Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội, để bảo đảm cân đối cung-cầu hàng hóa, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Sở đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa, tổ chức các điểm bán, các chương trình bán hàng phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội còn phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh tổ chức, tham gia các hoạt động kết nối cung-cầu để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm kiếm, khai thác nguồn hàng phục vụ Tết cho nhân dân Thủ đô.
Tính đến hết tháng 11/2020, đã có 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh của thành phố Hà Nội và các tỉnh, hai tổ chức tín dụng đăng ký tham gia kế hoạch bảo đảm hàng hóa phục vụ nhân dân Thủ đô dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
['Khả năng cung ứng hàng hóa của Hà Nội chưa đủ để phục vụ người dân']
Cụ thể, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình 7-22% so với kế hoạch Tết năm 2020, nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân dịp Tết.
Cùng với đó, các doanh nghiệp tiếp tục duy trì, thực hiện phương án bảo đảm sản phẩm thiết yếu đã xây dựng (lượng hàng hóa ký kết tăng 2-3 lần so với ngày thường) để sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19.
Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt khoảng 39.400 tỷ đồng (tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết năm 2020).
Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cũng nhấn mạnh sở sẽ tập trung tuyên truyền, theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên Đán 2021 cũng như tình hình dịch COVID-19 để kịp thời điều tiết cung cầu hàng hóa phục vụ nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng tăng giá đột biến.
Cụ thể, sở sẽ thường xuyên nắm bắt thông tin giá cả, cung cầu hàng hóa các mặt hàng thiết yếu và mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết, theo dõi sát tình hình nhập khẩu, tổng hợp tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp về lượng hàng hóa kinh doanh, giá cả, tình hình cung cầu thị trường trong dịp Tết để kịp thời có giải pháp điều tiết, ổn định thị trường khi xảy ra biến động.
Bên cạnh đó, sở còn xây dựng quy trình nắm bắt thông tin, kịch bản điều tiết cung cầu khi thị trường xảy ra biến động bất thường và kịch bản trong điều kiện COVID-19 bùng phát trở lại trong dịp Tết để đảm bảo đầy đủ hàng hóa phục vụ nhân dân.
Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội còn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội để rà soát, đánh giá xác định cụ thể cung mặt hàng nông sản, nhất là các mặt hàng có nguy cơ mất cân đối cung cầu do dịch bệnh như thịt lợn, thịt bò. Từ đó, đánh giá lượng hàng hóa còn thiếu hoặc có thể xảy ra thiếu để triển khai các giải pháp, phương án khai thác nguồn hàng, đảm bảo nguồn cung mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2021.
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các chương trình, sự kiện lớn để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Cụ thể, sở phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức “Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday” trong tháng 12/2020 trong khuôn khổ chương trình Tháng khuyến mại.
Cùng với đó, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức hội chợ hàng hóa nông sản thực phẩm Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 trong tháng 1/2021 với quy mô dự kiến khoảng 200 gian hàng tiêu chuẩn; dự kiến tổ chức từ 50-60 chợ hoa Xuân phục vụ Tết, 5 phiên chợ Việt, 300 chuyến bán hàng lưu động về khu vực ngoại thành Hà Nội, các khu công nghiệp, khu chế xuất để đáp ứng nhu cầu mua sắm phục vụ Tết của nhân dân; đồng thời hỗ trợ các tỉnh, thành phố tổ chức 5-10 tuần hàng tại Hà Nội./.