Hà Nội: Chương trình đào tạo song bằng đang đi đúng hướng

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần rà soát chất lượng các trường THPT và THCS có đủ điều kiện cơ sở vật chất để triển khai, nâng số lượng trường tham gia đề án ngay trong năm học 2020-2021.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích trong thực hiện thí điểm chương trình đào tạo song bằng. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích trong thực hiện thí điểm chương trình đào tạo song bằng. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Ngày 24/10, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức sơ kết ba năm thực hiện Đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng tại các trường phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm học 2017-2018 đến nay, và công bố mã trường Cambridge VN283 cho Trường Trung học phổ thông Chu Văn An.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định Đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng của Hà Nội đã cụ thể hóa Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo và một số nội dung trong Luật Thủ đô, giải đáp được những băn khoăn, trăn trở của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, của các nhà khoa học, đặc biệt là của phụ huynh và học sinh về nhu cầu có một mô hình đào tạo chất lượng quốc tế song hành với chương trình giáo dục của Nhà nước.

Đánh giá cao kết quả thi AS (một phần của kỳ thi lấy chứng chỉ A-level) của các học sinh khóa song bằng đầu tiên Trường Trung học phổ thông Chu Văn An trong tháng 6/2019 vừa qua, ông Nguyễn Đức Chung cho rằng kết quả này là minh chứng cho sự phù hợp về nhu cầu, đáp ứng được mong muốn của chính các em học sinh. Tham gia học chương trình song bằng, học sinh tự tin bước vào các trường đại học quốc tế. Bên cạnh đó, Đề án cũng phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân Việt Nam.

Khẳng định chương trình đào tạo song bằng đang đi đúng hướng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị, trên cơ sở kết quả sơ kết ba năm thực hiện, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần rà soát chất lượng các trường trung học phổ thông và trung học cơ sở có đủ điều kiện cơ sở vật chất để triển khai, nâng số lượng trường tham gia đề án ngay trong năm học 2020-2021, đáp ứng nhu cầu đào tạo liên thông từ cấp trung học cơ sở lên trung học phổ thông.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng cần kiểm tra, rà soát chất lượng đội ngũ giáo viên, xây dựng kế hoạch đào tạo ngắn hạn hoặc có thể phối hợp với các trường đại học để bổ sung lực lượng giáo viên, giải quyết vấn đề nguồn nhân lực cho chương trình.

Tại hội nghị, đại diện một số trường học tham gia Đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng đều cho rằng chương trình đã tạo cơ hội cho nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh được tiếp cận chương trình và phương pháp học tiên tiến trên thế giới.

Là trường trung học phổ thông công lập đầu tiên của Hà Nội và Việt Nam chính thức triển khai Đề án thí điểm đào tạo song bằng trong giai đoạn năm năm chương trình song bằng tú tài trung học phổ thông quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (chứng chỉ A-level), bà Lê Mai Anh - Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Chu Văn An, cho biết ngay từ những ngày đầu triển khai Đề án, Ban Giám hiệu nhà trường và các giáo viên, học sinh đã nỗ lực nâng cao chất lượng dạy, học và quản lý của nhà trường.

Khóa học sinh đầu tiên của Đề án tham dự Kỳ thi lấy chứng chỉ AS tháng 6/2019 vừa qua đã đạt kết quả đáng khích lệ. So với kết quả toàn cầu cho thấy, số học sinh đạt điểm A môn Toán đạt 40% (trong khi toàn cầu là hơn 27%); số học sinh đạt điểm A môn Lý đạt 39% (toàn cầu hơn 26%)…

Trường Trung học phổ thông Chu Văn An cũng là trường công lập đầu tiên ở thành phố Hà Nội và Việt Nam được công nhận là trường thành viên của Tổ chức Cambridge, đánh dấu một bước chuyển mình đặc biệt của nhà trường nói riêng, ngành giáo dục Thủ đô và cả nước nói chung trong giai đoạn đổi mới.

Bà Lê Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Nội-Amsterdam, cho biết bên cạnh những thuận lợi khi thực hiện đề án, trường cũng gặp không ít thách thức về xây dựng chương trình, lựa chọn nguồn học liệu, đội ngũ giáo viên khi được giao thí điểm đào tạo song bằng cho học sinh ở cả hai cấp học trung học cơ sở và trung học phổ thông. Tuy nhiên, với quyết tâm cùng sự nỗ lực tối đa của toàn trường, số học sinh đăng ký dự thi song bằng ngày càng tăng, vượt chỉ tiêu so với dự tính, cho thấy uy tín và sự tin tưởng của người dân vào chương trình thí điểm.

Bày tỏ mong muốn thành phố triển khai hệ song bằng tú tài tại nhiều trường trung học phổ thông hơn nữa, bà Lê Kim Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy, cho rằng đề án là cơ hội để ngành giáo dục Thủ đô đổi mới giáo dục theo hướng hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu học tập của một bộ phận học sinh Thủ đô, đồng thời đề nghị thành phố xem xét việc tuyển thẳng đối với các học sinh theo học hệ song bằng có kết quả học tập xuất sắc.

Hà Nội: Chương trình đào tạo song bằng đang đi đúng hướng ảnh 1Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ trao Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho các cá nhân có thành tích trong thực hiện thí điểm chương trình đào tạo song bằng. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ hướng dẫn các trường điều chỉnh kế hoạch dạy học đối với các bộ môn thuộc chương trình giáo dục phổ thông quốc gia Việt Nam theo các chuyên đề ngay từ đầu học kỳ để học sinh có thêm nhiều thời gian học và ôn tập các môn toán-lý-hóa-tiếng Anh-kinh tế ở cả hai chương trình, đồng thời có thêm nhiều thời gian để học sinh có cơ hội thực hành ở phòng thí nghiệm. Ngoài ra, các trường sẽ tổ chức các hoạt động ngoại khóa đặc thù cho chương trình liên quan đến các bộ môn học theo chuẩn Cambridge International.

[Đại học Việt Pháp đào tạo thạc sỹ song bằng với 20 trường đại học]

“Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ xây dựng Kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo các giáo viên đạt chuẩn CAIE (chuẩn của Tổ chức Cambridge) để trở thành nguồn nhân lực đảm nhiệm giảng dạy chính thức trong các năm học tiếp theo, đảm bảo tính ưu việt của các trường công lập của Thủ đô trong nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép triển khai đại trà chương trình đào tạo song bằng đối với các trường phổ thông công lập trên địa bàn Hà Nội sau khi đã kết thúc giai đoạn triển khai thí điểm," ông Chử Xuân Dũng cho biết thêm.

Hiện toàn thành phố Hà Nội có tám trường trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập triển khai chương trình song bằng với 179 học sinh cấp trung học phổ thông và 775 học sinh cấp trung học cơ sở. Quy trình tuyển sinh tại các cấp học được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo công bằng, minh bạch và chất lượng.

Giáo trình thí điểm hệ song bằng được nghiên cứu xây dựng trên cơ sở so sánh tích hợp và tổ hợp hai bộ giáo trình là Chương trình IGCSE/A-level của CAIE và Chương trình THCS/THPT quốc gia theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cho các môn toán, tiếng Anh, khoa học, ICT (MOS), (lớp 6 và lớp 7), toán, vật lý, hóa học, tiếng Anh, ICT (MOS) ở cấp trung học cơ sở, môn kinh doanh hoặc kinh tế cấp trung học phổ thông.

Chương trình song bằng về cơ bản được triển khai thực hiện theo đúng tiến độ. Trên cơ sở chương trình qui định, các giáo viên đã nghiên cứu và có phương pháp giảng dạy phù hợp, giảm tải các nội dung trùng lặp trong chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và chương trình IGCSE, A-level, tăng cường các tiết bài tập, luyện tập khắc sâu kiến thức cho học sinh. Các nội dung học được tập trung giải quyết trên lớp, tránh áp lực cho học sinh làm bài tập về nhà.

Hà Nội: Chương trình đào tạo song bằng đang đi đúng hướng ảnh 2Bà Lê Mai Anh, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Chu Văn An nhận biển chứng nhận mã trường Cambridge VN283 cho trường Trung học phổ thông Chu Văn An. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Các nội dung giảng dạy được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu, trình độ của học sinh, đáp ứng yêu cầu cần thiết để chuẩn bị cho bài thi lấy chứng chỉ A-level. Học sinh được trang bị thêm các kỹ năng viết báo cáo thí nghiệm, nghiên cứu và thực hành.

Các giờ học hướng dẫn, bổ trợ đã được giáo viên và học sinh triển khai hiệu quả, giúp học sinh nắm vững nội dung kiến thức bài học. Nhìn chung, giáo viên dạy các bộ môn chương trình song bằng đến thời điểm hiện nay đều có chung nhận định học sinh khóa học song bằng đầu tiên có thể đạt được chứng chỉ A-level dự kiến vào tháng 11/2019.

Ở cấp trung học cơ sở, 100% giáo viên Cambridge là người nước ngoài (28 giáo viên), cấp trung học phổ thông có năm giáo viên nước ngoài và tám giáo viên Việt Nam. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tại các trường đào tạo song bằng được đầu tư đầy đủ, đáp ứng tiêu chuẩn của đề án. Một số trường tham gia đề án cũng đang tích cực quá trình hoàn thiện các hạng mục theo yêu cầu để được công nhận trường thành viên Cambridge.

Nhân dịp này, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã trao bằng khen cho 11 tập thể và chín cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục