Gỡ nút thắt giải phóng mặt bằng các công trình giao thông trọng điểm

Nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm, nhiều địa phương lên kế hoạch chi tiết về giải phóng mặt bằng và theo dõi sát sao để tháo gỡ khi có khó khăn vướng mắc.
Công trường thi công đường dẫn lên cầu Rạch Miễu 2, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Giải phóng mặt bằng là việc phức tạp, khó khăn do liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và sinh kế của người dân. Nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xác định giải phóng mặt bằng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm.

Khẩn trương giải phóng mặt bằng

Dự án cầu Rạch Miễu 2 được chia làm 6 gói thầu xây lắp trên địa bàn hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, khởi công ngày 28/3/2022, dự kiến hoàn thành cuối năm 2025, tổng mức đầu tư 6.810 tỷ đồng. Sau hơn hai năm nỗ lực thi công, đến nay tiến độ đạt trên 50%.

Trong giải phóng mặt bằng, tỉnh Tiền Giang tiến hành vận động người dân bàn giao mặt bằng sạch để giao cho đơn vị thi công thực hiện dự án cầu Rạch Miễu 2.

Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh Tiền Giang Trần Thanh Bá cho biết, tổng số hộ dân đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ đối với dự án cầu Rạch Miễu và Khu tái định cư của dự án cầu Rạch Miễu là 975 hộ; có 950 hộ dân bị ảnh hưởng bởi hai dự án trên đã bàn giao mặt bằng cho địa phương.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn 12 hộ dân chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và chưa bàn giao mặt bằng cho cơ quan chức năng là do vướng thủ tục phân chia di sản thừa kế, yêu cầu nâng giá bồi thường đất, bố trí nền tái định cư...

Thời gian tới, Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh Tiền Giang sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan vận động 12 hộ chưa đồng ý để nhận tiền và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Trường hợp các hộ này không đồng ý nhận tiền và bàn giao mặt bằng sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy định pháp luật.

Là dự án trọng điểm quốc gia, đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài gần 76 km qua địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Long An (huyện Bến Lức) với tổng mức đầu tư hơn 75.000 tỷ đồng.

Dự án chia thành 8 dự án thành phần; trong đó, Long An được giao làm chủ đầu tư hai dự án, thành phần 7 (thi công xây dựng) có tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng và dự án thành phần 8 (giải phóng mặt bằng) có tổng vốn gần 1.200 tỷ đồng.

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Long An Đặng Hoàng Tuấn, đến nay, Ủy ban Nhân dân huyện Bến Lức đã chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng cho 410/414 hộ, đạt 99%; bốn hộ chưa nhận tiền do vướng thủ tục pháp lý nhưng đã đồng ý bàn giao mặt bằng cho dự án.

Tại thành phố Cần Thơ, lãnh đạo thành phố chỉ đạo ngành chức năng khẩn trương bố trí tái định cư để nâng cấp, mở rộng 5 nút giao thông trọng điểm vào tháng 7/2024. Hiện, các đơn vị của quận Ninh Kiều đang thống kê nhà, đất, vật kiến trúc… để định giá bồi thường.

Sau đó, Hội đồng thẩm định sẽ họp thống nhất áp giá bồi thường. Quá trình xác định giá đất đều thông qua ý kiến của người dân. Dự kiến đến tháng 10/2024, phấn đấu bàn giao khoảng 50% mặt bằng để tiến hành khởi công dự án.

Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, đối với hai dự án trọng điểm của Trung ương trên địa bàn thành phố Cần Thơ: dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 và dự án thành phần Cần Thơ-Hậu Giang do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất quận Cái Răng thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, hiện đang thực hiện kiểm đếm.

Thi công Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng đoạn qua tỉnh An Giang . (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Về bàn giao mặt bằng, đoạn 2,3km đã bàn giao mặt bằng 6,7ha, nút giao IC2 đã bàn giao mặt bằng 19,4ha.

Bên cạnh đó, dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng giai đoạn 1, dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn Thành phố Cần Thơ với chiều dài hơn 37km, đi qua 3 huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai, diện tích đất thu hồi hơn 237ha, đến thời điểm hiện nay cũng cơ bản đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng để khởi công.

Nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm cho biết việc bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư nhất là các công trình trọng điểm được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Long An.

Tỉnh phấn đấu tập trung thực hiện việc bồi thường giải phóng mặt bằng, kết quả thực hiện đảm bảo diện tích khoảng 1.500ha trong năm 2024. Đây là nhiệm vụ rất lớn, đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực lớn, quyết liệt trong triển khai.

Nhằm đạt được chỉ tiêu trong bồi thường giải phóng mặt bằng, tỉnh Long An đề nghị các sở, ngành và Ủy ban Nhân dân cấp huyện phải có kế hoạch thật cụ thể, chi tiết trong việc thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng của năm 2024.

Từ đó, tập trung rà soát, theo dõi sát sao, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về mặt bằng của các dự án, góp phần đẩy nhanh tiến độ của các dự án kể cả dự án đầu tư trong và ngoài ngân sách.

Đoạn đường tỉnh 826E thuộc xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An) đang trong giai đoạn hoàn chỉnh. (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)

Đối với các dự án khu tái định cư, các địa phương phải chủ động quy hoạch, bố trí các khu tái định cư mang tính tập trung phục vụ cho địa phương, bố trí chỉ tiêu đất cho phù hợp, chọn vị trí thuận lợi, tốt nhất để người dân an tâm giao đất.

Tại tỉnh Tiền Giang, huyện Châu Thành và thành phố Mỹ Tho đang tập trung vận động các hộ dân còn lại nhận tiền, sớm bàn giao mặt bằng cho dự án cầu Rạch Miễu 2, phấn đấu hoàn thành sớm giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ dự án.

Hiện, đường dẫn phía Tiền Giang vẫn còn 290 mét mặt bằng tại khu vực nút giao với Quốc lộ 1A, dọc ĐT870 và ngã ba trại rắn Đồng Tâm chưa được bàn giao, gây khó khăn cho việc đẩy nhanh tiến độ thi công.

Ngoài ra, việc di dời hạ tầng bao gồm điện, viễn thông tại đoạn đường mở rộng hai bên đường tỉnh 870 cũng còn chậm. Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang di dời 28 trụ điện cao thế và trung, hạ thế, bàn giao toàn bộ phần mặt bằng còn lại để nhà thầu thi công.

Dự án đường tỉnh 823D kết nối Long An-Thành phố Hồ Chí Minh do Sở Giao thông Vận tải Long An làm chủ đầu tư với tổng kinh phí trên 1.105 tỷ đồng, khởi công từ cuối năm 2021, dự kiến hoàn thành cuối năm 2023. Tuy nhiên, đến nay phải gia hạn đến cuối năm 2024 do vướng mặt bằng, giá trị khối lượng thực hiện chỉ đạt khoảng 50%.

Để đẩy nhanh tiến độ, Sở Giao thông Vận tải Long An liên tục làm việc với các nhà thầu, hiện trên công trình đã huy động phương tiện, thiết bị và hơn 150 cán bộ kỹ thuật, người lao động thi công 10 mũi trên công trình.

Các nhà thầu đã thảm bêtông nhựa được 2,2km, phấn đấu đến cuối tháng 9/2024 thông xe kỹ thuật đoạn từ ngã ba Tua 1 (xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa) đến cầu giáp ranh Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đức Hòa Lê Thành Phong, huyện đang khẩn trương giải quyết các trường hợp chưa thống nhất nhận tiền, bàn giao mặt bằng; cương quyết hơn trong quyết định thu hồi đất dự án, những trường hợp cố tình không hợp tác sẽ củng cố hồ sơ cưỡng chế để giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Thời gian tới, thành phố Cần Thơ cũng sẽ áp dụng các giải pháp đồng bộ để huy động nguồn vốn bố trí cho các dự án trọng điểm.

Nhằm đảm bảo nhu cầu tái định cư, trước mắt mở rộng các khu tái định cư hiện hữu của địa phương đang triển khai. Đối với các dự án chậm tiến độ, thành phố quan tâm sát sao hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ giải ngân và đảm bảo tiến độ thi công thực chất tại công trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục