Bắc Giang thuộc Đồng bằng sông Hồng, có điều kiện thổ nhưỡng cũng như điều kiện khí hậu rất phù hợp cho việc sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, có điều kiện tiếp cận và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất tạo ra những sản phẩm có giá trị cao.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang, đến nay, tỉnh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 2 chỉ dẫn địa lý và 1.174 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, trong đó có 4 nhãn hiệu chứng nhận, 60 nhãn hiệu tập thể, còn lại là nhãn hiệu thông thường.
Hỗ trợ phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ
Tỉnh Bắc Giang xác định sở hữu trí tuệ đóng vai trò tích cực như một động lực thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao trình độ công nghệ, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu tài sản trí tuệ góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.
Do vậy trong những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch để xây dựng và phát triển các thương hiệu sản phẩm, thúc đẩy hoạt động sáng kiến.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang Mai Sơn, Ủy ban Nhân dân tỉnh hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp như hỗ trợ 50 % chi phí tư vấn, thiết kế, đăng ký với mức tối đa 35 triệu đồng/nhãn hiệu; 50% thiết kế mới hoặc nâng cấp mẫu mã bao bì sản phẩm với mức tối đa 200 triệu đồng trên một sản phẩm; 50% chi phí tem truy xuất nguồn gốc với mức tối đa 20 triệu đồng trên một sản phẩm.
Đặc biệt, tỉnh có thế mạnh phát triển nông nghiệp với nhiều sản phẩm nông nghiệp hàng hóa phong phú, có giá trị kinh tế cao. Tỉnh đã tập trung hỗ trợ xác lập quyền sở hữu với nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc trưng và sản phẩm tiềm năng.
[Bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ với sản phẩm nông nghiệp chủ lực]
Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 802/KH-UBND về Phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2014-2020.
Riêng đối với sản phẩm vải thiều, tỉnh đã xây dựng đề án "Phát triển sản phẩm vải thiều hướng tới đạt tiêu chí sản phẩm quốc gia gia đoạn 2017-2020” trong đó thông qua các đề tài, dự án khoa học và công nghệ, triển khai một số nội dung hỗ trợ như hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP với mức 15 triệu đồng/giấy chứng nhận, hỗ trợ 30% kinh phí mua dây chuyền, thiết bị bảo quản vải thiều với mức tối đa 2 tỷ đồng và 100% kinh phí chuyển giao công nghệ, hỗ trợ cho thiết kế bao bì 25 triệu đồng.
Những sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ được duy trì và nâng cao về số lượng và chất lượng sản phẩm. Sản phẩm phải được sản xuất theo đúng quy trình, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, thực hành sản xuất nông nghiệp (VietGAP, GlobalGAP), thiết lập và áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm; đẩy mạnh hỗ trợ công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị; tăng cường công tác quản lý sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ, kiểm soát và xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền.
Tỉnh tiếp tục tăng số lượng và chất lượng sản phẩm mới được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, quyền tác giả...
Phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có ít nhất 4 chỉ dẫn địa lý, 8 nhãn hiệu chứng nhận, 80 nhãn hiệu tập thể, số đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp tăng 5%/năm. Đến năm 2030, tỉnh Bắc Giang thuộc nhóm các tỉnh có mức độ khá về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ.
Giai đoạn 2014-2020, Bắc Giang đã triển khai 8 dự án thuộc Chương trình sở hữu trí tuệ gồm xây dựng, quản lý chỉ dẫn địa lý “Núi Dành” cho sản phẩm sâm nam của huyện Tân Yên, “Lục Nam” cho sản phẩm na dai huyện Lục Nam; xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Gạo thơm Yên Dũng” dùng cho sản phẩm gạo thơm Yên Dũng; các nhãn hiệu chứng nhận cho Miến dong Sơn Động, Bưởi Hiệp Hòa, Chè Yên Thế, Vân hương mỹ tửu, Nhãn chín muộn Yên Thế.
Năm 2020 Sở phê duyệt 6 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cơ sở được triển khai đăng ký nhãn hiệu tập thể cho 6 sản phẩm nông nghiệp đăng ký xác lập quyền, thiết kế bao bì, mã số, mã vạch.
Phát triển thương hiệu sau bảo hộ
Để phát triển và giữ vững thương hiệu sau khi được bảo hộ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang đã ban hành các chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn, thúc đẩy sản xuất sản phẩm an toàn, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ bảo quản sau thu hoạch, đăng ký bảo hộ vải thiều ra nước ngoài có tiềm năng xuất khẩu, xúc tiến thương mại tìm thị trường xuất khẩu nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, gia tăng giá bán sản phẩm, góp phần thực hiện thành công Chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp.
Các sản phẩm nông sản được bảo hộ đã phát huy giá trị riêng biệt ưu việt của mình, sản phẩm được đóng gói và có tem nhãn ghi rõ xuất xứ sản phẩm như Mỳ Chũ, vải thiều Lục Ngạn, nấm Lạng Giang, rau an toàn… đã mang lại uy tín, chất lượng và duy trì giữ vững thương hiệu, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Đến nay, để có sản phẩm chất lượng các nhà sản xuất, Hội, ngành hàng sản xuất đã có cơ chế giám sát lẫn nhau ngay từ ban đầu, khi sản phẩm lưu thông trên thị trường đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng.
Song song với việc tuyên truyền giới thiệu các sản phẩm hàng hóa đã được đăng ký thương hiệu, năm 2016, 2017, 2018, nhân Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam, Sở Khoa học và Công nghệ đã kết hợp tổ chức sự kiện trưng bày các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh, đồng thời trưng bày các sản phẩm đối chứng hàng thật, hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ giúp cho người tiêu dùng nhận biết, phân biệt rõ sản phẩm...; nhằm giúp các chủ sở hữu duy trì và phát triển tốt các sản phẩm đã được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
Vải thiều Lục Ngạn được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý thành công tại Nhật Bản mới chỉ là bước đầu tạo lợi thế cạnh tranh cho vải thiều Lục Ngạn đến với thị trường Nhật Bản.
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí cho biết, các hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn sau bảo hộ sẽ tiếp tục là một thách thức lớn cho các cấp, các ngành, đặc biệt của tỉnh Bắc Giang. Đây mới chỉ là những khó khăn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, vốn được coi là công cụ hỗ trợ cho vải thiều Lục Ngạn có thêm lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu.
Lớn nhất phải kể đến là việc nhanh chóng kiện toàn năng lực của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, Hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn, tổ chức sẽ phải chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến văn bằng sau khi được cấp như nộp báo cáo hàng năm, thông báo sửa đổi, làm việc với các đoàn kiểm tra thực địa.
Nhận thức của người nông dân, nhằm tuân thủ một cách chặt chẽ quy trình trồng và sản xuất vải thiều, đảm bảo tính chất/chất lượng đặc thù của sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu vải thiều sang Nhật, cũng cần được nâng cao và liên tục giám sát.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang cho biết, thách thức là hằng năm phải đánh giá nội bộ chất lượng sản phẩm theo tiêu chí chỉ dẫn địa lý được bảo hộ và cập nhật thường xuyên lên hệ thống để các đối tác thu mua sản phẩm nắm được.
Bên cạnh đó, để có các chỉ tiêu tốt, phải có sản phẩm tốt và điểm mấu chốt vẫn là người dân cần tuân thủ quy trình kỹ thuật sản xuất tạo ra sản phẩm vừa có mã đẹp mà chất lượng vẫn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trách nhiệm của người sản xuất phải được nâng cao, từ đó quyết định đến chất lượng sản phẩm, yếu tố cốt lõi phát huy giá trị sau bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Để phát triển thương hiệu "Vải thiều Lục Ngạn," trước mắt, Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang sẽ kết hợp xúc tiến tiêu thụ vải thiều, trong đó chú trọng kết nối các cơ quan Trung ương, doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua xuất khẩu vải thiều với các nhà vườn.
Sở đang hoàn tất hồ sơ, thông qua Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận vải thiều là sản phẩm quốc gia trong tháng 5/2021.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang, diện tích vải thiều toàn tỉnh khoảng 27.700ha, sản lượng là 160.000 tấn. Trong đó, rỉêng huyện Lục Ngạn diện tích là 15.450ha, sản lượng trên 120.000 tấn, trên 1.000 tấn vải thiều Lục Ngạn sẽ được xuất khẩu vào Nhật Bản.
Vụ vải năm 2021, đã có 8 doanh nghiệp đặt vấn đề thu mua và 1 doanh nghiệp đã đến khảo sát, chọn địa điểm xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang Mai Sơn nhấn mạnh, việc quan trọng hiện nay là tư vấn, tập huấn cho người dân trồng vải đúng kỹ thuật.
Ủy ban Nhân dân có kế hoạch chuyên đề về xây dựng thương hiệu vải thiều, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu vải thiều Lục Ngạn; tập trung ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi số mạnh mẽ, hỗ trợ nông dân đưa các loại nông sản lên sàn giao dịch điện tử.
Về biện pháp lâu dài, tỉnh Bắc Giang tiếp tục thực hiện các chính sách đã ban hành về hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp trong đó có sản phẩm vải thiều; rà soát và ban hành chính sách mới phù hợp với thực tiễn nhằm phát triển ổn định bền vững cây vải thiều.
Các hoạt động thường xuyên như duy trì và nâng cao chất lượng diện tích sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, mở rộng mô hình sản xuất vải thiều hữu cơ; nhân rộng việc áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (mã số mã vạch gắn với thông tin tra cứu về sản phẩm) để nhận diện và truy xuất được nguồn gốc các sản phẩm vải thiều; hỗ trợ ứng dụng công nghệ tiên tiến về bảo quản, chế biến vải thiều sau thu hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm; tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vải thiều theo chuỗi giá trị./.
Bài 1: Đưa nông sản Việt ra thế giới: Nỗ lực tìm 'thị trường khó tính'