​Giới thiệu tiềm năng đầu tư, thúc đẩy quan hệ kinh tế Pháp-Việt

Theo thống kê, hiện có 170 doanh nghiệp Pháp đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có những tập đoàn lớn đầu tư vào những dự án có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam.
​Giới thiệu tiềm năng đầu tư, thúc đẩy quan hệ kinh tế Pháp-Việt ảnh 1Doanh nghiệp Pháp và Việt Nam trao đổi cơ hội làm ăn tại một sự kiện tại Paris. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Doanh nghiệp Pháp cần đổi mới cách tiếp cận, tăng cường hiểu biết văn hóa, ngôn ngữ, thích ứng với điều kiện của nền kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi nhanh chóng để mở rộng thị phần và đầu tư vào Việt Nam.

Đây là nhận định của tiến sỹ Jean-Philippe Eglinger, sáng lập viên của Việt Pháp Strategies, tại cuộc tọa đàm do hãng tư vấn thông tin kinh tế Salveo/Adit/ESL tổ chức vào sáng 4/4 tại thủ đô Paris của Pháp.

Cuộc tọa đàm nhằm giới thiệu tiềm năng kinh tế, thương mại của Việt Nam đến giới doanh nghiệp Pháp, đồng thời thu hút doanh nghiệp lớn của Việt Nam mở rộng đầu tư sang Pháp, châu Âu và các nước trong cộng đồng Pháp ngữ.

Tới dự có Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, đại diện của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Pháp.

[Nửa thế kỷ hữu nghị giữa Pháp và Việt Nam dưới góc nhìn học thuật]

Theo tiến sỹ Eglinger, trong thập niên 1990, Pháp từng dẫn đầu các nước ngoài châu Á đầu tư vào Việt Nam nhưng doanh nghiệp Pháp đã không tranh thủ được quá trình hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới.

Đầu tư của Pháp tăng nhưng tỷ trọng trong tổng vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam ngày càng giảm. Điều đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó một phần là do doanh nghiệp Pháp chủ quan, coi Việt Nam như một thị trường quen thuộc mà chưa biết thích nghi với nền kinh tế đang chuyển đổi rất nhanh chóng. Doanh nghiệp Pháp phải đối mặt với sự cạnh tranh rất mạnh từ các đối thủ châu Á.

Theo thống kê, hiện có 170 doanh nghiệp Pháp đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có những tập đoàn lớn đầu tư vào những dự án có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam.

Trong số đó, nổi lên là dự án của Tập đoàn điện lực EDF xây dựng Nhà máy khí hóa lỏng Sơn Mỹ, với vốn đầu tư 1,5 tỷ euro, tập đoàn Bouygues đầu tư dự án tàu điện ngầm Hà Nội trị giá 1,5 tỷ euro.

Về quan hệ thương mại, Pháp chỉ chiếm 1% thị phần tại Việt Nam nhưng hàng hóa Pháp được đánh giá cao về chất lượng, nhất là dược phẩm, công nghiệp thực phẩm, công nghệ tin học và truyền thông, công nghiệp quốc phòng, đóng tàu.

Tuy nhiên, tiến sỹ Eglinger nhấn mạnh rằng nhiều sản phẩm của Pháp đang hiện diện tại thị trường Việt Nam nhưng không được tính vào xuất khẩu của Pháp vì các trung tâm phân phối đặt ở nước khác.

Chẳng hạn, rượu vang Pháp nhập vào Việt Nam thường qua Singapore, nên không tính vào xuất khẩu của Pháp. Tương tự, tập đoàn Safran cung cấp động cơ máy bay Boeing 737 được nhiều hãng hàng không Việt sử dụng.

Theo tiến sỹ Eglinger, nền kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mẽ từ nền sản xuất dựa trên lắp ráp sản phẩm phục vụ xuất khẩu sang mô hình mới có giá trị tăng thêm và tính cạnh tranh cao hơn.

Để phục vụ mục tiêu này, Việt Nam tiếp tục đầu tư vào đào tạo và nâng cấp sản phẩm. Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có những hiệp định thế hệ mới với những đòi hỏi cao hơn về bảo vệ môi trường và người lao động và quy định về xuất sứ sản phẩm.

Ông Eglinger nhận định Việt Nam là thị trường lớn rất có tiềm năng, doanh nghiệp hai nước có cơ hội tận dụng những thế mạnh do mối quan hệ đối tác chiến lược và thỏa thuận tự do thương mại Việt Nam-EU tạo ra.

Để khai thác được những thế mạnh đó, hai bên cần phải nghiên cứu để hiểu rõ điều kiện thị trường của nhau. Đặc biệt, cần tăng cường đào tạo để có thêm nhiều người Pháp nói được ngôn ngữ, hiểu biết văn hóa Việt Nam.

Doanh nghiệp Pháp nên mở rộng tìm cơ hội ra các địa phương ngoài hai đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, hiện đã có dấu hiệu bão hòa.

Phát biểu tại cuộc tọa đàm, giáo sư Pierre Journoud của Đại học Paul Valéry Montpellier, đánh giá cao chính sách đối ngoại đa phương của Việt Nam, thể hiện qua việc phát huy ngày càng hiệu quả vai trò trong các tổ chức khu vực và quốc tế, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nhiều nước trên thế giới.

Việt Nam cũng đóng góp tích cực vào Tổ chức Pháp ngữ, tham gia vào nhiều chương trình hợp tác song phương, ba bên. Trong quan hệ với Việt Nam, theo giáo sư Journoud, Pháp có vai trò rất quan trọng, là đối tác đáng tin cậy đã hỗ trợ Việt Nam vượt qua những giai đoạn khó khăn để hội nhập quốc tế.

Salveo là công ty của tập đoàn ADIT, chuyên về tư vấn đầu tư. Công ty hiện có hơn 50 văn phòng tại các nước trên thế giới. Theo ông Tristan Cotte, giám đốc điều hành Salveo, Việt Nam là ví dụ điển hình về khả năng phục hồi kinh tế, vì thế hiện có nhiều doanh nghiệp Pháp đang quan tâm đến thị trường này.

Các chuyên gia của công ty sẽ hỗ trợ để họ biến những ý định thành dự án cụ thể, giúp các doanh nghiệp Pháp xác định thị trường, tìm kiếm đối tác tại chỗ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.