Giới phân tích: Vàng chờ yếu tố mới trước khi có sự bứt phá

Đồng USD mạnh thường là yếu tố bất lợi cho giá vàng bởi khi giá đồng USD tăng, kim loại quý này trở nên đắt hơn cho những người mua bằng đồng tiền khác.
Giới phân tích: Vàng chờ yếu tố mới trước khi có sự bứt phá ảnh 1Vàng miếng được bán tại cửa hàng ở Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá vàng trong nước và thế giới khép lại tuần giao dịch từ 12-18/10 trong xu hướng giảm.

Theo giới phân tích, kim loại quý đang chờ yếu tố mới trước khi có sự bứt phá.

Ở những phiên đầu tuần, giá vàng trong nước giảm nhẹ khi rời khỏi mức đỉnh của ba tuần trước những đồn đoán về gói cứu trợ kinh tế Mỹ quy mô nhỏ hơn. Điều này đã làm giảm sức hấp dẫn của vàng.

Phiên 14/10, giá vàng trong nước tiếp đà giảm theo giá vàng thế giới, lùi về mốc 56 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới giảm 1,9% trong phiên giao dịch đêm 13/10 và để mất ngưỡng 1.900 USD/ounce, giữa bối cảnh đồng USD mạnh lên và hy vọng về gói kích thích kinh tế mới của Mỹ xa dần.

Giá vàng trong nước đảo chiều tăng trong phiên cuối tuần khi giá vàng thế giới đi lên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra đề xuất mới về quy mô gói kích thích kinh tế bổ sung. Dù vậy, giá vàng vẫn khép lại một tuần trong xu hướng giảm.

Sáng 18/10, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 55,82-56,29 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra). Còn tại Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC cũng được giao dịch mua vào-bán ra ở mức 55,86-56,18 triệu đồng/lượng.

Tính chung cả tuần, giá vàng trong nước giảm khoảng 200.000 đồng/lượng. Giá vàng thế giới cũng khép lại tuần giao dịch với mức giảm 1%, sau khi tăng hai tuần trước đó.

[Giá vàng thế giới tuần qua giảm 1% do đồng USD mạnh lên]

Theo nhà phân tích Lukman Otunuga tại FXTM, diễn biến của thị trường vàng trong tuần qua chịu tác động trước các dự báo về gói kích thích mới tại Mỹ, số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới tăng và những lo ngại trước cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ. Ông cho rằng thị trường vàng đang chờ một yếu tố mới có tác động trực tiếp trước khi có sự bứt phá.

Giá vàng chịu sức ép khi đồng USD lên giá do hoạt động mua vào trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu tăng. Chỉ số đồng USD, thước đo giá trị của đồng tiền này so với các đồng tiền mạnh khác tăng 0,7% trong tuần qua.

Đồng USD mạnh thường là yếu tố bất lợi cho giá vàng bởi khi giá đồng USD tăng, kim loại quý này trở nên đắt hơn cho những người mua bằng đồng tiền khác.

Trong dài hạn, các nhà đầu tư cho rằng giá vàng sẽ bứt lên khỏi ngưỡng 1.900 USD/ounce do những lo ngại về sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 cũng như việc tăng cường các biện pháp kích thích, một điều kiện thuận lợi cho sự phục hồi của giá kim loại này.

Người phụ trách phân tích của ActivTrades, Carlo Alberto De Casa, cho rằng sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 đang gây lo ngại về các biện pháp phong tỏa sẽ được tăng cường, trong khi sự cần thiết đối với các biện pháp kích thích bổ sung nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng hiện nay đã duy trì sức hấp dẫn chưa từng có của vàng đối với các nhà đầu tư.

Giá vàng không nhận được sự hỗ trợ lớn dù số liệu cho thấy sản lượng công nghiệp của Mỹ tháng Chín giảm lần đầu tiên trong năm tháng.

Trong khi đó, chỉ số lòng tin tiêu dùng đầu tháng 10/2020 tăng lên 81,2, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.