Sáng 10/4, tại bảo tàng Văn hóa tỉnh Hà Giang, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang đã khai mạc triển lãm “Con đường hạnh phúc xưa và nay.”
Đây là một trong chuỗi các sự kiện hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày hoàn thành con đường Hạnh phúc (20/3/1965-20/3/2015) và sẽ diễn ra đến hết tháng 3 này.
Triển lãm “Con đường Hạnh phúc xưa và nay” có tính khoa học chuyên đề với 113 ảnh tư liệu, 72 tài liệu, vật liệu, 111 Bằng khen, Giấy khen…
Những tài liệu được trưng bày tại triển lãm là bằng chứng sinh động về cuộc trường chinh phá đá, mở đường của thế hệ cha anh để tỉnh Hà Giang có được con đường huyết mạnh dài 160km mang tên Hạnh phúc nối liền trung tâm thành phố Hà Giang với các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc.
Triển lãm nhằm tôn vinh, biểu dương 2.500 cựu thanh niên xung phong đến từ 8 tỉnh (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Hải Dương, Nam Định) đã cống hiến sức lực, hy sinh xương máu, tuổi thanh xuân của mình trong suốt 6 năm (1959-1965) với hơn 2 triệu ngày công để làm nên con đường lịch sử.
Riêng tại đèo Mã Pì Lèng - nóc nhà của vùng Cao nguyên đá, những thanh niên xung phong phải đã treo mình trên vách đá cheo leo trong suốt 11 tháng để đục từng centimet đá và 14 người đã hy sinh anh dũng, mãi mãi nằm lại trên Cao nguyên đá Đồng Văn.
Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang khẳng định: Đường Hạnh phúc Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc là công trình có ý nghĩa lịch sử sâu sắc của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang.
Triển lãm “Con đường hạnh phúc xưa và nay” không chỉ tái hiện lại những năm tháng lịch sử hào hùng của thế hệ cha anh mà còn góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường cho nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, nhất là thế hệ trẻ.
Đây cũng là dịp để quảng bá, tuyên truyên, giới thiệu về lịch sử con đường Hạnh phúc cũng như vẻ đẹp tự nhiên trên vùng cao núi đá Hà Giang với du khách trong và ngoài nước khi đến với Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn./.
(TTXVN/Vietnam+)