GM nộp phạt gần 1 tỷ USD do che giấu lỗi côngtắc điện ở ôtô

Theo giới chức Mỹ ngày 17/9, GM chấp nhận phạt 900 triệu USD để giải quyết các cáo buộc vì hành vi lừa dối, cố tình che giấu ôtô bị lỗi côngtắc đánh điện.
GM nộp phạt gần 1 tỷ USD do che giấu lỗi côngtắc điện ở ôtô ảnh 1Giám đốc điều hành của General Motors Mary Barra. (Nguồn: Getty)

900 triệu USD là khoản tiền phạt mà Tập đoàn sản xuất ôtô General Motors (GM) của Mỹ phải trả để tránh bị khởi tố hình sự vì hành vi chậm thu hồi các mẫu xe bị lỗi côngtắc đánh lửa khiến nhiều người thương vong.

Trong một thông báo đưa ra ngày 17/9, giới chức Mỹ cho biết GM đã chấp nhận khoản phạt trên để giải quyết các cáo buộc hình sự vì hành vi lừa dối và cố tình che giấu việc các mẫu xe ôtô bị lỗi côngtắc đánh lửa với Cơ quan an toàn giao thông cao tốc quốc gia (NHTSA), khiến ít nhất 124 người thiệt mạng.

Chính phủ đã đồng ý không khởi tố hình sự đối với GM với điều kiện tập đoàn này phải tuân thủ và chấp hành các điều khoản của thỏa thuận với các công tố viên liên bang trong vòng 3 năm, cũng như đồng ý bổ nhiệm một giám sát viên độc lập tại công ty này.

Mặc dù không có cá nhân nào của GM bị truy tố, song các công tố viên khẳng định cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục.

Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Giao thông Mỹ Anthony Foxx cho biết các cuộc điều tra của Bộ Tư pháp cho thấy GM không chỉ giấu giếm việc các xe bị lỗi gây chết người mà còn cố ý che đậy sự thật với NHTSA và công chúng.

Quan chức này nhấn mạnh khoản phạt dành cho GM cũng phát đi một thông điệp đối với các nhà sản xuất ôtô rằng "việc lừa gạt cũng như chậm trễ (chịu trách nhiệm) là không thể chấp nhận và sẽ phải trả giá đắt."

Phát biểu tại một cuộc họp nhân viên, Giám đốc điều hành GM Mary Barra đã một lần nữa xin lỗi vì những hành vi trên của tập đoàn này, đồng thời khẳng định công ty đã "biến cuộc khủng hoảng thành một chất xúc tác để thúc đẩy một sự thay đổi có ý nghĩa."

Bà Barra nhấn mạnh GM hiện đã thay đổi và trở thành "một công ty tốt hơn." Bà cũng cho biết GM sẽ tiếp tục giải quyết một số cáo buộc dân sự liên quan đến vụ bê bối công tắc đánh lửa này.

Hồi năm ngoái, GM đã phải thu hồi 2,6 triệu chiếc xe hơi cỡ nhỏ thuộc các dòng Chevrolet Cobalt và Saturn trên toàn thế giới do lỗi công tắc đánh điện. GM đã thiết lập quỹ bồi thường độc lập sau khi thừa nhận lỗi công tắc đánh điện trên xe của hãng này có thể khiến nguồn điện cung cấp cho thiết bị lái và túi khí bị ngắt đột ngột khi xe vẫn đang chạy, ảnh hưởng đến sự an toàn của người tiêu dùng.

GM đã phát hiện ra lỗi này từ hơn 10 năm trước nhưng mãi tới tháng 2/2014 mới bắt đầu thu hồi xe sau khi xảy ra hàng trăm vụ tai nạn và tử vong liên quan đến các xe bị lỗi.

Theo thống kê, trục trặc ở hệ thống đánh điện trên các xe của hãng này đã khiến ít nhất 124 người thiệt mạng và 275 người bị thương nặng.

Với khoản phạt lên tới gần 1 tỷ USD, hãng sản xuất ôtô lớn nhất nước Mỹ này đã nối gót đối thủ Toyota Motor Corp của Nhật Bản phải chấp nhận bồi thường sau quá trình kiện tụng kéo dài.

Hồi năm ngoái, Toyota đã phải thanh toán mức phạt lên tới 1,2 tỷ USD để giải quyết các sự cố về lỗi kỹ thuật xe liên quan đến những cáo buộc tại Mỹ khi cho rằng tập đoàn này không minh bạch những "khiếm khuyết trong hệ thống an toàn" của một số dòng xe, gây nguy hiểm đến người sử dùng. Đây là mức phạt kỷ lục mà Bộ Tư pháp Mỹ áp đặt lên một hãng chế tạo ôtô./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.