Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã được công bố, nhằm lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân từ ngày 20/10 đến 10/11/2020. Việc này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Ngay sau khi các dự thảo văn kiện được công bố, qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều ý kiến đóng góp của đại diện các tầng lớp nhân dân đã đề cập nhiều nội dung quan trọng về định hướng sắp tới trên các lĩnh vực: xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ...
Các dự thảo văn kiện bao gồm: Dự thảo báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng; Dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; Dự thảo báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.
Mỗi kỳ Đại hội Đảng là một sự kiện, một dấu mốc quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước, mà văn kiện chính là "linh hồn" của Đại hội. Việc lấy ý kiến nhân dân đóng góp xây dựng văn kiện Đại hội là một công việc hệ trọng, nhằm tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của nhân dân trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước, thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng là "lấy dân làm gốc," mọi chính sách phát triển đều "vì nhân dân"; đồng thời thể hiện trách nhiệm, tình cảm, tâm huyết của nhân dân, hòa quyện lòng dân-ý Đảng.
Tại cuộc họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh văn kiện Đại hội là một văn kiện rất quan trọng, vừa mang tính lý luận cao, tính thực tiễn sâu sắc và tính chính trị chỉ đạo lâu dài, là một văn kiện tồn tại mãi mãi trong lịch sử của Đảng, của đất nước.
"... Các tầng lớp nhân dân, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học còn có nhiều ý kiến đóng góp, do đó cần tiếp tục tiếp thu, chọn lọc, tìm tiếng nói chung để trình ra Đại hội thông qua mới thành văn kiện chính thức."
Chỉ thị 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: "Quá trình xây dựng dự thảo văn kiện đại hội, các cấp ủy cần nghiêm túc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc, của cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ hưu trí, các nhà khoa học, nhân sỹ, trí thức, chuyên gia và các tầng lớp nhân dân bằng các hình thức thích hợp, hiệu quả. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương chuẩn bị tốt và có kế hoạch công bố dự thảo các văn kiện đại hội và báo cáo chính trị trên các phương tiện thông tin đại chúng, phù hợp với tình hình thực tế để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của nhân dân."
Trong quá trình đại hội đảng bộ các cấp, các tổ chức đảng đều tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nghiêm túc việc lấy ý kiến của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên, đóng góp xây dựng các dự thảo văn kiện, tập trung đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, diện mạo đất nước sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới; xác định tầm nhìn và định hướng phát triển, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn sắp tới.
Sau 35 năm đổi mới, dưới sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, Việt Nam từng bước vươn lên, dựng xây và phát triển.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói: "Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Từ một nước nhỏ bé, nghèo nàn, lạc hậu, trình độ rất thấp, hầu như không có tên trên bản đồ thế giới, ngày nay Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước có quy mô dân số gần 100 triệu người, đang phát triển, có thu nhập trung bình, có quan hệ với hầu hết các nước trên thế giới, tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế và là thành viên, đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế."
Việt Nam hiện đứng thứ 44 thế giới theo GDP danh nghĩa và thứ 34 khi tính theo sức mua tương đương quốc tế. Cuộc sống của nhân dân ngày càng được cải thiện rõ nét cùng quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,75% vào năm 2019 và ước năm 2020 còn khoảng 2,75%, trung bình mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,43%.
Vị thế và uy tín của đất nước ngày càng cao khi Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia thuộc tất cả các châu lục, đang đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch AIPA 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Liên hợp quốc đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia đạt tốc độ giảm nghèo nhanh nhất thế giới.
Năm 2020, kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái nặng nề do đại dịch COVID-19, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, đạt trên 2% trong 9 tháng đầu năm, dự kiến từ 2 đến 3% trong năm 2020; được đánh giá là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong bối cảnh đại dịch…
[Tiếp thu tối đa những góp ý có lợi cho đất nước, cho Nhân dân]
Những thành tựu đó là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; là minh chứng thuyết phục, sinh động về đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, thể hiện bản chất nhân văn của chế độ Xã hội chủ nghĩa, tạo nền tảng vững chắc cho con đường phát triển đi lên của đất nước trong giai đoạn tiếp theo.
Vậy mà đâu đó vẫn có những luận điệu xuyên tạc, hằn học, tìm mọi cách chống phá Đảng, Nhà nước ta, cản trở con đường phát triển đi lên của dân tộc ta. Trước mỗi kỳ Đại hội của Đảng ta, lợi dụng việc lấy ý kiến nhân dân đóng góp xây dựng văn kiện, các thế lực thù địch lại tìm đủ mọi cách nhằm phủ nhận thành quả cách mạng, làm phai nhạt lý tưởng cách mạng, gây mất niềm tin trong nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, hoài nghi về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Những thành tựu mà Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đã đạt được là to lớn, toàn diện, là bằng chứng phản bác mạnh mẽ, đập tan những luận điệu xảo trá, mưu đồ đen tối của các thế lực thù địch, cố tình bóp méo sự thật, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, hòng gây mất niềm tin trong nhân dân, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Trong quá trình phát triển đi lên, bên cạnh những thành tựu to lớn không thể phủ nhận thì Việt Nam cũng không tránh khỏi vẫn còn những hạn chế, yếu kém, bất cập. Với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng thực tế khách quan, Đảng, Nhà nước ta đã từng bước điều chỉnh, khắc phục, nhằm tiếp tục đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững đất nước.
Trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII, Đảng ta cũng thẳng thắn chỉ rõ ưu điểm, thành tựu, cũng như hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm… trên cơ sở đó, đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
Đánh giá đúng thực trạng, nhìn nhận đúng tình hình và xu thế phát triển, cả ưu điểm và nhược điểm, yêu cầu, đòi hỏi thực tế đang đặt ra, chính là cơ sở để xác định hướng đi đúng đắn, biện pháp thực thi phù hợp và hiệu quả. Việc lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng trước hết phải dựa trên tinh thần xây dựng và trách nhiệm, đặt lợi ích của đất nước, nhân dân lên trên hết. Thấy rõ tồn tại, hạn chế để có giải pháp khắc phục, phấn đấu đạt kết quả tốt hơn, hoàn toàn khác với việc "bới lông tìm vết," lấy cách nhìn cực đoan, phiến diện để cố tình bôi xấu, hòng xóa nhòa, phủ định những thành quả mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã đạt được trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.
Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, kiểm nghiệm và chứng minh tính đúng đắn của chân lý. Bất kỳ âm mưu, thủ đoạn chống phá dù thâm hiểm, tinh vi đến đâu, đều không thể phủ nhận một thực tế khách quan - đó là thành tựu phát triển toàn diện của Việt Nam trong những năm qua dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng; không thể làm suy giảm ý chí, niềm tin, sự đồng lòng nhất trí của toàn Đảng, toàn quân và dân ta trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.