Hà Nội sẽ tăng cường sàng lọc để giảm tỷ lệ mất cân bằng dân số

Do cơ cấu dân số trẻ nên hàng năm số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ vẫn ở mức cao làm tăng số sinh của thành phố, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức cao.
Hà Nội sẽ tăng cường sàng lọc để giảm tỷ lệ mất cân bằng dân số ảnh 1Hoạt động míttinh hưởng ứng ngày dân số thế giới. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hưởng ứng ngày dân số thế giới, 11/7, Hà Nội đặt mục tiêu thời gian tới triển khai có hiệu quả đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh; giảm trẻ em suy dinh dưỡng, béo phì; phát triển tầm vóc, thể lực; quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đặc biệt là người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn để giảm tỷ lệ mất cân bằng dân số.

[Có hơn 570.300 trẻ em được sinh ra trong 6 tháng đầu năm]

Phát biểu tại Lễ Míttinh kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới 11/7, do Sở Y tế Hà Nội phối hợp Ủy ban Nhân dân huyện Quốc Oai tổ chức ngày 8/7, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Ban Chỉ đạo công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình của thành phố nhấn mạnh hiện công tác dân số ở Thủ đô vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức. Do cơ cấu dân số trẻ nên hàng năm số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ vẫn ở mức cao làm tăng số sinh của thành phố, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức cao.

Riêng năm 2019 vừa qua, số trường hợp sinh con thứ 3 trở lên đạt tỷ lệ 6,5% giảm 0,1% so với năm 2018. Tỷ số giới tính khi sinh là 113 trẻ trai/100 trẻ gái.

Chính vì vậy, ông Hạnh cho biết ngành y tế Thủ đô cũng tiếp tục phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số kế hoạch hóa gia đình, đáp ứng nhu cầu của người dân, đảm bảo bảo vệ quyền và sức khỏe của phụ nữ và trẻ em gái.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dân số-kế hoạch hóa gia đình, đại dịch COVID-19 đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới tất cả mọi người, các cộng đồng và các quốc gia trên thế giới.

Theo nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, nếu các quốc gia tiếp tục áp dụng lệnh cách ly xã hội trong vòng sáu tháng tới và các dịch vụ y tế vẫn bị gián đoạn thì 47 triệu phụ nữ ở các quốc gia thu nhập thấp, trung bình sẽ không thể tiếp cận với các phương pháp phòng tránh thai hiện đại. Hệ quả, sẽ có khoảng 7 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn và dự kiến có thêm khoảng 31 triệu vụ bạo lực trên cơ sở giới.

Không chỉ vậy, tỷ lệ phụ nữ phải làm việc trong thị trường lao động thiếu an toàn cao hơn và phải chịu ảnh hưởng về kinh tế nặng nề hơn từ đại dịch COVID-19. Gần 60% phụ nữ trên thế giới làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói cao hơn.

Theo bà Lan, đại dịch COVID-19 đang tác động nghiêm trọng tới những cộng đồng chịu thiệt thòi, làm trầm trọng thêm trình trạng bất bình đẳng và cản trở những nỗ lực nhằm giúp không ai bị bỏ lại phía sau.

Đứng trước những vấn đề đó, Ngày Dân số Thế giới 11/7 năm nay Quỹ Dân số Liên hợp quốc đã lựa chọn chủ đề “Đẩy lùi COVID-19: Cách thức bảo vệ quyền và sức khỏe của phụ nữ, trẻ em gái trong bối cảnh hiện tại,” nhằm nâng cao nhận thức về nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục cũng như tính dễ bị tổn thương của phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh đại dịch./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục