Giới thiệu nhiều tác phẩm âm nhạc và vũ kịch mới của Việt Nam

"Hòa nhạc và Múa đương đại Việt Nam" do Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sẽ diễn ra ngày 9/7.
Giới thiệu nhiều tác phẩm âm nhạc và vũ kịch mới của Việt Nam ảnh 1(Ảnh minh họa: Phương Hoa/TTXVN)

Thông tin từ Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết chương trình "Hòa nhạc và Múa đương đại Việt Nam" do Nhà hát tổ chức sẽ diễn ra ngày 9/7 tại Nhà hát Thành phố.

Đây là chương trình đặc biệt của Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nhằm giới thiệu tới công chúng yêu nghệ thuật các tác phẩm mới nhất của các nhạc sỹ, biên đạo múa trẻ.

Các tác phẩm mới được giới thiệu đến công chúng lần này cũng là kết quả của chương trình xúc tiến đầu tư sáng tác các tác phẩm mới mà Nhà hát thực hiện hàng năm nhằm khuyến khích các nghệ sỹ trẻ của Việt Nam sáng tác trong lĩnh vực hàn lâm. Đồng thời phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của cộng đồng.

Trong phần một của chương trình, khán giả sẽ được thưởng thức những màu sắc độc đáo trong các tác phẩm mới nhất của các nhạc sỹ Việt Nam với nhiều cung bậc cảm xúc sống động.

Khán giả sẽ đến với những âm thanh mê hoặc của các nhạc cụ dân tộc Việt Nam, cũng như sự hòa quyện của những nhạc cụ này với nhạc cụ phương Tây. Đó là tác phẩm "Mong mỏi" Nguyễn Đỗ Anh Tuấn viết cho kèn clarinet và dàn dây; tác phẩm "Làn gió nhẹ bay" cho piano, vibraphone, marimba và đàn dây Nguyễn Mạnh Duy Linh...

Ngoài tác phẩm âm nhạc, trong phần một còn có phần biểu diễn "Tình yêu và sự phản bội" của tác giả Trần Đăng Linh do nghệ sỹ ưu tú Trần Hồng Vy (giọng nữ cao) và nghệ sỹ Trần Duy Linh (giọng nam cao) biểu diễn. Đây là phần trích đoạn trong sáng tác "An Dương Vương và nỏ thần" đã được giới thiệu trong Festival âm nhạc đương đại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2012. "Tình yêu và sự phản bội" là trường đoạn khá phức tạp, diễn tả tình yêu của Mỵ Châu và Trọng Thủy, Trọng Thủy đánh cắp nỏ thần dẫn đến sự thất bại của An Dương Vương...

Đặc biệt được quan tâm, giới thiệu trong chương trình lần này là trích đoạn âm nhạc "Gươm thần" của nhạc sỹ Đỗ Kiên Cường viết dành cho đàn bầu, đàn tranh, đàn dây và một số nhạc cụ phương Tây.

Phần biểu diễn này là một trích đoạn trong tác phẩm âm nhạc đương đại "Truyền thuyết Hồ Gươm" với sự tham gia của 6 nhạc sỹ Đỗ Anh Tuấn, Lê Thanh Xuân, Đỗ Kiên Cường, Trần Đinh Lăng, Susanne Grunewald, Olivier Schreuder.

"Gươm thần" được sáng tác dựa trên truyền thuyết Lê Lợi mượn gươm của Long Vương để đánh giặc ngoại xâm, lưỡi kiếm được kéo từ dưới nước lên, còn chuôi kiếm được treo trên cây, khi ghép lại mới thành gươm thần hoàn chỉnh...

Trong phần 2 dành riêng cho múa, Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt giới thiệu đến khán giả vở múa đương đại lần đầu tiên ra mắt "Đánh mất và tìm lại" của hai nhà biên đạo trẻ Nguyễn Phúc Hùng và Nguyễn Phúc Hải với nhiều gửi gắm về niềm vui và nỗi buồn mà tình yêu mang đến.

Hàng năm, Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh đều xúc tiến đầu tư sáng tác các tác phẩm mới.

Mỗi năm đều có một số tác phẩm âm nhạc và vũ kịch mới được giới thiệu đến khán giả Việt Nam, nhiều tác phẩm được khán giả và giới chuyên môn đón nhận và đánh giá cao như vũ kịch "Chuyện tình non sông" do nghệ sỹ ưu tú Hoài Vũ và nghệ sỹ Nhân dân Vũ Việt Cường đồng tác giả kịch bản, biên đạo múa nghệ sỹ ưu tú Kim Quy; bốn vở múa đương đại "Những mảnh ghép của giấc mơ," "Đối thoại," "Chuyển," "Chạm tay vào quá khứ" của hai biên đạo múa trẻ Nguyễn Phúc Hùng và Nguyễn Phúc Hải; nhạc kịch "Người giữ cồn" của giáo sư, nhạc sỹ Ca Lê Thuần, giao hưởng thơ "Ký ức đồng khởi" của Võ Đăng Tín; tổ khúc dân ca "Dòng chảy" của Trần Mạnh Hùng; hàng loạt các tác phẩm mang phong cách âm nhạc đương đại của các nhạc sỹ tài năng hiện nay như Nguyễn Mạnh Duy Linh, Vũ Việt Anh, Đỗ Kiên Cường, Trần Đinh Lăng.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Những năm tháng chiến tranh trước, sau ngày Giải phóng Thủ đô để lại dấu ấn trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có âm nhạc; nhiều tác phẩm trở thành bất hủ, thậm chí thành biểu tượng của Hà Nội.