hướng tới mức cao kỷ lục 2.000 USD/ounce.

Song thời điểm để giá vàng đạt được mốc trên vẫn không chắc chắn và kim loại quý này sẽ còn cần nhiều trợ lực hơn nữa để đạt mục tiêu này.

Nhà báo Brien Lundin của ấn phẩm lâu đời nhất thế giới chuyên về thị trường vàng Gold Newsletter cho biết nhu cầu về vàng hiện đang rất mạnh mẽ.

Ngay cả khi các yếu tố ngắn hạn như căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể dâng cao hay lắng dịu, giới đầu tư dài hạn tin tưởng rằng các vấn đề như đồng tiền mất giá và tình hình địa chính trị khác sẽ tiếp tục tác động đến thị trường này.

Những lo ngại về sự suy thoái kinh tế tiềm ẩn, xuất phát từ sự đảo ngược gần đây của đường cong lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm, bên cạnh những số liệu không mấy lạc quan của kinh tế toàn cầu cùng đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kể từ năm 2008, đã khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn như một kênh đầu tư “trú ẩn an toàn.”

[Giá vàng thị trường thế giới đi lên tuần thứ ba liên tiếp]

Hiện giá vàng đang ở quanh mức 1.500 USD/ounce, so với mức 1.300 USD/ounce ghi nhận hồi đầu năm nay.

Nhà báo Lundin cho rằng giá vàng gần như chắc chắn sẽ tăng lên cao hơn và mức 1.800 USD/ounce hay thậm chí 2.000 USD/ounce là hoàn toàn khả thi cho kim loại quý này.

Đà đi lên của giá vàng sẽ còn “tăng tốc” hơn nữa nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Fed quay trở lại chương trình nới lỏng định lượng (QE).

QE - chương trình mua tài sản quy mô lớn của Fed để giúp kích thích nền kinh tế và “rót” thêm thanh khoản vào thị trường vốn - sẽ hỗ trợ rất lớn cho giá vàng do động thái trên có thể gây áp lực lên đồng USD và dẫn đến lạm phát. Vàng thường được coi là một công cụ đối phó với lạm phát tăng quá cao.

Trong khi đó, ông Stan Bharti, Giám đốc điều hành (CEO) của ngân hàng thương mại tư nhân Forbes & Manhattan, không cho rằng giá vàng đang tăng lên vì những nỗi lo ngại ngắn hạn của thị trường. Ngược lại, diễn biến này đã được dự kiến từ lâu.

Theo ông Bharti, sau giai đoạn 2003-2004, nhu cầu về các “tài sản cứng” như vàng đã tăng lên khi các nhà đầu tư nhanh nhạy chuyển sự quan tâm từ chứng khoán sang vàng để tự bảo vệ mình.

Nhưng tiếp sau đó trong giai đoạn 8-10 năm qua, thị trường chứng khoán đã tăng trưởng mạnh mẽ và tồn tại trong một môi trường lãi suất thấp. Diễn biến này đã đe dọa tới tình hình lạm phát.

Trong bối cảnh đó, ông Bharti hy vọng giá vàng sẽ lên tới 2.000 USD/ounce vào cuối năm 2020. Gần hơn, chuyên gia này dự kiến giá vàng nhảy vọt từ mức trung bình 1.480 USD/ounce lên 1.600 USD/ounce trong quý tiếp theo.

Tuy nhiên, ông Deric Scott, Phó Chủ tịch và nhà phân tích cao cấp của trang chuyên về giao dịch kim loại quý Metals.com, cho rằng để vàng đạt được mức tăng giá lớn như vậy, đồng USD sẽ phải giảm khá mạnh để đối phó với sự mất giá của đồng nhân dân tệ (nhân dân tệ) Trung Quốc.

[Quan hệ Mỹ-Trung xấu đi, giá vàng thế giới lập kỷ lục mới]

Một diễn biến gần đây được giới quan sát chú ý là đồn đoán về việc Trung Quốc đã hạn chế nhập khẩu vàng kể từ tháng Năm.

Cụ thể, theo các nguồn tin thân cận, Trung Quốc - nhà nhà nhập khẩu vàng lớn nhất thế giới - cắt giảm lượng vàng nhập khẩu trong tháng Năm khoảng từ 300-500 ounce so với cùng kỳ năm 2018.

Trong năm ngoái, nước này đã nhập khẩu khoảng 1.500 tấn vàng, chiếm khoảng hơn 30% tổng nguồn cung toàn thế giới.

Nếu thông tin này là sự thật, động thái trên hiện chưa có nhiều tác động đến giá vàng.

Các nguồn tin cho biết Trung Quốc có thể đang cố gắng kiềm chế tình trạng dòng tiền USD “chảy” khỏi nước này, đồng thời củng cố đồng nhân dân tệ khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tăng trưởng chậm lại.

Nhà báo Lundin cho biết nếu lệnh hạn chế được thi hành nghiêm ngặt trong một khoảng thời gian kéo dài, đây sẽ là một rủi ro đáng kể đối với thị trường vàng toàn cầu.

Chuyên gia Deric Scotttin của Metals.com cho rằng động thái trên của Trung Quốc - nếu là thật - có thể khiến vàng quay xuống mức thấp trong khoảng từ 1.463-1.485 USD/ounce.

Tuy nhiên, ông Lundin chỉ ra nhu cầu của giới đầu tư cũng đã tăng vọt trên toàn thế giới, vì vậy diễn biến này nhiều khả năng chỉ làm chậm đà tiến của giá vàng thay vì chặn đứng nó.

Các yếu tố khác có thể làm tăng đáng kể giá vàng bao gồm rủi ro địa chính trị leo thang liên quan đến các sự kiện như xung đột ở Iran, biểu tình ở Hong Kong (Trung Quốc) ...

Song bất kể thế nào, việc giá vàng tăng lên mức 1.800 USD/ounce hoặc 2.000 USD/ounce gần như chắc chắn sẽ xảy ra, dù thời điểm chính xác vẫn chưa rõ ràng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.