Mâu thuẫn giữa hai luồng ý kiến trái chiều trong cuộc chiến pháp lý với Chính phủ Mỹ về vấn đề "bẻ khóa" điện thoại iPhone tiếp tục gia tăng trong ngày 3/3 khi hàng loạt tập đoàn và chuyên gia công nghệ đồng loạt kiến nghị lên tòa ủng hộ Apple, trong khi các hiệp hội của giới hành pháp cũng lên tiếng củng cố lập trường của mình.
Hiệp hội Công nghiệp Truyền thông và Máy tính Mỹ (CCIA), Hiệp hội Internet và Liên minh i2Coalition của các tập đoàn cơ sở hạ tầng Internet đã có đơn kiến nghị chung gửi lên tòa án bang California.
Thành viên của 3 liên minh công nghệ này bao gồm nhiều tên tuổi lớn như Google, Facebook, Microsoft và Yahoo. Bên cạnh đó, một nhóm nhỏ hơn gồm 17 công ty công nghệ như Twitter, eBay, LinkedIn, Airbnb và Reddit cũng đệ đơn kiến nghị riêng rẽ ủng hộ Apple.
Hầu hết các ý kiến đều ủng hộ lập luận của Apple rằng đề nghị từ phía Chính quyền Mỹ là vượt quá thẩm quyền và có thể tạo ra một tiền lệ nguy hiểm.
Một số công ty công nghệ như hãng sản xuất chip điện tử Intel và tập đoàn viễn thông AT&T cũng có các đơn kiến nghị độc lập gửi lên tòa án. Trong đó, AT&T cho rằng Quốc hội Mỹ là đơn vị duy nhất có thẩm quyền giải quyết vấn đề này. Trong khi đó, các chuyên gia công nghệ cho hay việc tạo ra một phần mềm "phá khóa" iPhone có thể gây ra nhiều "phức tạp" bởi các chương trình mới thường có nhiều lỗ hổng tạo điều kiện cho tin tặc tấn công.
Ngược lại, một số đơn vị thi hành pháp luật, bao gồm Hiệp hội các cảnh sát trưởng quốc gia, Hiệp hội giới chức hành pháp liên bang và Hiệp hội các ủy viên công tố, lại có văn bản gửi lên tòa ủng hộ lập trường của Bộ Tư pháp Mỹ.
Các nhóm này quan ngại rằng một phán quyết đứng về phía Apple trong vụ việc có thể ảnh hưởng đến công tác điều tra, xét xử và thi hành luật.
Tranh cãi về vấn đề mã hóa các thiết bị thông minh bùng lên sau khi hãng Apple đệ đơn phản đối lệnh của một tòa án Mỹ yêu cầu hỗ trợ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) "bẻ khóa" một điện thoại thông minh của hãng này được một thủ phạm vụ tấn công tại thành phố San Bernardino, bang California, sử dụng.
FBI đề nghị Apple giúp hủy chức năng tự xóa dữ liệu trên chiếc iPhone nhằm lấy thông tin từ thiết bị trên sau nhiều nỗ lực phá mật mã không thành. Vụ việc đã thổi bùng lên hai luồng ý kiến trái chiều.
Theo kế hoạch, vào ngày 22/3 tới, Apple sẽ có phiên điều trần trước một tòa án bang California để yêu cầu tòa bác bỏ một phán quyết trước đó yêu cầu tập đoàn này thực hiện đề nghị từ FBI./.