Ngày 14/7, Ban Chỉ đạo quản lý, tổ chức bộ máy, biên chế thành phố Hà Nội họp phiên thứ 18 đánh giá kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp.
Tham dự phiên họp có các Phó trưởng Ban Chỉ đạo: Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, Ban Chỉ đạo quản lý, tổ chức bộ máy, biên chế thành phố Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả các nội dung công tác quản lý tổ chức bộ máy, biên chế.
Trong đó, thành phố đã tập trung triển khai sắp xếp người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố và sắp xếp lại các thôn, tổ dân phố không đảm bảo tiêu chuẩn.
Đến nay, toàn thành phố đã có 11 quận, huyện, thị xã và 515/579 xã, phường, thị trấn và 3.520/7.527 thôn, tổ dân phố sắp xếp xong người hoạt động không chuyên trách. Toàn thành phố cũng giảm được 2.708 thôn, tổ dân phố sau sắp xếp.
Ban Thường vụ Thành ủy cũng phê duyệt, ban hành Đề án 32-ĐA/TU ngày 19/6/2020 về sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố.
Thực hiện các nội dung tại phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo, Ủy ban Nhân dân thành phố đã chỉ đạo Sở Nội vụ hoàn thiện Đề án “Thí điểm thi tuyển chức danh trưởng phòng, chi cục trưởng, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố” để trình Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo thực hiện.
Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân thành phố đã thống nhất phương án sắp xếp 2 chi cục và 2 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; xin ý kiến Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về phương án sắp xếp các trường cao đẳng, trung cấp (từ 21 xuống 10, giảm 11 trường) và các cơ sở bảo trợ xã hội (từ 12 cơ sở còn 5 cơ sở)...
Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch 171-KH/TU về thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết: Đảng đoàn Hội đồng Nhân dân thành phố đã chỉ đạo, cơ bản hoàn thành 2/3 nội dung.
Về phương án tổ chức mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng cấp huyện, Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà báo cáo, tính đến 10/8/2020, sẽ kết thúc 2 năm thí điểm theo Quyết định 26/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Sở Nội vụ đã phối hợp với Sở Xây dựng để tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thí điểm và xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương về mô hình tổ chức Đội Quản lý trật tự xây dựng cấp huyện.
Kết quả thực hiện cho thấy, các quận, huyện, thị xã đã xây dựng cơ chế phối hợp, có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban Kiểm tra các cấp nên đã phát huy hiệu quả, rõ trách nhiệm, kết quả quản lý trật tự xây dựng tại các quận, huyện, thị xã tốt hơn.
Trên cơ sở đó, liên Sở Nội vụ và Sở Xây dựng đã có tờ trình, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố xin ý kiến Ban Chỉ đạo, trình Chính phủ tiếp tục thực hiện mô hình thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng cấp huyện như hiện nay, thời gian thí điểm 3 năm, kể từ ngày 10/8/2020.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá, trong 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ quản lý, tinh giản tổ chức bộ máy, biên chế được triển khai đồng bộ ở cả khối đảng, đoàn thể; khối chính quyền và Hội đồng Nhân dân.
[Đề xuất giải pháp sát thực tiễn, có tính đột phá để phát triển Thủ đô]
Cho ý kiến về một số nội dung cụ thể, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thống nhất việc tiếp tục thí điểm Đội quản lý trật tự xây dựng và Trung tâm y tế trực thuộc Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã, song cần có quy chế phối hợp giữa các sở chuyên ngành với Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã.
Đồng chí cũng đề nghị Ban Tổ chức Thành ủy sớm tham mưu, xây dựng Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, việc thí điểm mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng cấp huyện đã cho thấy hiệu quả, nhất là đã ràng buộc trách nhiệm đối với Ủy ban Nhân dân cấp huyện, cấp xã, giúp giảm đáng kể tỷ lệ vi phạm trật tự xây dựng. Do đó, rất cần thiết phải tiếp tục thí điểm thêm 3 năm để đánh giá hiệu quả cụ thể.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết thêm, trong tháng 7 này, 9 sở sẽ chuyển về làm việc tập trung tại Khu liên cơ quan thành phố; tại đây sẽ bố trí bộ phận “một cửa” tiếp nhận và trả hồ sơ hành chính chung cho các sở. Ngoài ra, thành phố cũng đang triển khai nghiên cứu, xây dựng một số trung tâm phục vụ công tác quản lý, điều hành của Thành phố.
Phát biểu kết luận phiên họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, song Ban Chỉ đạo đã lãnh đạo tập trung, chỉ đạo quyết liệt, gắn thực hiện việc quản lý, tổ chức bộ máy, biên chế với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; tiến độ và chất lượng công việc đáp ứng yêu cầu.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá cao kết quả sắp xếp các thôn, tổ dân phố và bố trí kiêm nhiệm người hoạt động không chuyên trách. Cùng với các hình thức tôn vinh, Hội đồng Nhân dân thành phố đã thông qua Nghị quyết về mức hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, cấp thôn nghỉ công tác do sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm, điều này thể hiện tính nhân văn và sự quan tâm của thành phố.
Về những nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Ban Chỉ đạo bám sát các nội dung, nhiệm vụ công tác cả năm để có điều chỉnh, bổ sung phù hợp.
Trong đó, Ban Chỉ đạo cần tiếp tục làm tốt hơn công tác truyền thông về thực hiện các Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là Luật Công chức và Luật Viên chức để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cán bộ, công chức và người dân.
Trong quá trình triển khai, cần quán triệt và thực hiện đúng đường lối, quan điểm của Đảng, nhất là về tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập để đảm bảo sự công bằng.
Đồng chí Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung hoàn thành việc sắp xếp các trường cao đẳng, trung cấp và các cơ sở bảo trợ xã hội; 2 chi cục và 2 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; xây dựng mô hình tổ chức Trung tâm điều hành thông minh thành phố; trước mắt, tập trung thực hiện chức năng điều hành giao thông thông minh…
Đặc biệt, các đơn vị hoàn thành việc xét tuyển đối với giáo viên hợp đồng có đóng Bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước theo chỉ đạo của thành phố và Bộ Nội vụ, đảm bảo cơ bản tuyển hết những trường hợp đủ điều kiện.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng giao Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả 2 năm thí điểm mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng cấp huyện, báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội để báo cáo Chính phủ tiếp tục cho phép thực hiện thí điểm mô hình này tại Thủ đô./.