Giới phân tích lo ngại về hiệu quả kho dầu dự trữ chiến lược của Mỹ

Khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sớm sử dụng Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược đã làm dấy lên những lo ngại rằng kho dầu dự trữ khẩn cấp này sẽ được dùng cho các mục đích phi kinh tế.
Giới phân tích lo ngại về hiệu quả kho dầu dự trữ chiến lược của Mỹ ảnh 1Một nhà máy lọc dầu ở Houston. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Theo các phương tiện truyền thông, khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sớm sử dụng Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) nhằm giảm giá xăng đã làm dấy lên những lo ngại rằng kho dầu dự trữ khẩn cấp này sẽ được dùng cho các mục đích phi kinh tế.

Hãng tin Bloomberg trích dẫn một nguồn thông tin ẩn danh cho hay Chính phủ Mỹ hiện đang cân nhắc sử dụng 5-30 triệu thùng dầu của SPR để đưa ra thị trường nhằm bình ổn giá xăng.

Thông tin này được đưa ra trước khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Quốc hội Mỹ diễn ra vào tháng 11/2018 khi sức ép gia tăng đối với giá xăng, hiện cao hơn mức cách đây một năm do giá dầu thô tăng.

[Mỹ trích xuất 1 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược sau bão]

Giá xăng hiện đã rời khỏi mức đỉnh kể từ đầu năm đến nay sau khi tăng lên mức khoảng 3 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít) hồi tháng 5/2018. Giá xăng của Mỹ hiện vào khoảng 2,86 USD/gallon.

Theo nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group, trước tình trạng nguồn cung dầu gián đoạn đe dọa hoạt động sản xuất trên thế giới thì việc sử dụng SPR được coi là một biện pháp cấp bách.

Chuyên gia này cho rằng “mối quan ngại là Mỹ có thể bắt đầu sử dụng SPR như một vũ khí để thao túng giá dầu và vũ khí này sẽ trở nên kém hiệu quả trong tình huống một cuộc khủng hoảng thực sự diễn ra trên thị trường dầu mỏ.”

Mỹ đã xây dựng kho dự trữ dầu nói trên trong giai đoạn khủng hoảng dầu mỏ hồi thập niên 1970, SPR được bố trí ở bốn điểm tại các bang Texas và Louisiana thuộc miền Nam nước Mỹ.

SPR hiện có 660 triệu thùng dầu để đề phòng nguy cơ gián đoạn nguồn cung bất ngờ.

Trước đây, Mỹ đã đưa 11 triệu thùng dầu từ Kho dự trữ chiến lược ra thị trường để bình ổn giá xăng dầu sau cơn bão Katrina năm 2005 và 30 triệu thùng vào năm 2011 sau khi chính phủ khi đó của Libya (Li-bi) không còn nắm quyền điều hành đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.