Góp ý để hoàn thiện dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội sửa đổi

Chủ tịch Quốc hội mong muốn được nghe các ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý để các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Góp ý để hoàn thiện dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội sửa đổi ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều tối 11/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Tọa đàm góp ý dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Cùng dự có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Trần Quang Phương; nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển…

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đồng chủ trì tọa đàm.

Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh kỳ họp là phương thức hoạt động chủ yếu của Quốc hội. Để thích ứng với công tác phòng, chống dịch COVID-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Quốc hội cho thực hiện thí điểm nhiều nội dung tại kỳ họp Quốc hội. Sau quá trình thực hiện thí điểm, đến nay cần tổng kết, rà soát, nghiên cứu để sửa đổi Nội quy Kỳ họp Quốc hội.

Các cơ quan của Quốc hội đã tích cực, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Dự kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào việc sửa đổi Nội quy Kỳ họp Quốc hội tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật.

[Bế mạc Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau 2,5 ngày làm việc]

Chủ tịch Quốc hội mong muốn được nghe các ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý để các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc cho việc sửa đổi Nội quy Kỳ họp Quốc hội. Các đại biểu đều cho rằng nhiều điều khoản trong nội quy hiện hành không còn phù hợp, cần sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Nhiều ý kiến nhất trí rằng thời gian phát biểu của mỗi đại biểu Quốc hội tại các phiên thảo luận ở hội trường duy trì ở mức 7 phút là phù hợp. Về thời gian nêu câu hỏi chất vấn và tranh luận, hỏi lại, có ý kiến đề nghị kể cả tranh luận hay hỏi lại cũng chỉ nên duy trì ở mức 1 phút để đại biểu nêu đúng trọng tâm tranh luận hoặc hỏi lại, bảo đảm công bằng với các đại biểu nêu câu hỏi chất vấn.

Có ý kiến đề nghị không nên cho phép tranh luận giữa đại biểu Quốc hội với người được chất vấn mà chỉ nên cho phép đại biểu Quốc hội tranh luận với nhau… Các đại biểu đề nghị rút ngắn thời gian trình bày tờ trình và báo cáo thẩm tra.

Các đại biểu đã góp ý về vai trò của chủ tọa, người điều hành phiên họp; về việc chấp hành thời hạn gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội, xử lý với những cơ quan chậm gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội theo quy định; hình thức lưu hành tài liệu; cách thức biểu quyết; quy trình, thủ tục xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia…

Phát biểu kết luận tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ cùng với Luật Tổ chức Quốc hội, Nội quy kỳ họp Quốc hội là văn bản pháp lý có vị trí rất quan trọng tạo dựng hành lang pháp lý cho hoạt động của Quốc hội.

Việc sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội vào thời điểm hiện nay phải đáp ứng yêu cầu đặt ra trong định hướng đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội theo hướng mở rộng dân chủ, tăng tính pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, công khai, minh bạch, khoa học, hiệu quả, thích ứng linh hoạt với tình hình thực tế. Đây là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động của kỳ họp trong thời gian tới.

Góp ý để hoàn thiện dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội sửa đổi ảnh 2Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Nội quy Kỳ họp Quốc hội được ban hành năm 2015 trong bối cảnh vị trí, vai trò của Quốc hội ngày càng được củng cố, tổ chức và hoạt động từng bước đổi mới. Nội quy đã từng bước cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Quốc hội triển khai thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo đúng quy trình, thủ tục. Tuy nhiên, qua hơn 6 năm thi hành, nội quy đã bộc lộ những hạn chế, bất cập.

Chủ tịch Quốc hội cho biết đại dịch COVID-19 đã tác động rất sâu sắc tới mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội nói chung và hoạt động của Quốc hội nói riêng. Quốc hội đã phải thay đổi rất nhiều phương thức, từ họp trực tiếp sang họp trực tuyến, kết hợp giữa họp trực tiếp và trực tuyến.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở Thành phố Hồ Chí Minh, hai đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh mắc COVID-19 và theo quy định khi ấy thì các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh phải thực hiện cách ly.

Do vậy, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động, Quốc hội đã áp dụng kết hợp giữa biểu quyết trực tiếp với đại biểu Quốc hội họp tại Hội trường Diên Hồng và biểu quyết trực tuyến với các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh. Tất cả những sự thay đổi phương thức họp, biểu quyết ấy đều chưa có trong Nội quy Kỳ họp Quốc hội, nhưng Quốc hội đã đồng ý triển khai thí điểm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Văn phòng Quốc hội nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Viện Nghiên cứu Lập pháp xây dựng báo cáo kết quả tọa đàm gửi đến lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội để phục vụ việc thảo luận, cho ý kiến và xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục