Goldman Sachs: Giá dầu sẽ tăng thêm 20 USD mỗi thùng nếu Trung Đông 'tăng nhiệt'

Theo chuyên gia Daan Struyven của Goldman Sachs, nếu sản lượng dầu của Iran giảm 1 triệu thùng/ngày trong một thời gian dài, giá dầu có thể tăng tối đa khoảng 20 USD/thùng vào năm sau.

Một giàn khoan dầu tại thị trấn al-Qahtaniyah, tỉnh Hasakah, Syria. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một giàn khoan dầu tại thị trấn al-Qahtaniyah, tỉnh Hasakah, Syria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs ngày 4/10 đã nhận định rằng giá dầu thế giới có thể tăng vọt, thêm 20 USD mỗi thùng, nếu sản lượng dầu của Iran bị ảnh hưởng do hành động quân sự đáp trả của Israel.

Giá dầu thô của Mỹ tăng khoảng 5% vào phiên giao dịch 3/10 và tiếp tục tăng nhẹ vào sáng 4/10, do lo ngại Israel có thể tiến hành những hành động nhắm vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran để đáp trả hành động quân sự của Iran vào đầu tuần này.

Ông Daan Struyven, đồng trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu của Goldman Sachs, nói: “Nếu sản lượng dầu của Iran giảm 1 triệu thùng/ngày trong một thời gian dài, giá dầu có thể tăng tối đa khoảng 20 USD/thùng vào năm sau."

Ông Struyven nói thêm rằng điều này diễn ra với giả định là Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, không phản ứng bằng cách tăng sản lượng.

Theo ông, nếu các thành viên chủ chốt của OPEC+ như Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) bù đắp một phần hao hụt về sản lượng, giá dầu có thể chứng kiến mức tăng khiêm tốn hơn, dưới 10 USD/thùng.

Kể từ khi cuộc xung đột vũ trang Israel-Hamas bắt đầu nổ ra vào ngày 7/10/2023, thị trường dầu mỏ chỉ bị gián đoạn nhẹ và giá dầu vẫn chịu áp lực giảm do sản lượng tăng từ Mỹ, cộng với nhu cầu yếu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, tâm lý thị trường có thể thay đổi trong tuần này.

Giá dầu thô Mỹ vừa trải qua phiên tăng thứ ba liên tiếp vào ngày 3/10, sau khi Iran có hành động quân sự đối với Israel, làm leo thang căng thẳng trong khu vực.

Những ngày gần đây, các nhà quan sát trong ngành đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về một mối đe dọa thực sự đối với nguồn cung dầu toàn cầu.

Iran sản xuất gần 4 triệu thùng dầu mỗi ngày và ước tính 4% nguồn cung dầu thế giới có thể bị đe dọa nếu cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran trở thành mục tiêu của Israel khi nước này cân nhắc một động thái đáp trả.

Ông Saul Kavonic, nhà phân tích năng lượng cao cấp tại nền tảng dịch vụ tài chính MST Marquee, đã nhắc đến khả năng đảo Kharg của Iran, nơi chiếm tới 90% lượng dầu thô xuất khẩu của nước này, có thể trở thành mục tiêu đáp trả của Israel.

Iran trước đây cảnh báo sẽ có hành động cản trở đối với hoạt động vận tải thương mại qua eo biển Hormuz nếu ngành dầu mỏ của nước này bị ảnh hưởng.

Eo biển Hormuz, nằm giữa Oman và Iran là một tuyến đường biển quan trọng, nơi khoảng 1/5 sản lượng dầu hàng ngày của thế giới được trung chuyển qua. Tuyến đường chiến lược này kết nối các nhà sản xuất dầu thô ở Trung Đông với các thị trường lớn trên toàn cầu.

Ông Scott Shelton, nhà phân tích năng lượng của công ty dịch vụ tài chính TP ICAP, cho rằng luôn có khả năng giá dầu trở về mốc 100 USD/thùng. Libya mới đây đã thông báo rằng nước này sẽ khởi động lại hoạt động sản xuất dầu.

Ông Shelton gọi điều này là một "phần rất quan trọng của sự cân bằng thị trường dầu mỏ" giữa bối cảnh tình hình địa chính trị ngày càng căng thẳng.

Mặc dù một số nhà phân tích tin rằng OPEC+ có đủ năng lực sản xuất để bù đắp cho sự gián đoạn xuất khẩu của Iran nếu Israel nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của nước này, nhưng một phần lớn sản lượng dầu của thế giới vẫn thuộc về Trung Đông. Do vậy, giá dầu sẽ biến động mạnh nếu cuộc xung đột ở khu vực này ngày càng gia tăng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.