Giữ "Liêm" - cái gốc của người cán bộ: Trọng dụng người thực tài

Việc thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng thông qua thi tuyển góp phần phát hiện kịp thời và chọn đúng người có đức, có tài, không để lãng phí cán bộ.
Giữ "Liêm" - cái gốc của người cán bộ: Trọng dụng người thực tài ảnh 1Thí sinh thực hiện phần thi viết thi tuyển Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn là vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm.

Từ khi chuẩn bị sáng lập Đảng cho đến khi đi xa, Người coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Cùng với bồi dưỡng giáo dục đạo đức, để "mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng," Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm bồi dưỡng, phát huy tài năng của người cán bộ. Đạo đức phải gắn liền với năng lực, trong đó đức phải là cội gốc, tài là ngọn cành.

Đức là cội gốc

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh rằng: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan, phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng.”

Để làm tròn nhiệm vụ đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải luôn nỗ lực phấn đấu, thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, vì “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn, cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng, không có đạo đức cách mạng thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân.”

Cần, kiệm, liêm, chính là một trong những nội dung của đạo đức cách mạng. Cùng tới tự tu dưỡng, rèn luyện, thì công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn là nội dung được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, thực hiện thường xuyên, liên tục, bằng nhiều hình thức, biện pháp.

Việc giáo dục, rèn luyện không chỉ ở trường lớp, trong tổ chức đảng, ở cơ quan, đơn vị, thông qua phân công thực hiện nhiệm vụ để rèn luyện, thử thách, mà còn qua công tác kiểm tra, giám sát, khen thưởng và kỷ luật Đảng.

Nội dung bồi dưỡng đạo đức cách mạng sát với từng đối tượng, có yêu cầu cụ thể, gắn với từng cấp, từng ngành, từng nhiệm vụ theo cương vị, chức trách.

Nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", đặc biệt từ khi thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ, cùng với việc tăng cường công tác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, Đảng đã đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.

Từ đầu nhiệm kỳ XII của Đảng đến nay, hơn 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, bị thi hành kỷ luật đảng và xử lý hình sự; nhiều vụ án có liên quan tới cán bộ, đảng viên ở vị trí lãnh đạo cấp cao đã bị đưa ra ánh sáng như vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn...

Những hành động nghiêm khắc, quyết liệt này đã góp phần quan trọng tăng cường kỷ cương, kỷ luật, cảnh báo, ngăn ngừa những biểu hiện tiêu cực, suy thoái về đạo đức, lối sống trong Đảng, làm trong sạch đội ngũ, lấy lại lòng tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

[Giữ 'liêm,' cái gốc của người cán bộ - ngọc càng mài càng sáng]

Góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa ý thức tự giác rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ, thời gian qua, toàn Đảng, toàn dân đã tích cực thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Sau 3 năm thực hiện, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 05 đã góp phần hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ, đổi mới tác phong làm việc, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đóng góp quan trọng cho việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở nhiều địa phương, đơn vị.

Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW trong toàn Đảng, toàn dân, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng yêu cầu việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các tập thể và cá nhân cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân; chú trọng việc đăng ký và làm theo của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị theo hướng cụ thể, thiết thực, hiệu quả; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp; tiếp tục lựa chọn những vấn đề quan trọng, những việc nổi cộm, bức xúc mà cán bộ, đảng viên, người dân đặc biệt quan tâm để tập trung tổ chức xử lý, giải quyết có kết quả thực chất.

Tài là ngọn cành

Giữ "Liêm" - cái gốc của người cán bộ: Trọng dụng người thực tài ảnh 2Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ "vừa hồng, vừa chuyên.” (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Trên quan điểm đức là cội gốc, tài là ngọn cành, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người cách mạng phải hội đủ 2 yếu tố: đức và tài, hồng và chuyên để có thể hoàn thành nhiệm vụ Tổ quốc và nhân dân giao phó.

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Lý Việt Quang, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, trong khi khẳng định đạo đức là gốc, là nền tảng, Người không vì thế xem nhẹ tài năng, bởi theo Hồ Chí Minh, có đức mà không có tài thì vô dụng, nhưng nếu có tài mà không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy, người cán bộ, đảng viên cũng không quy tụ, lãnh đạo được nhân dân. Đạo đức phải gắn liền với năng lực.

Trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của đất nước, việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý luôn là ưu tiên hàng đầu.

Để thực hiện tốt việc phát triển nguồn nhân lực thì việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý có phẩm chất đạo đức, có đủ năng lực đảm đương công việc được trao luôn là yêu cầu cấp bách và là đòi hỏi của thực tiễn.

Đội ngũ lãnh đạo, quản lý được xây dựng thông qua nhiều giải pháp như phát hiện, giới thiệu, bồi dưỡng, quy hoạch...

Trong đó, cách thức tuyển chọn để tìm ra người thực tài, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ đúng năng lực, sở trường để phát huy hết khả năng có tính quyết định đến chất lượng đội ngũ lãnh đạo, quản lý.

Điểm lại hàng loạt kết luận thanh tra của Bộ Nội vụ từ đầu năm đến nay, có một thực tế phải thừa nhận đó là tất cả các bộ, ngành, địa phương được thanh tra đều phát hiện ra sai sót trong công tác tuyển dụng hoặc sử dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, quản lý viên chức và hợp đồng lao động.

Tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong giai đoạn 1/1/2016 đến 30/9/2018, thanh tra Bộ Nội vụ chỉ rõ, qua kiểm tra 80 hồ sơ tuyển dụng công chức trong trường hợp đặc biệt, cho thấy có Hội đồng kiểm tra, sát hạch có số lượng thành viên chưa đúng quy định.

Trong xét tuyển đặc cách viên chức, có đơn vị sự nghiệp công lập hồ sơ chưa thể hiện đầy đủ nội dung phỏng vấn và việc biểu quyết của các thành viên Hội đồng, không có văn bản báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt kết quả xét tuyển.

Kiểm tra tại Tổng cục Thuế và 17 đơn vị thuộc, trực thuộc Tổng cục, Thanh tra Bộ Nội vụ công bố còn 141 công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý chưa đáp ứng một hoặc một số điều kiện, tiêu chuẩn đối với chức vụ hiện giữ...

Việc lựa chọn, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương vẫn còn tình trạng nể nang, cục bộ, “ưu ái” các đối tượng thân quen…

Một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, bố trí cán bộ không đúng sở trường, năng lực, thậm chí không đủ điều kiện, tiêu chuẩn.

Điều này không chỉ ảnh hưởng chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, mà còn làm ảnh hưởng uy tín của cơ quan, đơn vị, kìm hãm sự phát triển chung.

Chính vì vậy, việc đổi mới quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ quản lý là biện pháp rất quan trọng và cần thiết, trong đó thi tuyển chức danh lãnh đạo được coi là cách làm mới, nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, đồng thời chống lạm quyền đối với những người được trao quyền trong công tác cán bộ.

Đi tiên phong trong đổi mới quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ quản lý, Ban Tổ chức Trung ương đã công khai tổ chức thi tuyển các chức danh Vụ trưởng: Vụ Chính sách cán bộ, Vụ Cơ sở Đảng và Vụ Địa phương III.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình cho rằng, thi tuyển là "bước đột phá để tiếp tục hoàn thiện quy trình và tăng tốc quá trình đổi mới công tác cán bộ với tư cách là khâu then chốt của then chốt.

Việc thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng góp phần phát hiện kịp thời và chọn đúng người có đức, có tài, không để lãng phí cán bộ, không để "chảy máu" chất xám và là đột phá quan trọng trong công tác cán bộ."

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng và đã được Bộ Chính trị thông qua tại Kết luận số 202-TB/TW ngày 26/5/2015, hiện có 9/14 bộ, ngành và 13/22 địa phương đã tổ chức thí điểm thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý, với tổng số 109 vị trí.

Qua thi tuyển đã tạo được sự công bằng, công khai, minh bạch, khắc phục tình trạng khép kín công tác cán bộ.

Hiện Bộ Nội vụ đã có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương sơ kết hai năm thực hiện thí điểm thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý để Bộ Nội vụ có cơ sở báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kết quả sau hai năm thực hiện Đề án này.

Trên cơ sở đó, có thể nghiên cứu đổi mới, bổ sung phương pháp thí điểm hoặc nếu thí điểm đạt kết quả tốt thì xem đây là một trong những hình thức để nghiên cứu, xem xét trong vấn đề bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý sau này, Bộ trưởng cho biết.

Cùng với các biện pháp khác, công khai thi tuyển sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng cục bộ trong công tác tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ, cũng như khắc phục tình trạng thao túng, lạm quyền, lợi ích nhóm và tham nhũng trong công tác này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục