Ngày 9/6, tại buổi họp Giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội thường kỳ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng đã thông tin về kế hoạch đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân Thủ đô trong mùa Hè năm 2020.
Từ cuối năm 2019, năm dự án cấp nguồn nước hoàn thành đã nâng tổng nguồn cấp hiện nay lên trên 1.520.000 m3/ngày đêm, trong khi nhu cầu sử dụng bình quân trên toàn thành phố hiện vào khoảng 1.150.000-1.250.000 m3/ngày đêm.
Do tốc độ phát triển đô thị tăng nhanh, kéo theo số khách hàng đấu nối dự kiến tăng thêm trên 6%, cùng với nhu cầu sử dụng nước vào thời gian cao điểm mùa Hè tăng 5-10%, sản lượng khai thác 1.520.000 m3/ngày đêm sẽ cơ bản đảm bảo đủ nguồn nước sạch cung cấp cho nhân dân trong Hè năm 2020 với tỷ lệ cấp nước đạt 100% và chỉ tiêu khoảng 100-150 lít/người/ngày.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về trường hợp có sự cố hoặc bảo dưỡng sửa chữa đường ống số 1 nước sạch sông Đà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết thêm với việc đưa vào vận hành trạm bơm tăng áp Tây Mỗ có bể chứa 30.000m3/ngày đêm và đấu nối bổ sung nguồn nước mặt sông Đuống với công suất 300.000m3/ngày đêm cho khu vực các quận Hoàng Mai, Thanh Trì, Hà Đông, thời gian cấp nước ổn định trở lại cho người dân khu vực sử dụng nguồn nước mặt sông Đà sẽ được rút ngắn xuống khoảng 1 ngày.
Mặt khác, Nhà máy nước mặt sông Đuống hoàn thành giai đoạn 1 với công suất 300.000m3/ngày đêm đã kịp thời hỗ trợ, bổ sung nguồn cấp cho khu vực các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông khi tuyến nước sạch sông Đà gặp sự cố.
Để đảm bảo cung cấp nước sạch mùa Hè 2020, Sở Xây dựng đã yêu cầu các công ty nước sạch phải rà soát kỹ và xây dựng các giải pháp cụ thể, chi tiết nhằm khắc phục tình trạng khó khăn về nước sạch.
[Chủ tịch Hà Nội: Không có lợi ích nhóm trong dự án nước sông Đuống]
Cùng với các đơn vị cung cấp nước sạch, Sở Xây dựng sẽ tăng cường kiểm soát chất lượng nước nguồn, nước sau xử lý, cập nhật thông tin với Trung tâm quan trắc chất lượng nước của Sở Tài nguyên và Môi trường để quản lý, điều tiết, giám sát hệ thống cấp nước sạch; đồng thời điều tiết nguồn cấp giữa các nhà máy nước tập trung trong trường hợp sự cố, nhu cầu sử dụng tăng cao, đảm bảo cấp nước an toàn.
Về việc thành phố Hà Nội tổ chức xét tuyển toàn bộ giáo viên hợp đồng đã đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 31/12/2015, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết Ủy ban Nhân dân thành phố vừa có Quyết định số 2362/QĐ-UBND phê duyệt chỉ tiêu và ban hành kế hoạch tổ chức xét tuyển vào viên chức các cơ sở giáo dục trực thuộc Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã năm 2020 đối với các trường hợp lao động hợp đồng làm công việc giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập thuộc thành phố Hà Nội từ năm 2015 trở về trước.
Cụ thể, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt chỉ tiêu tuyển dụng vào viên chức các cơ sở giáo dục trực thuộc Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã trên toàn thành phố trong năm 2020 với số chỉ tiêu xét tuyển là 5.349 người. Trong số đó, giáo viên mầm non là 1.789 người, giáo viên tiểu học là 1.864 người, giáo viên trung học cơ sở là 1.696 người.
Kế hoạch tổ chức xét tuyển nêu rõ mục đích tuyển dụng phải đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, đúng cơ cấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục và đào tạo. Bên cạnh đó, việc tuyển dụng viên chức ngành giáo dục cần đảm bảo công khai, khách quan, dân chủ, công bằng và đúng quy định của pháp luật.
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết thêm Sở Nội vụ đã tiến hành rà soát và lập các tổ công tác để kiểm tra, kiểm duyệt hồ sơ, tránh tình trạng nhầm lẫn các đối tượng không phù hợp.
Từ tháng 1 đến cuối tháng 3/2020, qua công tác rà soát, kiểm tra hồ sơ đã xác định được 2.034 trường hợp đủ điều kiện để xét tuyển đặc cách theo 3 cấp học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở).
Ngày 10/6/2020, Sở sẽ triển khai các công việc tiếp theo tới các quận, huyện để chuẩn bị kì thi xét tuyển đối với giáo viên.
Cũng tại buổi họp báo, liên quan đến việc phá dỡ một đoạn Con đường gốm sứ để mở rộng giao thông, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học cho biết dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương-đường Thanh Niên do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư.
Để triển khai theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt, đơn vị thi công phải thực hiện phá dỡ một đoạn tường gốm sứ với chiều dài gần 300m từ nút Khách sạn Thắng Lợi đến ngã ba Xuân Diệu để phục vụ cho việc mở rộng đường đê hiện tại.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội đã họp và lấy ý kiến các sở, ngành liên quan xem xét kỹ lưỡng trong quá trình thẩm định, phê duyệt phương án.
Mặc dù các ngành chức năng nghiên cứu nhiều phương án nhưng vẫn phải phá một đoạn tường gốm sứ, vấn đề này là bất khả kháng.
Ban Quản lý dự án đã báo cáo và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có chủ trương sau khi hoàn thành xây dựng xong tường chắn đê bêtông cốt thép sẽ có kế hoạch gắn tranh gốm sứ lên mặt tường bêtông cốt thép mới, tiếp tục duy trì, phát triển con đường gốm sứ ngày càng đẹp hơn, xứng đáng là một biểu tượng và là nét đẹp văn hóa độc đáo của Thủ đô./.