Gỡ “thẻ vàng” EC bền vững: Bảo vệ môi trường, tăng nuôi biển

EC khẳng định, quá trình gỡ "thẻ vàng" của Việt Nam đang đi đúng hướng, có sự cải thiện tích cực, song vẫn chưa đạt được những yêu cầu đề ra.
Gỡ “thẻ vàng” EC bền vững: Bảo vệ môi trường, tăng nuôi biển ảnh 1Thiết bị giám sát hành trình là giải pháp quan trọng để các cơ quan chức năng quản lý tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)

“Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4” được ban hành trong Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 13/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp lâu dài là triển khai các chương trình, đề án, quy hoạch phát triển ngành thủy sản bền vững đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đầu tư thỏa đáng để bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái biển, tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng giảm khai thác thủy sản, tăng nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi biển; thực hiện chuyển đổi nghề khai thác thủy sản, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng ngư dân ven biển.

Cuộc chiến chống IUU

Đông Nam Á là một trong những khu vực cung cấp hải sản lớn nhất thế giới và tại đây khá phổ biến tình trạng đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Điều này khiến cho nguồn lợi hải sản bị khai thác quá mức, thậm chí cạn kiệt.

Khai thác IUU bao gồm đánh bắt và khai thác thủy sản trái với luật pháp quốc gia, khu vực và quốc tế (bất hợp pháp); không báo cáo, báo cáo sai hoặc báo cáo thiếu thông tin về hoạt động đánh bắt và khai thác (không báo cáo); khai thác thủy sản bằng tàu, thuyền không nằm dưới sự quản lý quốc gia (không theo quy định); đánh bắt trong những khu vực hoặc nguồn lợi thủy sản mà không có biện pháp quản lý hoặc bảo tồn (không theo quy định)…

Từ năm 2012 đến nay có 4 trong tổng số 11 nước ở Đông Nam Á nhận “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC). Campuchia là nước đầu tiên nhận “thẻ vàng” vào tháng 11/2012 và sau một năm “thẻ vàng” chuyển thành “thẻ đỏ,” tức các sản phẩm thủy sản bị cấm nhập vào Cộng đồng châu Âu (EU). Mới nhất, tháng 10/2017, Việt Nam nhận “thẻ vàng” do một số ngư dân chưa chấm dứt việc khai thác hải sản bất hợp pháp.

[Đồng hồ đếm ngược, Việt Nam còn hơn 100 ngày gỡ thẻ vàng IUU của EC]

Điều này khiến cho hàng thủy sản của nước ta khi nhập vào EU bị tăng cường kiểm tra với thời gian kéo dài, làm tăng cao chi phí.

Trong số 11 quốc gia Đông Nam Á có Việt Nam, Indonesia, Myanmar, Philippines, và Thái Lan tham gia cuộc chiến chống khai thác IUU.

Hơn 5 năm qua, Việt Nam đã rất nỗ lực nhằm gỡ “thẻ vàng” của EC và bảo vệ môi trường biển.

Ngày 1/12/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển về chống khai thác thủy sản IUU.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ và trực tuyến tới hơn 600 điểm cầu tại các xã, phường, thị trấn, huyện, thị, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Nhấn mạnh tình trạng khai thác IUU đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để, Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, đồng thời cần sự vào cuộc tích cực của người dân; nêu rõ đây là việc cần làm vì lợi ích quốc gia, lợi ích của người dân, vì hình ảnh của đất nước trên trường quốc tế; khẳng định Việt Nam là bạn tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đến hết năm 2022 đã có 96,35% tàu cá của nước ta được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS); 86,7% tàu cá được cấp phép.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn xảy ra tình trạng tàu đã lắp thiết bị hành trình nhưng bị mất kết nối, khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài...

Trong năm 2022 có 157 lượt tàu thân dài từ 24m trở lên bị mất kết nối. Chỉ riêng trong tháng 1/2023 có 6 tàu của ngư dân Việt Nam bị phía Malaysia bắt giữ với cáo buộc vi phạm luật thủy sản của nước này.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, qua 3 lần cử đoàn thanh tra đến Việt Nam, EC khẳng định, quá trình gỡ "thẻ vàng" của Việt Nam đang đi đúng hướng, có sự cải thiện tích cực, song vẫn chưa đạt được những yêu cầu đề ra.

EC chưa gỡ bỏ "thẻ vàng" đối với hải sản của Việt Nam và tiếp tục đưa ra nhiều khuyến nghị cần thực hiện.

Nhằm chuẩn bị cho chương trình làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4 để sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU, Quyết định số 81/QĐ-TTg đề ra nhiệm vụ, giải pháp đến tháng 5/2023.

Theo đó, cần chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; điều tra, xử lý 100% vụ việc tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý và xử phạt 100% các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và xử phạt nghiêm 100% hành vi khai thác IUU theo quy định; xác minh, xử lý 100% các tàu cá không duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình theo quy định.

Giảm khai thác, tăng “nuôi biển”

Ngày 23/10/2017, EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm khai thác hải sản của Việt Nam vì nước ta chưa kiểm soát được hoạt động khai thác IUU tại vùng biển ngoài Việt Nam; công tác quản lý nghề cá ở nước ta chưa tương đồng với nghề cá khu vực và thế giới, đặc biệt chưa đáp ứng được các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác của EC.

Gỡ “thẻ vàng” EC bền vững: Bảo vệ môi trường, tăng nuôi biển ảnh 2Tàu khai thác cập cảng lên cá tại Trần Đề Sóc Trăng. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Gỡ “thẻ vàng” EC là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết vì EU nằm trong top 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam, sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và trước Nhật Bản, Hàn Quốc.

Trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 11 tỷ USD của nước ta năm 2022, thị trường EU đóng góp 1,3 tỷ USD.

Chậm thực hiện khuyến nghị của các đoàn thanh tra từ EC còn khiến cho “thẻ vàng” có nguy cơ biến thành “thẻ đỏ.”

Tuy nhiên, về lâu dài Việt Nam đứng trước thách thức lớn hơn cả “thẻ vàng,” thậm chí là “thẻ đỏ” của EC, đó là tình trạng cạn kiệt nguồn lợi hải sản.

Tại Việt Nam, ngành khai thác thủy sản chiếm một vị trí quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế biển của nước ta. Năm 2022, tổng sản lượng thủy sản khai thác đạt hơn 3,86 triệu tấn.

Số lao động trực tiếp tham gia khai thác thủy sản là khoảng 550.000 người với hơn 94.000 tàu cá. Số lao động gián tiếp tham gia nghề cá biển (lao động dịch vụ, hậu cần…) là khoảng 1,5 triệu người, tổng số lao động tham gia khai thác hải sản và dịch vụ lên tới hơn 2 triệu người. Đánh bắt trên biển chiếm gần 43% tổng sản lượng thủy sản và chiếm hơn 40% kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

Tuy nhiên, hiện nay ngành khai thác nguồn lợi hải sản đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có tình trạng tàu, thuyền phát triển một cách tự phát không theo quy hoạch, dẫn đến mất cân bằng về nghề trên các ngư trường.

Tổng trữ lượng nguồn lợi hải sản đang suy giảm rất nghiêm trọng, vẫn diễn ra hoạt động khai thác trái phép - sử dụng các nghề cấm, nghề khai thác hủy diệt như lưới kéo, lồng xếp, đăng, đáy, te, xiệp, rê...

Theo kết quả điều tra, đánh giá của Viện Nghiên cứu hải sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), nguồn lợi hải sản ở biển Việt Nam giai đoạn 2016-2020 suy giảm đáng kể so với giai đoạn 2000-2005 (giảm 22,1%) và giai đoạn 2011-2015 (giảm 9,5%).

Trữ lượng các nhóm nguồn lợi chủ yếu cũng đang có xu hướng suy giảm, đặc biệt là trữ lượng cá tầng đáy giảm 18,4%. Trong khi đó, từ năm 1995 đến năm 2020, hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam tăng gấp hơn 4 lần.

Việc khai thác quá mức làm cho hiệu quả đánh bắt của mỗi chuyến đi biển thấp, dẫn đến thu nhập của ngư dân giảm.

Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, tính chung cả nước trong nửa đầu năm 2022 số lượng tàu cá ngừng ra khơi đánh bắt lên đến 40-55% tổng số tàu cá, đặc biệt là các tàu cá làm nghề tiêu thụ nhiều nhiên liệu như lưới kéo, rê.

Cả nước có 278 tàu (chiếm trên 65% tàu cá vỏ thép được vay vốn theo Nghị định 67) không được chủ tàu duy tu, bảo dưỡng theo quy trình, do đó một số phương tiện đánh cá bị gỉ sét, xuống cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuổi thọ, hoạt động của tàu…

Định hướng của ngành thủy sản trong thời gian tới là chuyển dịch theo hướng giảm sản lượng đánh bắt, tăng sản lượng nuôi, trồng trên biển (gọi tắt là nuôi biển) mà vẫn đảm bảo xuất khẩu tăng trưởng giá trị kim ngạch hàng năm ở mức 4-5%.

Việt Nam có hơn 1 triệu km2 diện tích vùng biển, nhưng diện tích nuôi biển mới chỉ chiếm khoảng hơn 20% tổng diện tích nuôi, trồng thủy sản trên cả nước.

Nhằm phát triển bền vững ngành thủy sản, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 phê duyệt Đề án phát triển nuôi, trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu chung của Đề án là phát triển lĩnh vực nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Mục tiêu là từ nay đến năm 2025 diện tích nuôi biển đạt 280.000ha với 10 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng khoảng 850.000 tấn, xuất khẩu đạt 0,8-1 tỷ USD.

Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000ha với 12 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng 1,45 triệu tấn, xuất khẩu đạt 1,8-2 tỷ USD.

Ngay trong năm 2023, ngành thủy sản đề ra chiến lược chuyển dần từ khai thác, đánh bắt sang nuôi trồng, chế biến sâu để duy trì đà tăng trưởng bền vững.

Mục tiêu là kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 10 tỷ USD, với tổng sản lượng đạt khoảng 8,74 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác đạt khoảng 3,58 triệu tấn, nuôi trồng đạt 5,16 triệu tấn. Ngành thủy sản có kế hoạch giữ ổn định diện tích nuôi trồng ở 1,3 triệu ha, giảm dần sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xây dựng Dự thảo “Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái,” gắn khai thác với bảo vệ nguồn lợi và môi trường sinh thái, tạo việc làm ổn định cho cộng đồng ngư dân ven biển.

Dự thảo Đề án đã đặt mục tiêu chuyển đổi một số tàu làm nghề khai thác hải sản xâm hại lớn đến nguồn lợi, môi trường, hệ sinh thái, sử dụng nhiều nguồn lực, nhiên liệu sang các nghề ít xâm hại hơn, hoặc chuyển một số tàu cá sang lĩnh vực khác ngoài khai thác để từng bước cân bằng lại cường lực khai thác với khả năng phục hồi, tái tạo lại nguồn lợi; từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sử dụng nguồn lợi; cải thiện môi trường, điều kiện lao động nghỉ ngơi và thu nhập của ngư dân.

Cụ thể, đến năm 2030, không cấp phép đóng mới cho 12.000 tàu cá.

Theo đó, đến năm 2025 cắt giảm tự nhiên không cấp phép đóng mới cho các tàu cá giải bản chìm đắm khoảng 7.500 chiếc tàu cá; chuyển đổi nghề từ khai thác thủy sản sang làm các nghề khác cho 2.000 tàu khai thác.

Chuyển đổi nghề khai thác thủy sản xâm hại sang làm các nghề ít xâm hại đến hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản cho 1.000 tàu cá; tập huấn, đào tạo nghề cho 40.000 ngư dân có tàu cá chuyển đổi nghề phù hợp với nghề chuyển đổi mới. 

Chuyển đổi nghề từ khai thác thủy sản sang làm các nghề khác cho 2.000 tàu khai thác; tập huấn, đào tạo nghề cho 50.000 ngư dân có tàu cá chuyển đổi nghề phù hợp với nghề chuyển đổi mới.

Như vậy, việc giảm khai thác, tăng nuôi biển và chuyển đổi nghề nghiệp cho một bộ phận ngư dân theo hướng cân bằng sinh thái biển là định hướng đúng đắn và dài hơi để Việt Nam đạt mục tiêu kép - gỡ “thẻ vàng” EC một cách bền vững và bảo vệ nguồn lợi hải sản cho thế hệ mai sau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.