Do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, lực lượng lao động Việt Nam đã giảm sâu kỷ lục. Lao động có việc làm trong quý 2 năm nay đã giảm 2,4 triệu người so với quý 1 và giảm gần 2,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước, giảm nhiều nhất trong vòng 10 năm qua. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị cũng cao nhất trong vòng một thập kỷ. Thế nhưng, tình trạng lao động mất việc trong khu vực có quan hệ lao động được dự báo sẽ chưa dừng lại, thậm chí còn có thể tăng lên trong quý 3.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Quân về các chính sách hỗ trợ giữ việc làm cho người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn vì COVID-19 trong gói 62.000 tỷ đồng.
- Thưa ông, quý 3 được dự báo là “đỉnh điểm” của tình trạng thất nghiệp, khi mà việc làm của người lao động sẽ “rơi” theo các đơn hàng xuất khẩu. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này?
Thứ trưởng Lê Quân: Xu hướng cắt giảm lao động sẽ tùy thuộc từng ngành nghề, lĩnh vực, doanh nghiệp. Doanh nghiệp thường phân loại nhân sự ra 3 nhóm: Nhóm đầu tiên sẽ chấm dứt hợp đồng lao động ngay để cắt giảm chi phí. Nhóm thứ hai là nhóm lao động có thể để ngừng việc, giãn việc để giữ chân người lao động. Đây thường là nhóm khi tuyển dụng lại khó, đào tại lại chi phí cao; còn nhóm thứ ba đương nhiên là nhóm nhân sự chủ chốt “sống còn” cùng doanh nghiệp.
“Điểm rơi” việc làm vào tháng 7, 8 sẽ tập trung vào nhóm lao động dễ tuyển dụng, dễ đào tạo. Các doanh nghiệp chưa thấy có đơn hàng đương nhiên phải cắt giảm lao động. Có thể thấy, khi đại dịch xảy ra thì nhóm lao động tổn thương nhất, dễ mất việc nhất là nhóm dễ tuyển, dễ đào tạo.
- Vậy Chính phủ có chính sách hỗ trợ thế nào cho người lao động, thưa ông?
Thứ trưởng Lê Quân: Dự kiến, kịch bản hỗ trợ doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm được xây dựng theo thực trạng việc làm của người lao động. Đối với nhóm doanh nghiệp khó khăn phải cho người lao động nghỉ việc thì sẽ có bảo hiểm thất nghiệp chi trả trợ cấp cho người lao động mất việc. Còn nhóm mà doanh nghiệp tạm thời chưa có việc nhưng muốn muốn giữ chân người lao động, cho lao động ngừng việc thì Nhà nước sẽ khuyến khích cho vay để trả lương ngừng việc theo Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg. Ngoài ra, nhóm nhân sự chủ chốt thì doanh nghiệp vẫn phải trả lương và lao động bình thường nếu doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động.
- Thực tế, tính đến 16/7 mới chỉ có một doanh nghiệp được vay vốn trả lương ngừng việc. Để giải quyết tình trạng này, xin ông cho biết Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã nới lỏng các điều kiện như thế nào?
Thứ trưởng Lê Quân: Dự đoán 6 tháng cuối năm sẽ còn có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Do đó, Chính phủ quyết định nguyên tắc về mức vay, thời gian vay không thay đổi nhưng kéo dài thời gian cho vay vốn trả lương ngừng việc. Doanh nghiệp được quyền cho vay để trả lương ngừng việc trong thời gian tối đa là 3 tháng và thời gian ngừng việc diễn ra trong khoảng thời gian 1/1/2020 đến 31/12/2020, thay vì chỉ quy định là chỉ trong tháng 4, 5, 6 như trước đây.
Chúng ta cũng nới lỏng quy định về việc chứng minh tài chính cho doanh nghiệp. Trước đây, doanh nghiệp phải gặp khó khăn về tài chính thì mới được vay, nhưng bây giờ điều kiện chỉ cần có lao động ngừng việc là được vay. Thường thì doanh nghiệp khó khăn thì mới phải ngừng việc, một doanh nghiệp đang “khỏe mạnh” thì không ai người ta cho người lao động ngừng việc.
Chúng ta bỏ các điều kiện khó, tức là không cần phải trả trước cho người lao động 50% nữa, cũng không cần phải bắt phải giải ngân trực tiếp chuyển khoản đến từng người lao động, hay là để chứng minh tài chính thì chỉ cần ngừng việc thì là khó khăn rồi. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang sửa điều kiện vay theo hướng này và lấy ý kiến Bộ Tài chính, Ngân hàng Chính sách, Ngân hàng nhà nước, sau đó Chính phủ thảo luận và quyết định.
Bộ Lao động ủng hộ mở các điều kiện vay vì thực tế khi cho một doanh nghiệp vay để trả lương thì người lao động đó không phải chấm dứt hợp đồng lao động. Như vậy, ngân sách Nhà nước không phải giải quyết vấn đề thất nghiệp mà Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cũng không phải chi trả. Nên xét về góc độ lợi ích kinh tế thì chúng ta bỏ một đồng ngân sách ra để cho vay nhưng lại được những lợi ích xã hội khác.
- Vẫn còn một số ý kiến lo lắng về việc nới lỏng các điều kiện cho vay trả lương sẽ dẫn tới số lượng lớn doanh nghiệp sẽ tiếp cận được gói vay này. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?
Thứ trưởng Lê Quân: Thực tế thì sẽ không nhiều doanh nghiệp vay trả lương. Nếu vay để trả lương, làm chi phí sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp đã có gói vay thương mại. Còn gói vay để trả lương ngừng việc là trong trường hợp doanh nghiệp không muốn sa thải nhân viên, vẫn muốn giữ nhân viên và thường là như vậy doanh nghiệp chỉ giữ có thời hạn, vì nếu khó quá doanh nghiệp phải chấm dứt hợp đồng lao động.
[Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng: Tại sao mới chỉ hỗ trợ được gần 30%?]
Chính sách cho doanh nghiệp vay để trả lương ngừng việc là nhằm khuyến khích doanh nghiệp không sa thải nhân viên. Trong thực tế thì cũng sẽ không phải là nhiều doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc. Gói vay này thực tế là sẽ có tác dụng nếu doanh nghiệp nhìn thấy có thể chịu đựng được trong vài tháng, 3-6 tháng thì sẽ vẫn cố giữ lao động lại để sau này không phải tuyển dụng lại và đào tạo lại. Chính sách cho vay này sẽ tập trung nhiều để giúp doanh nghiệp giữ lao động có kỹ năng, có đào tạo, khó tuyển dụng. Nhà nước cũng khuyến khích cho doanh nghiệp vay để trả lương cho nhóm này.
Nhiều doanh nghiệp tính toán trong chu kỳ 3 tháng vẫn chấp nhận trả lương ở mức độ duy trì người lao động. Doanh nghiệp giữ người lao động để khi có đơn hàng có thể bung ra sản xuất ngay, như vậy tham gia gói vay để trả lương hưu ngừng việc rất là tốt. Khi doanh nghiệp nhìn thấy kinh tế khó khăn thì bao giờ họ cũng chọn giải pháp là chấm dứt hợp đồng lao động và khi đó người lao động phải dùng đến chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách cho vay để trả lương ngừng việc sẽ không có tác dung nhiều.
- Thực tế, vẫn còn có lao động ngừng việc nhưng lại chưa nhận được hỗ trợ, xin ông cho biết thêm về thực trạng này?
Thứ trưởng Lê Quân: Vì tôn trọng luật pháp không nghiêm nên dẫn đến tình trạng là có nhiều người lao động không nằm trong lưới hỗ trợ nào cả khi làm việc thì không có quan hệ lao động, không được đóng bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp cho ngừng việc chưa đúng pháp luật.
Có tình trạng người lao động ngừng việc nhưng chẳng trả lương, doanh nghiệp cũng không làm thủ tục vay để trả lương. Nhóm lao động này bị cho ngừng việc không đúng luật, cũng không hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các địa phương rà soát lại các trường hợp này. Trong những trường hợp này, vai trò của công đoàn là hết sức quan trọng khi truyền thông, bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Nhiều người lao động còn chưa hiểu quy định pháp luật nên cũng không đòi hỏi quyền lợi chính đáng. Quyền thương lượng tập thể của người lao động cũng chưa thật sự tốt. Do đó, vai trò công tác quản lý nhà nước, tổ chức công đoàn nếu chưa làm tốt thì rõ ràng là sẽ dẫn tình trạng người lao động ngừng việc nhưng không được đảm bảo hỗ trợ.
- Trong giai đoạn này, cần phải có giải pháp gì để giảm thiểu tác động tiêu cực của COVID-19 đến thị trường lao động, thưa ông?
Thứ trưởng Lê Quân: Khi tính đến chu kỳ phát triển kinh tế, chúng ta có thể thấy một chu kỳ ngày xưa dài hơn, nhưng bây giờ chu kỳ ngắn chỉ hơn 3-5 năm. Rõ ràng, cứ 3 năm kinh tế tốt thì chúng ra phải thực hiện tốt việc đóng bảo hiểm thất nghiệp. Để đến lúc kinh tế khó khăn, chu kỳ kinh tế suy thoái chung, số lượng người mất việc lớn thì khi đó phải dùng đến Quỹ Bảo thất nghiệp để chi trả cho người lao động đảm bảo mức sống tối thiểu.Ngoài chi trả trợ cấp, có thể dùng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động.
Trong chu kỳ khủng hoảng kinh tế, cả người lao động và doanh nghiệp không thể ngồi chờ mà phải chuẩn bị cho chu kỳ mới, vấn đề đào tạo và đào tạo lại là hết sức quan trọng. Trong nhiều năm qua, kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp lên tới 80.000-90.000 tỷ đồng là lúc này là lúc để sử dụng.
Đại dịch COVID-19 có đặc thù không theo chu kỳ nhưng cũng tạo nên cuộc khủng hoảng khiến lao động mất việc. Tuy nhiên, nếu chúng ta kiểm soát dịch bệnh tốt, chủ động chuẩn bị thì sẽ có nguồn nhân lực cho giai đoạn tiếp theo, khi mà “lò xo” kinh tế bùng lên sau dịch bệnh.
- Xin cảm ơn ông!