Thời điểm giáp Tết, mặt hàng gốm sứ càng được người tiêu dùng “săn” chọn, vừa trang trí trong phòng, vừa chuẩn bị để đón Xuân.
Khảo sát của phóng viên Vietnam+ những ngày gần đây cho thấy, các cửa hàng gốm sứ nhộn nhịp khách ra vào, sức mua tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường. Bên cạnh đó, nhiều gian hàng “di động” cũng được các tiểu thương rao bán khắp các nẻo đường để tranh thủ tận dụng sức mua của người tiêu dùng dịp Tết.
Trên các khu phố như Hàm Long, Hàng Khoai, Âu Cơ, Lê Duẩn, Lê Trọng Tấn… các của hàng đã bày bán đủ các loại gốm: Bát Tràng, Phù Lãng, Chu Đậu, Xuân A (Hà Tây,) gốm Quảng Ninh và các mặt hàng nhập như gốm Giang Tây (Trung Quốc)…
Mặt hàng gốm sứ với đủ các chủng loại, từ bộ ấm chén, bát đĩa, lọ hoa, đến những cặp lục bình cỡ lớn bé, hay cả những kiểu tượng phật, tranh gốm.
Giá của các mặt hàng này nằm trong khoảng từ 20.000 đồng/mặt hàng đến 5-6 triệu đồng/mặt hàng, phục vụ các đối tượng khách hàng từ cao cấp đến bình dân tùy theo nhu cầu của người mua.
Nhân dịp Tết, giá của các sản phẩm cũng nhỉnh hơn từ 15.000-50.000 đồng/mặt hàng, thậm chí tăng lên đến vài trăm nghìn đồng so với ngày thường, tùy vào kích thước và mẫu mã, cũng như nguồn nhập. Tuy nhiên, khách hàng vẫn chuộng các sản phẩm mang thương hiệu Việt.
Đơn cử như bình gốm Phù Lãng cao 70cm tăng 40.000 đồng/bình, có giá bán 120.000 đồng/bình; các loại chậu gốm cũng có giá từ 50.000-150.000 đồng/chậu, so với năm ngoái chỉ có 40.000-120.000 đồng/chậu; nhiều loại tranh gốm có giá từ 3-3,5 triệu đồng; cặp lục bình cỡ lớn còn có giá 5-6 triệu đồng…
Ông Hoàng Ngọc Ngùng, chủ hàng gốm sứ trên phố Lê Trọng Tấn cho biết, dịp gần Tết nên giá cả có tăng hơn, mặc dù sức mua có tăng nhưng so với năm trước thì lượng tiêu thụ hàng hóa kém hơn và chủ yếu khách hàng vẫn “chuộng” mua hàng gốm Việt.
“Năm nay, nhà tôi nhập 2 xe ôtô hàng (loại xe 5 tấn) song đến thời điểm này, lượng hàng vẫn còn ứ đọng khá nhiều, so với năm ngoái, sức mua của người tiêu dùng có phần chững lại. Lượng khách mua chỉ tập trung trong khoảng một tuần đổ lại đây,” vừa nói vừa luôn tay bán hàng, ông Ngùng cho hay.
Nhiều khách mua cũng cho rằng, hàng hóa trên thị trường bày bán tràn lan, không lo thiếu nên ít ai có tâm lý mua dự phòng, chỉ khi cần dùng thì mới ra chợ để chọn mua. Do vậy, tuy gần Tết giá cả tăng cao nhưng nhiều người mua vẫn "phóng tay" sắm chọn.
Ông Nguyễn Phan Doanh (Pháo Đài Láng, Đống Đa) khách mua cho hay, vừa chuyển sang nhà mới nên ông muốn sắm cặp lục bình về bày ở phòng khách, tuy có rất nhiều mẫu mã trông rất bắt mắt, nhưng nhà ông chỉ chuộng gốm Bát Tràng. Mặc dù, giá nhỉnh hơn so với những dòng gốm khác nhưng hàng Bát Tràng với chất men đặc trưng, nên trông có chiều sâu và vừa cổ, vừa sang.
“Gốm Trung Quốc mẫu mã đa dạng, giá cũng rẻ hơn nhưng chất men thì không thể sánh bằng hàng Việt mình được,” ông Doanh vừa nói vừa chọn cho mình cặp lục bình Bát Tràng ưng ý.
Nắm bắt thị hiếu của người mua, các chủ hàng cũng linh động trong việc nhập hàng hóa về bán.
Anh Nguyễn Văn Trung, quản lý hàng gốm trên phố Hàm Long cho hay, năm nay, nhà anh cũng chỉ nhập số lượng tương đương lượng hàng năm ngoái và tập trung vốn nhập hàng Việt để đáp ứng xu hướng mua của thị trường.
“Những sản phẩm bán chạy nhất đó là những mặt hàng được gia công vuốt tay và theo kiểu dáng cổ xưa như: Chum đất hàng Phù Lãng có giá khoảng 220.000-650.000 đồng/chum, những ấm Chu Đậu kiểu cổ có giá từ 650.000-1.000.000 đồng/ấm, chậu gốm Đông Triều, Mạo Khê có giá từ 150.000-300.000 đồng/chậu và các kiểu gốm sứ hàng Bát Tràng...,” anh Trung nói./.