Hà Lan: Phái bộ quân sự tại địa điểm MH17 rơi là không thực tế

Thủ tướng Hà Lan nhấn mạnh “việc triển khai một phái bộ quân sự của quốc tế tại khu vực này là không thực tế” do sự hiện diện của lực lượng ly khai được vũ trang hạng nặng.
Hà Lan: Phái bộ quân sự tại địa điểm MH17 rơi là không thực tế ảnh 1Thân nhân các nạn nhân vụ máy bay MH17 tại buổi lễ tưởng niệm ở Amsterdam. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 27/7, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho rằng một phái bộ quân sự quốc tế nhằm bảo vệ địa điểm máy bay MH17 bị rơi ở miền Đông Ukraine - khu vực nằm dưới sự kiểm soát của phiến quân, vào thời điểm hiện tại là “không thực tế”.

 

 Phát biểu với báo giới tại La Hay, ông Rutte nhấn mạnh “việc triển khai một phái bộ quân sự của quốc tế tại khu vực này là không thực tế” do sự hiện diện của lực lượng ly khai được vũ trang hạng nặng và khu vực này nằm gần biên giới Nga.

 

Nhà lãnh đạo này cho biết thêm tất cả các phương án đang được xem xét để bảo vệ địa điểm máy bay rơi và tình hình an ninh đang được đánh giá trên cơ sở hàng ngày.

 

Động thái trên diễn ra giữa lúc đang diễn ra các cuộc thảo luận về cách thức bảo vệ địa điểm máy bay rơi để có thể di dời những thi thể còn lại và cho phép các nhà điều tra về thảm kịch MH17 bắt đầu công việc của mình.

 

Trước đó cùng ngày, Bộ Tư pháp Hà Lan thông báo một nhóm chuyên gia pháp y của nước này gồm 30 người đã tới khu vực hiện trường của vụ tai nạn máy bay sau khi có thỏa thuận giữa Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) với lực lượng đòi liên bang hóa ở miền Đông Ukraine.

 

Là nước có nhiều nạn nhân thiệt mạng nhất trong thảm họa rơi máy bay MH17, Hà Lan được giao nhiệm vụ đứng đầu cuộc điều tra quốc tế để làm sáng tỏ nguyên nhân vụ rơi máy bay MH17, làm toàn bộ 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.

Nước này cũng có kế hoạch đưa cảnh sát và hiến binh tới hiện trường vụ tai nạn ở gần Donetsk, cùng với các quan chức điều tra của Australia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.