Giảng viên trường Đại học Ngoại thương Bắc Kinh (Trung Quốc) ông Thượng Phong khẳng định căng thẳng thương mại Trung-Mỹ chỉ chấm dứt khi hai bên gỡ bỏ tất cả các biện pháp tăng thuế.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, học giả Thượng Phong nhận định động lực lớn nhất để các quan chức Mỹ và Trung Quốc đạt được các bước tiến tại vòng đàm phán vừa qua là do cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ vào năm 2020.
Trong cuộc bầu cử tới, các bang nông nghiệp ở miền Trung và miền Tây của Mỹ là “kho phiếu" quan trọng đối với Tổng thống Donald Trump, do đó ông Trump cần trấn an những cử tri chịu nhiều ảnh hưởng.
Trung Quốc là nước nhập khẩu đậu tương chủ yếu của Mỹ, với lượng nhập khẩu năm 2017 - thời điểm trước khi quan hệ thương mại giữa hai nước trở nên căng thẳng - lên đến 14 tỷ USD.
Sang năm 2018, Trung Quốc trước tiên đã chọn các nông sản của Mỹ như đậu tương, lúa mì, ngô, thịt bò để làm "quân bài" đáp trả Mỹ với mức thuế bổ sung lên đến 25%. Nông dân Mỹ chịu thiệt hại khá lớn mặc dù chính phủ đã trợ cấp một phần.
Ngoài ra, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) dự kiến diễn ra tại Chile vào tháng 11 tới cũng là một động lực quan trọng thúc đẩy vòng đàm phán vừa qua đạt thỏa thuận.
Tổng thống Trump khẳng định sau khi thống nhất được văn bản thỏa thuận theo giai đoạn, ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tiến hành ký kết bên lề hội nghị cấp cao APEC.
[Tổng thống Trump lạc quan về thỏa thuận thương mại với Trung Quốc]
Trong bối cảnh tranh cãi thương mại kéo dài hơn 1 năm qua, hai cuộc gặp của nguyên thủ Trung-Mỹ đều tạo ra sự hòa hoãn tạm thời, và lần này cũng không ngoại lệ.
Cuộc gặp giữa nguyên thủ hai nước tại Chile sắp tới cũng là điểm quan sát quan trọng đối với tiến trình đàm phán song phương giai đoạn tiếp theo.
Mặt khác, thể trạng kinh tế Trung Quốc cũng là một yếu tố quan trọng tác động đến tiến trình đàm phán song phương.
Sau khi đàm phán kết thúc, tại buổi họp báo sáng 14/10, người phát ngôn Tổng cục Hải quan Trung Quốc Lý Khôi Văn cho biết 3 quý đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc với Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần lượt tăng 8,6% và 11,5%, đồng thời kim ngạch xuất nhập khầu với các nước dọc hành lang “Vành đai và Con đường” cũng tăng 9,5%.
Trong khi đó, tổng kim ngạch thương mại Trung-Mỹ giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 3 quý đầu năm 2019 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu thương mại của Trung Quốc tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, về cơ bản kinh tế của Trung Quốc vận hành ổn định.
Ông Thượng Phong đánh giá thỏa thuận kinh tế và thương mại lần này sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, có lợi cho cả Trung Quốc lẫn Mỹ và phần còn lại của thế giới.
Tính bổ sung và hỗ trợ trong kợp tác kinh tế và thương mại Trung-Mỹ rất mạnh mẽ, cả hai bên đều đạt được nhiều lợi ích to lớn trong hợp tác kinh tế và thương mại, đồng thời triển khai hợp tác cùng có lợi.
Lịch sử và thực tế đều cho thấy rằng việc xử lý tốt các mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho hai nước mà còn có lợi cho cả thế giới.
Nhìn từ góc độ thành quả của giai đoạn hiện tại, các lĩnh vực được xóa bỏ tăng thuế vẫn còn rất hạn chế. Kết thúc tranh cãi thương mại đồng nghĩa với việc xóa bỏ tất cả mức tăng thuế.
Tuy nhiên, để quay trở lại tình trạng thuế quan ban đầu trước khi bùng phát tranh cãi đòi hỏi phải có thời gian nhất định.
Do đó, ông Thượng Phong cho rằng trên cơ sở tiến trình đàm phán đạt được tiến bộ hiện nay, Trung Quốc và Mỹ cần nỗ lực bền bỉ để duy trì các kênh tiếp xúc và hướng tới mục tiêu đạt được thỏa thuận cuối cùng, qua đó thúc đẩy quan hệ song phương phát triển theo đúng quỹ đạo./.