Đợt lấy ý kiến nhân dân đóng góp dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã kết thúc vào ngày 31/10.
Phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương về kết quả của đợt sinh hoạt chính trị quan trọng này.
- Xin ông cho biết đánh giá của Ban Tuyên giáo Trung ương về kết quả của đợt lấy ý kiến nhân dân đóng góp dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng trên báo chí?
Ông Nguyễn Thế Kỷ: Việc lấy ý kiến nhân dân đóng góp Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Rút kinh nghiệm từ những lần lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước, sửa đổi Hiến pháp, lần này, công tác tổ chức để đón nhận ý kiến của các tầng lớp nhân dân vào Dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng được tổ chức rất chu đáo, bài bản, cầu thị.
Ngày 15/9, các cơ quan báo chí của Đảng, Nhà nước và cơ quan báo chí có đông công chúng theo dõi như báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, báo Quân đội nhân dân, báo Công an Nhân dân, báo Tiền phong, báo Thanh niên, báo Tuổi trẻ, báo Đại đoàn kết… đã đồng loạt đăng tải toàn văn hai dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng: báo cáo chính trị trình Đại hội XII; báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.
Các dự thảo văn kiện này được công bố rộng rãi để cán bộ, đảng viên, nhân dân, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp nhận nội dung và đóng góp ý kiến. Thời gian lấy ý kiến từ ngày 15/9 đến ngày 31/10. Việc đăng tải toàn văn dự thảo văn kiện trên các tờ báo, báo điện tử như một nguồn tài liệu để cán bộ, đảng viên và nhân dân nghiên cứu kỹ hơn, đóng góp ý kiến sâu hơn.
Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương có văn bản hướng dẫn những vấn đề cần tập trung đóng góp. Để việc đóng góp ý kiến tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, huy động được trí tuệ của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, những nội dung cốt lõi, điểm mới trong dự thảo cũng được đăng tải trên báo chí.
Thực hiện các hướng dẫn vừa nêu, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, các cơ quan chủ quản đã tích cực quán triệt, hướng dẫn các cơ quan báo chí triển khai nhiệm vụ quan trọng này. Các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã sớm xây dựng kế hoạch, tích cực tổ chức triển khai việc lấy ý kiến nhân dân đóng góp vào dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng rất chu đáo, bài bản, sáng tạo; mở các chuyên mục, tạo diễn đàn để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, trí thức trẻ, các tầng lớp nhân dân tham gia làm rõ nội dung của dự thảo, đóng góp các ý kiến rất sâu sắc vào các dự thảo văn kiện.
Các cơ quan báo chí TTXVN, báo Nhân dân, báo Quân đội nhân, báo Công an nhân dân đã đăng tải các bài viết của các chuyên gia, nhà khoa học lý luận phân tích, làm rõ về những điểm mới trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, nhất là về đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội XI, nhìn lại 30 năm đổi mới, mục tiêu tổng quát, động lực phát triển đất nước 5 năm tới, đổi mới mô hình tăng trưởng và hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, văn hóa-xã hội; quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Những phân tích đó đã giúp độc giả tiếp cận các dự thảo văn kiện một cách khoa học, sâu sắc, toàn diện hơn.
Sau một tháng rưỡi tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, có thể thấy, các cơ quan báo chí đã vào cuộc hết sức tích cực, tiêu biểu là các cơ quan báo chí: báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, báo Quân đội nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, báo Đại Đoàn kết, báo Công an nhân dân, báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và nhiều cơ quan báo Đảng địa phương…
Có thể nói, việc lấy ý kiến đã được triển khai trên tất cả các loại hình báo chí. Mỗi loại hình báo chí đều phát huy được ưu thế của mình, vào cuộc một cách đồng bộ, hiệu quả.
Theo thống kê qua kênh của Ban Tuyên giáo Trung ương, các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải khoảng 730 ý kiến góp ý vào hai dự thảo văn kiện, trong đó trên báo in, báo điện tử, tạp chí có khoảng 500 ý kiến, trên báo truyền hình, phát thanh có khoảng 250 ý kiến.
Ban cũng đón nhận 248 thư, văn bản góp ý kiến vào các dự thảo qua đường bưu chính. Trên thực tế, số lượng ý kiến đóng góp vào dự thảo văn kiện còn nhiều hơn.
Mặt trận Tổ quốc từ Trung ương đến cơ sở đã tổ chức các Hội nghị lấy ý kiến các nhân sỹ, trí thức, nhà khoa học, những người từng tham gia các cương vị lãnh đạo, quản lý, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ, sắc sảo, hàm lượng khoa học rất cao, chiều sâu thực tiễn rất lớn, nêu bật những vấn đề, có những ý kiến đồng tình và cả những ý kiến phản biện, giúp các cơ quan soạn thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng có thêm điều kiện đón nhận những ý kiến hay, bổ ích.
Đảng đoàn Quốc hội đã tiến hành lấy ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội vào dự thảo văn kiện. Văn phòng Trung ương, Ban Dân vận Trung ương cũng có kênh để đón nhận ý kiến đóng góp của các tầng lớn nhân dân.
Đối tượng góp ý rất đa dạng, bao gồm ý kiến của các vị nguyên là lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước; chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực; trí thức, tướng lĩnh, các tầng lớp nhân dân, trong đó có người về hưu, đồng bào dân tộc và người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài.
Về hình thức lấy ý kiến, các cơ quan báo, đài, từ Trung ương đến địa phương đã tổ chức nhiều hình thức tập hợp ý kiến đóng góp vào các dự thảo văn kiện một cách sinh động.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, một số cơ quan báo chí đã tổ chức các buổi tọa đàm, phỏng vấn, đặt bài viết, trong đó đã mời nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu phân tích, làm rõ những điểm mới trong văn kiện, gợi mở những vấn đề cần góp ý hoặc góp ý trực tiếp vào từng nội dung cụ thể của văn kiện.
Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, báo Quân đội nhân dân, Công an nhân dân …. đăng các ý kiến đóng góp đều đặn, có chất lượng, nội dung xác đáng đến từ nhiều tầng lớp nhân dân, đối tượng trong xã hội.
Bên cạnh việc đăng tải các ý kiến đóng góp, nhiều cơ quan báo chí đã thông tin kịp thời các hoạt động lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo văn kiện do các cơ quan, đơn vị tổ chức. Không chỉ đăng tải các ý kiến đóng góp, các cơ quan báo chí còn có các báo cáo tổng hợp, phân tích để gửi tới các cơ quan chức năng.
Các ý kiến đóng góp phong phú, đa dạng từ nhiều góc nhìn, lĩnh vực, nhiều ý kiến có cơ sở lý luận và thực tiễn rất vững chắc. Về chất lượng góp ý, các ý kiến đã bám sát nội dung cốt lõi, chắt lọc các ý kiến trí tuệ.
Nhiều ý kiến sâu sắc, thể hiện tâm huyết, chất t rí tuệ cao, góp ý vào những vấn đề cụ thể, thiết thực. Một số ý kiến mang tính xây dựng, chiến đấu cao. Phần lớn các ý kiến cơ bản đồng tình với các nội dung của dự thảo và có đề nghị bổ sung, làm rõ thêm.
Đối với báo cáo chính trị, các ý kiến đóng góp vào nhiều nhóm vấn đề, điều trăn trở lớn nhất là qua tổng kết 30 năm đổi mới, tổng kết chặng đường 5 năm phát triển kinh tế-xã hội 2011-2015, cần có những giải pháp để đưa đất nước phát triển bền vững, mạnh mẽ.
Những vấn đề có nhiều ý kiến đóng góp nhất là đánh giá tổng quát kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội XI (2011-2015) và nhìn lại 30 năm đổi mới (1986-2016); mục tiêu tổng quát phát triển đất nước trong 5 năm 2016-2020; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; đầu tư vào khoa học công nghệ, phát triển kinh tế tri thức; Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên để nâng tầm trí tuệ, bản lĩnh của Đảng; Công tác cán bộ của Đảng; Huy động nguồn lực chăm lo đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa; Huy động nguồn lực chất xám, tri thức, kinh nghiệm của bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài vào xây dựng đất nước…..
Với dự thảo báo cáo kinh tế-xã hội, nhiều ý kiến tập trung vào các vấn đề: Mục tiêu và các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020.
- Thưa ông, việc tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân sẽ được triển khai như thế nào? Qua đợt lấy ý kiến nhân dân đóng góp dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đả ng, có điều gì cần rút kinh nghiệm cho các nhiệm kỳ đại hội sau?
Ông Nguyễn Thế Kỷ: Có thể nói, việc triển khai lấy ý kiến nhân dân đóng góp vào dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng được triển khai thực hiện nghiêm túc, với tâm huyết cao, trách nhiệm lớn lao trước Đảng, đất nước, trước vận mệnh mới của đất nước và đạt hiệu quả tốt.
Qua đợt lấy ý kiến, rất nhiều ý kiế n có chất lượng tốt cần được chắt lọc để bổ sung vào các dự thảo văn kiện.Các cơ quan được giao nhiệm vụ cần có thái độ nghiêm túc, tinh thần cầu thị, cởi mở để đón nhận những ý kiến tốt.
Sau từng câu, từng chữ góp ý kiến, có những “hạt vàng,” nhưng cũng có những “nguyên liệu thô,” cần được chắt lọc, qua đó để làm bật lên giá trị lý luận, thực tiễn, tích hợp vào báo cáo. Để sau đợt lấy ý kiến nhân dân này, các cơ quan chức năng của Đảng có thể trả lời với đông đảo nhân dân rằng ý kiến đóng góp của họ đã được tiếp thu nghiêm túc, chính vì vậy, chất lượng các dự thảo văn kiện được nâng lên. Sau mỗi câu, mỗi chữ, mỗi ý tưởng góp ý là công sức, trí tuệ của nhân dân ….
Qua kênh báo chí, Vụ báo chí của Ban Tuyên giáo cùng các đơn vị liên quan trao đổi, sẽ có 2 bản tổng hợp ý kiến, một bản tổng hợp đầy đủ các ý kiến đóng góp; một bản chắt lọc các ý kiến sắc sảo, giầu tính lý luận và thực tiễn, giàu tính phản biện để “chưng cất” lên, tích hợp theo từng nhóm vấn đề để gửi đến Ban soạn thảo và các cơ quan chức năng, góp phần hoàn thiện các dự thảo văn kiện nói riêng và góp phần vào thành công của Đại hội XII của Đảng nói chung.
Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng là một bài học tốt. Thời gian lấy ý kiến có thể dài hơn để quá trình góp ý kiến rộng rãi hơn. Các cơ quan, bộ phận được giao trách nhiệm tiếp nhận, tổng hợp, đánh giá, chắt lọc các ý kiến nên cử đại diện tham gia vào các cuộc góp ý quan trọng, để có thể tiếp thu trực tiếp các ý kiến đóng góp sinh động, như vậy sẽ tốt hơn, có điều kiện tích hợp vào dự thảo báo cáo, chỉnh sửa nâng tầm lên.
- Trân trọng cảm ơn ông./.