Gợi ý những điểm đến hấp dẫn trên cả nước trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5

Kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4-1/5 kéo dài 5 ngày nên có khá nhiều lựa chọn hấp dẫn cho người dân vui chơi, giải trí và đi du lịch khám phá tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Cây dừa nằm nổi tiếng tại Bãi Xếp, đảo Kiên Hải, Kiên Giang là điểm thu hút du khách tới đây. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Năm 2023, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương sát với nghỉ lễ 30/4 và 1/5 nên người lao động được nghỉ 5 ngày liên tiếp.

Dịp này, để thu hút du khách, phục hồi ngành du lịch, các tỉnh, thành phố đều đẩy mạnh truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch, tổ chức nhiều chương trình, kiến tạo điểm đến hấp dẫn.

Đa dạng sản phẩm du lịch mới

Tại Thủ đô Hà Nội, nhiều sản phẩm du lịch văn hóa ra đời, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách. Ngoài các tour du lịch đêm tại Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Văn học và các phố đi bộ đêm, nhiều tour du lịch mới được giới thiệu như du lịch văn hóa, tâm linh kết hợp chăm sóc sức khỏe tại huyện Sóc Sơn; Bác Cổ-Mùa hoa gạo tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; Tìm về Kinh đô người Việt cổ tại di tích Thành Cổ Loa; Hành trình di sản tại Hoàng thành Thăng Long và làng cổ Bát Tràng…

Các sản phẩm du lịch đêm cũng phát triển như làm mới các hoạt động tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; mở rộng tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây; tuyến phố đi bộ tại khu đô thị Nam vành đai 3; không gian đi bộ khu vực hồ Thiền Quang-Công viên Thống Nhất...

Sẵn sàng đón khách vào dịp nghỉ lễ, ngành Du lịch Hải Phòng đã nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có, xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch mới. Sản phẩm “Foodtour Hải Phòng” đã trở thành trào lưu bùng nổ trên các nền tảng mạng xã hội, được nhiều du khách trong và ngoài nước tìm kiếm thông tin, nhất là giới trẻ.

Đến với thành phố Cảng, du khách còn được tham gia Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2023 (từ ngày 12-14/5) với chủ đề "Hải Phòng-Tỏa sáng miền cửa biển."

Sự kiện này trở thành lễ hội truyền thống đặc trưng, là niềm tự hào của người dân đất cảng. Năm nay, lần đầu tiên lễ hội Văn hóa dân gian biển đảo Việt Nam được tổ chức từ ngày 28-29/4 gồm một chuỗi chương trình khoa học, thể thao, văn hóa.

Cụ thể như Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Văn hóa Biển Đảo Việt Nam - Giá trị truyền thống và khát vọng phát triển bền vững với sự tham dự của nhiều học giả, nhà lý luận từ nhiều vùng trên cả nước” (ngày 28/4); tại Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng (Đồ Sơn) diễn ra liên hoan trò chơi dân gian biển đảo gồm 3 môn đua thuyền rồng, bóng chuyền bãi biển và kéo co (ngày 29/4); Chương trình biểu diễn nghệ thuật tại quảng trường Khu du lịch Quốc tế Đồi Rồng (tối 29/4).

Vịnh Hạ Long có gần 2.000 hòn đảo lớn nhỏ, được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp kỳ vĩ, độc đáo. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Với vị trí thuận tiện về giao thông, kết nối liên vùng và quốc tế, năm 2023, tỉnh Quảng Ninh dự kiến đưa 38 sản phẩm du lịch mới vào khai thác, hoạt động. Trong đó, du khách sẽ được tham gia “Phố đêm du thuyền," du lịch thể thao, vui chơi giải trí thuyền buồm, nghe nhạc trên Vịnh Hạ Long hay tuyến phố đêm, phố đi bộ ở khu vực chùa Long Tiên (thành phố Hạ Long).

Núi Bài Thơ cũng được mở cửa trở lại để người dân và du khách trải nghiệm leo núi, khám phá những giá trị văn hóa, lịch sử, check-in ngắm vẻ đẹp đặc sắc của vịnh Hạ Long và thành phố Hạ Long từ trên cao.

Vào dịp nghỉ lễ 30/4, Lễ hội Carnaval Hạ Long 2023 được tổ chức tại đường Võ Nguyên Giáp (phường Bãi Cháy) với nhiều nét mới, hứa hẹn là điểm đến sôi động, rực rỡ sắc màu…

Ngoài ra, các địa phương tại Quảng Ninh đã đưa vào khai thác những sản phẩm mới độc đáo như Tuần lễ mùa Cam Vân Đồn, 2 tuyến đường đi bộ tại xã Minh Châu, Quan Lạn (huyện Vân Đồn); cắm trại trên bãi Ba Châu, trên đảo Thanh Lân và tham quan các đảo gần bờ (huyện đảo Cô Tô), trong đó lặn biển ngắm san hô tại xã đảo Thanh Lân lần đầu tiên được triển khai.

Nhiều trải nghiệm đặc sắc

Chương trình “Mùa du lịch biển Đà Nẵng 2023" sẽ diễn ra từ ngày 28/4 đến 3/5 tại Công viên Biển Đông, Bán đảo Sơn Trà, các bãi biển Mỹ An, Mỹ Khê, T18, Nguyễn Tất Thành.

Trong chương trình có nhiều hoạt động hấp dẫn như: Trưng bày mô hình nghệ thuật trên bãi biển; thả diều nghệ thuật; không gian lễ hội ẩm thực; trải nghiệm làng nghề truyền thống; Ngày hội Biển xanh-Sống khỏe; Lễ hội Fresh biển hè; cuộc thi đắp tượng cát nghệ thuật; Lễ hội thể thao biển Đà Nẵng-Da Nang Color Race 2023; chương trình Summer Dance Camp; các hoạt động tại bãi biển đêm Mỹ An…

[Sa Pa dự kiến đón tới 200.000 lượt khách nhân dịp nghỉ lễ 30/4]

Các khu, điểm du lịch tại Đà Nẵng triển khai chương trình đặc sắc để thu hút du khách trong dịp nghỉ lễ sắp tới, trong đó có Ngày Hội văn hóa dân gian Quảng Đà (từ ngày 29/4-2/5) tại Khu Du lịch Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài (huyện Hòa Vang), mang đến những trải nghiệm đặc biệt khi đến vui chơi, nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe…

Năm Du lịch quốc gia 2023 với chủ đề “Bình Thuận-Hội tụ xanh” gồm hơn 200 sự kiện hưởng ứng; riêng tỉnh Bình Thuận chủ trì tổ chức 31 sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc, hấp dẫn.

Bãi biển Hàm Tiến – Mũi Né trong xanh thơ mộng, luôn thu hút đông đảo du khách. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Khai thác lợi thế có bờ biển đẹp, cảnh quan thiên nhiên phong phú, văn hóa ẩm thực đa dạng…, loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sức khỏe, thể thao biển được nhiều đơn vị tập trung đầu tư.

Có lượng gió mạnh, sóng biển cao, bãi biển đẹp, Mũi Né (thành phố Phan Thiết) là địa điểm lý tưởng nhất cho bộ môn thể thao mạo hiểm trên biển-lướt ván diều. Với bộ môn này, người chơi cần một tấm ván lướt sóng và thêm chiếc diều chuyên nghiệp, vận dụng sức gió để lướt trên những con sóng hoặc bay lên khỏi mặt nước, nhào lộn trên không, tận hưởng cảm giác thích thú, mới lạ.

Được các nhà địa lý học ví như “miền sa thảo” độc nhất Đông Nam Á, Ninh Thuận đang là điểm đến hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài nước. Đến đây, khách du lịch thỏa lòng khám phá trên cung đường ven biển từ Bình Tiên đến Cà Ná - một trong những cung đường ven biển đẹp nhất Việt Nam.

Đồi cát Nam Cương, Mũi Dinh - một "tiểu sa mạc" của vùng duyên hải miền Trung, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa và Vườn Quốc gia Phước Bình… là những địa chỉ được nhiều du khách lựa chọn để tham gia du lịch trải nghiệm sa mạc, đua xe địa hình trên cát...

Ngoài ra, Ninh Thuận còn được nhắc đến với nhiều mô hình du lịch nông nghiệp, nổi bật nhất là tour tham quan Làng nho Thái An (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải), du khách như lạc bước trong những vườn nho sai trĩu quả đẹp tựa như các nông trại ở châu Âu.

Đến với tỉnh Lâm Đồng, Tuần lễ vàng Du lịch lần thứ 2 năm 2023 có chủ đề “Lâm Đồng-Cao nguyên hùng vĩ” diễn ra từ 26/4-3/5 với những chương trình mang dấu ấn riêng của từng vùng miền như Lễ hội Âm nhạc quốc tế 2023-Hoa Sen Concert, Không gian trưng bày giới thiệu văn hóa các dân tộc tỉnh Lâm Đồng…

Năm nay, một số tour, tuyến du lịch lần đầu tiên đưa vào khai thác như: Tour du lịch leo núi lên Cổng trời trong Vườn Quốc gia Lang Biang để thưởng lãm cây thông 2 lá trên 1.000 năm tuổi, gốc lớn tới 6 người ôm; chương trình du lịch “Suối khoáng nóng Daana;” các chương trình đặc sắc đậm chất truyền thống của đồng bào Tây Nguyên, tái hiện “Lễ cưới của người K’Ho ở huyện Lâm Hà," “Lễ hội mừng lúa chín” ở huyện Đức Trọng…

Trong dịp này, tỉnh Quảng Trị cũng tổ chức Chương trình Thống nhất non sông và khai trương mùa du lịch năm 2023 với nhiều hoạt động đáng chú ý như Lễ dâng hương tri ân các Anh hùng Liệt sỹ (ngày 27/4), lễ hội Văn hóa-Ẩm thực Việt Nam năm 2023 cấp quốc gia với chủ để “Hồn dân tộc-Vị quê hương" (từ ngày 28-30/4), lễ Thượng cờ và phát động Cuộc thi sáng tác biểu tượng “Ước nguyện hòa bình” Quảng Trị lần thứ 2 năm 2023 (ngày 30/4), Giải đua thuyền truyền thống “Thống nhất non sông” tại Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải (ngày 30/4).

Những điểm đến lịch sử

Năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng được tỉnh Phú Thọ tổ chức gắn với Tuần Văn hóa-Du lịch Đất Tổ 2023. Đến đây, du khách được trải nghiệm nghi lễ thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa đất Tổ.

[Giỗ Tổ Hùng Vương 2023: Độc đáo Lễ rước kiệu từ các xã vùng ven]

Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng 2023 diễn ra từ ngày 20-29/4 (mùng 1-10 tháng 3 âm lịch) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng và các huyện, thị xã trong tỉnh Phú Thọ. Phần lễ có các hoạt động chính như Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ; Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và dâng hoa tại Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong;” Lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương, các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh...

Các hoạt động phần hội nổi bật là chương trình khai mạc Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hóa-Du lịch Đất Tổ năm 2023 và Tuần lễ Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh; Hội thảo quốc tế Diễn đàn du lịch, văn hóa, di sản và sự phát triển bền vững Việt Nam; Hội chợ Du lịch Tây Bắc năm 2023; Liên hoan Văn hóa ẩm thực Đất Tổ...

Đến Thành phố Hồ Chí Minh dịp nghỉ lễ năm nay, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những màn bắn pháo hoa nghệ thuật tại hai địa điểm vào tối 30/4. Điểm bắn pháo hoa tầm cao sẽ diễn ra tại nóc hầm Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức) và pháo hoa tầm thấp bắn tại Công viên Văn hóa Đầm Sen (Quận 11), từ 21 giờ đến 21 giờ 15 ngày 30/4.

Tại thành phố mang tên Bác còn diễn ra nhiều hoạt động như Triển lãm ảnh “Tự hào một dải biên cương” tại Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường Nguyễn Huệ, đường Đồng Khởi, Cung Văn hóa Lao động (quận 1) từ ngày 25/4 đến 6/5...

Trụ sở HĐND, UBND Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 2020. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Đặc biệt, Festival Hoa lan tổ chức từ 28/4 đến 2/5 tại Công viên Tao Đàn với chủ đề “Đậm đà hương sắc” sẽ là địa điểm được nhiều bạn trẻ lựa chọn để check-in.

Ngoài ra, du khách được tham gia tour trải nghiệm một ngày làm thầy thuốc và hiểu thêm về quan điểm “Nam dược trị Nam nhân” tại Bảo tàng Y học Cổ truyền Việt Nam-FiTo; khám phá các giác quan thông qua trải nghiệm dạ thực ở NOIR, du khách sẽ thưởng thức hương vị và cấu trúc tinh tế của món ăn trong bóng tối hoàn toàn; lái xe vespa khám phá quận 3; quận 6-Chuyện “Nhỏ” trong lòng Chợ Lớn; Trên bến dưới thuyền; Nhà Bè-Nước chảy chia hai; Hóc Môn-Vùng đất lịch sử...

Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành phố cũng tổ chức các lễ hội độc đáo trong dịp nghỉ lễ này. Tiêu biểu như Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ 10 năm 2023 với chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị Bánh dân gian Nam Bộ” diễn ra từ ngày 28/4-2/5 tại Quảng trường quận Bình Thủy, Cần Thơ.

Các hoạt động điểm nhấn tại Lễ hội là lễ dâng hương và dâng bánh nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra lúc 7 giờ ngày 29/4 (ngày 10/3 âm lịch) tại Đền thờ Vua Hùng; hội thi Bánh dân gian, biểu diễn cách làm các loại bánh dân gian từ ngày 29/4-1/5…

Ban Tổ chức sẽ bố trí khoảng 300 gian hàng để khách tham quan có thể thưởng thức bánh tại chỗ.

Lễ hội xoài Đồng Tháp tổ chức từ ngày 28/4-1/5 tại Quảng trường Công viên Văn Miếu, đường Đặng Văn Bình, đường Lý Thường Kiệt (phường 1, thành phố Cao Lãnh) và một số vườn trồng xoài, khu, điểm du lịch trong tỉnh.

Trong khuôn khổ lễ hội có các hoạt động: Triển lãm chuỗi ngành hàng xoài; kết nối giao thương sản phẩm xoài, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản Đồng Tháp; tổ chức famtrip, kết nối các tour du lịch đến các vùng trồng xoài, kết hợp quảng bá văn hóa-du lịch tỉnh Đồng Tháp; hội thi trái xoài ngon, ẩm thực các món ngon từ xoài, tạo hình, trình bày mâm quả đẹp từ xoài…

Để phục hồi và phát triển, ngành du lịch Việt Nam tập trung quảng bá các nhóm sản phẩm du lịch chủ yếu gồm du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái; du lịch đô thị với các đô thị trọng điểm du lịch như Hạ Long, Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc, Đà Lạt, Sa Pa; gắn kết du lịch với phát triển kinh tế ban đêm; qua đó khẳng định thương hiệu du lịch Việt là điểm đến hấp dẫn, chất lượng, bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục