Thủ đô Hà Nội vui mừng, tự hào bước vào năm 2021, với nhiều thành tựu đã đạt được trong năm 2020 nhiều khó khăn, thách thức nhưng hầu hết chỉ tiêu, mục tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Năm 2020 là năm Hà Nội khó khăn chồng chất nhất trong nhiều thập kỷ qua khi đại dịch COVID-19 hoành hành đã ảnh hưởng nặng nề đến nhiều thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội, tác động đến từng người dân, doanh nghiệp.
Năm 2020, Hà Nội tưởng chừng tăng trưởng âm, nhưng thành phố vẫn nỗ lực và ngoạn mục đi lên. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố tăng 3,98% so với năm 2019.
Với kết quả này, Hà Nội đã đánh giá, tổng kết, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, cả khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, nổi bật và xuyên suốt nhất để đạt được thành công là nhờ sự đồng lòng ủng hộ, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và quân.
Các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Trung ương đều được Thành ủy Hà Nội quán triệt sâu sắc tới các cấp ủy, chính quyền địa phương. Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành nhiều văn bản, chủ động triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt ở tất cả các đơn vị, địa phương, trên tinh thần "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và hiệu quả."
Nổi bật là Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Hợp tác đầu tư và phát triển năm 2020, thu hút được 229 dự án với số vốn trên 405 nghìn tỷ đồng, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế.
Thu ngân sách đạt 280.500 tỷ đồng, bằng 100,6% dự toán pháp lệnh, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là nỗ lực rất lớn của Thủ đô Hà Nội, góp phần vào nguồn thu ngân sách quốc gia.
Bên cạnh đó, Hà Nội tích cực xây dựng, phát triển thương hiệu, tiêu thụ tốt hàng hóa, trong năm có gần 1.000 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng.
Thành phố cũng quan tâm đầu tư phát triển khu vực nông thôn, với 356/382 xã (chiếm 92,9%) đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành trước 2 năm so với mục tiêu đề ra.
[Hà Nội: 'Biển người' xuống đường, hân hoan chào đón năm mới]
Nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng của thành phố như: Dự án xây dựng đường Vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Vọng-Ngã Tư Sở); Dự án đường Vành đai 3 đi thấp bằng cầu qua hồ Linh Đàm; Dự án cầu cạn Mai Dịch-Nam Thăng Long, cầu vượt tại nút giao Hoàng Quốc Việt-Nguyễn Văn Huyên… đã được hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả.
Các vấn đề dân sinh bức xúc, được cử tri quan tâm, kiến nghị nhiều năm liên quan đến các dự án như đường sắt Cát Linh-Hà Đông; công trình 8B Lê Trực; Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn… đã được thành phố tập trung chỉ đạo xử lý, giải quyết, có kết quả cụ thể, được cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao…
Năm 2020, trên 2.000 sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra trên địa bàn đã được thành phố chuẩn bị chu đáo, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn.
Để đạt được kết quả khá toàn diện, Đảng bộ Hà Nội đã chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sâu sát, quyết liệt, đồng thời tập trung xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định quyết tâm của Đảng bộ Hà Nội luôn đi đầu thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội ngày càng thiết thực, hiệu quả. Việc tổ chức đại hội đảng bộ các cấp vừa qua thành công tốt đẹp là minh chứng về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và sự đoàn kết, thống nhất cao trong toàn Đảng bộ thành phố.
Những kết quả đạt được trong năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020, theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ là thành quả của sự cố gắng không mệt mỏi, sự chung tay góp sức của các tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, doanh nhân và lực lượng vũ trang Thủ đô.
Hội đồng nhân dân thành phố đã có nhiều đóng góp rất quan trọng với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân Thủ đô.
Những kết quả đó tiếp thêm động lực để Hà Nội tự tin bước vào năm mới với nhiều kỳ vọng. Bên cạnh nhiều thời cơ, cũng đan xen nhiều khó khăn, thử thách, đòi hỏi thành phố tiếp tục có những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ.
Vì vậy, những ngày đầu tháng 1/2021, dự kiến đồng chí Bí thư Thành ủy, Thường trực Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ họp với 30 quận, huyện, thị xã và các sở, ban, ngành toàn thành phố để triển khai các nghị quyết đã đề ra bằng những chương trình hành động cụ thể, sát thực tình hình địa bàn.
Hà Nội sẽ tạo mọi điều kiện cũng như thủ tục thông thoáng, thu hút mạnh mẽ đầu tư và quyết tâm thực hiện chủ đề năm 2021 là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, hoàn thành 23 chỉ tiêu kinh tế-xã hội, trong đó phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt 7,5%.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định nhiệm vụ năm 2021 là khá nặng nề, song thành phố đang có nhiều giải pháp đi tắt đón đầu.
Đặc biệt, Ban Thường vụ Thành ủy đã chuẩn kỹ nội dung tới đây báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ để hóa giải nhiều vấn đề quan trọng cho Thủ đô, ví dụ như Định hướng điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội; sửa đổi, bổ sung một điều của Luật Thủ đô và Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TƯ ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 10 năm, để chuẩn bị cho giai đoạn 10 năm tiếp theo.
Ngoài ra, thành phố cũng đề xuất một số việc rất thiết thực xung quanh thí điểm mô hình chính quyền đô thị; kiến nghị Chính phủ sớm ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội./.