Dù mang tính đặc thù cao, thu hút đông người tham gia, song nhiều năm nay, du lịch tâm linh dường như ít được đề cập trong chiến lược, kế hoạch phát triển du lịch.
Nếu nhìn vào lượng khách đi tham quan, trảy hội những dịp đầu năm, đặc biệt ở những lễ hội lớn và di tích lớn, mới thấy loại hình này rất nhiều tiềm năng phát triển.
Với Hà Nội, địa phương sở hữu tới 5.922 di tích và 1.206 lễ hội truyền thống, đây là dư địa hấp dẫn để du lịch tâm linh phát triển.
Tuy vậy, để khai thác loại hình này xứng với tiềm năng và lợi thế, thành phố cần có giải pháp gỡ bỏ tính mùa vụ, giúp thu hút khách quanh năm.
Những điểm đến đầy tiềm năng
Nhìn lại nhu cầu tham quan, chiêm bái đền, chùa, lễ hội đầu Xuân năm nay của người dân tại Hà Nội mới thấy rõ hơn tiềm năng của loại hình du lịch tâm linh.
Khắp các đền, chùa từ nội thành đến ngoại thành Hà Nội như Chùa Trấn Quốc, Phủ Tây Hồ, Tứ trấn Thăng Long, Chùa Quán Sứ, Phúc Khánh, Trăm Gian, Chùa Thầy… đến các lễ hội Chùa Hương, Đền Sóc, Đền Hai Bà Trưng, Cổ Loa… đều thu hút đông đảo du khách.
Đặc biệt trong những ngày đầu năm, tại những điểm tâm linh nổi tiếng luôn chật kín người đến tham quan, chiêm bái.
Chỉ tính riêng dịp Tết Nguyên đán (từ ngày 8-14/2), Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn đón 80.600 lượt khách; Di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám đón hơn 106.000 lượt khách; Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long đón hơn 48.700 lượt khách; Khu Di tích Cổ Loa đón 25.000 lượt khách; Chùa Tây Phương đón trên 32.000 lượt khách…
Nhu cầu du Xuân đi lễ đền, chùa, trảy hội tiếp tục sôi động đến hết tháng Giêng và kéo dài đến cuối tháng Hai đầu tháng Ba Âm lịch. Bởi vậy, những ngày nghỉ cuối tháng Giêng, chùa Hương vẫn đón hàng vạn du khách mỗi ngày, xảy ra tình trạng nghẽn cục bộ ở một số ngả đường lên chùa, động.
Tín ngưỡng tâm linh là nhu cầu của người dân và nhu cầu này được cho là tương đối lớn. Đầu năm thường là dịp nhiều người vừa đi lễ cầu mong may mắn, bình an, vừa đi du Xuân.
Đây là thời điểm để ngành Du lịch đẩy mạnh loại hình du lịch tâm linh, thu hút khách. Các doanh nghiệp du lịch tăng cơ hội tổ chức các dịch vụ du lịch; các điểm đến tâm linh tăng cơ hội hút khách.
Trưởng Tiểu ban Quản lý Di tích Phủ Tây Hồ Trương Tín Hồi cho biết Phủ vốn là điểm tâm linh nổi tiếng thu hút không chỉ người dân Hà Nội mà cả người các tỉnh, thành phố khác đến lễ.
Phủ Tây Hồ đông quanh năm nhưng tập trung nhiều nhất là dịp đầu năm và dịp tiết lễ tháng Ba, tháng Bảy hoặc cuối năm.
Cùng những cơ hội thúc đẩy loại hình du lịch tâm linh phát triển, việc thu hút khách tham quan, chiêm bái đền, chùa, lễ hội dịp đầu năm còn tăng khả năng phát huy giá trị di sản.
Dù vậy, trong quá trình khai thác phát triển du lịch, các đơn vị quản lý di sản cần tính đến việc hài hòa giữa du lịch tâm linh và bảo tồn di sản để tạo sự bền vững, bởi khi lượng người đến tham quan, chiêm bái đông sẽ dễ làm ảnh hưởng đến sự nguyên vẹn của di sản và không gian di sản.
Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện nghiên cứu Văn hóa Thăng Long cho rằng bất kỳ việc khai thác di sản cho phát triển kinh tế-xã hội nào đều có khả năng bị ảnh hưởng đến di sản.
Bởi vậy, việc bảo tồn gắn với phát huy giá trị di sản luôn có sự cân bằng và quan tâm đặc biệt, nhất là ở các di tích lớn, thu hút hàng vạn lượng khách mỗi dịp lễ, nếu không có giải pháp hiệu quả, di sản sẽ bị tác động trở lại.
Không chỉ mùa vụ đầu Xuân
Mùa lễ hội diễn ra vào đầu năm, nhu cầu đi lễ của người dân thường diễn ra đầu năm, vì vậy nhu cầu du lịch tâm linh tăng cao vào thời điểm này là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, nhu cầu tham quan di tích kết hợp chiêm bái có thể kéo dài suốt trong năm khi ngành Du lịch tổ chức các tour, tuyến hợp lý và có giải pháp kích thích khả năng đi du lịch tâm linh của du khách.
Nhiều năm nay, một số công ty du lịch tổ chức các tour du lịch tâm linh thường xuyên như tour thăm Nghĩa trang Hàng Dương và viếng mộ chị Võ Thị Sáu (Côn Đảo), tham quan Chùa Tam Chúc (Hà Nam), Chùa Bái Đính (Ninh Bình)… Với du lịch nước ngoài có thể là tour hành hương về đất Phật Myanmar, Ấn Độ.
Nhưng thực tế, các tour này chưa được đẩy mạnh, lượng khách thu hút chưa nhiều.
Với một tiềm năng và lợi thế không nhiều địa phương có được, du lịch tâm linh đang mở ra nhiều cơ hội cho ngành Du lịch Thủ đô và việc phát triển loại hình này không chỉ dừng ở mùa vụ đầu năm.
Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho biết số lượng khách tham gia du lịch tâm linh chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu khách du lịch.
Điều đó cho thấy du lịch tâm linh ngày càng giữ vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Nếu khai thác tốt, du lịch tâm linh còn mang đến nhiều lợi ích, không chỉ thu hút khách nội địa, mà còn là sản phẩm để thu hút khách quốc tế.
Ban Quản lý các điểm du lịch tâm linh tại Hà Nội, nhất là những điểm có tính đặc trưng cao cũng đang trăn trở tìm cách hút khách trong những mùa thấp điểm.
Khu Di tích Đền Sóc (huyện Sóc Sơn) dù vẫn là lựa chọn của du khách trong năm, nhất là khách đoàn tham quan, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử (khoảng 700.000-800.000 khách/năm) song vẫn chưa xứng với tiềm năng, lợi thế. Nhất là quanh khu vực đền Sóc có rất nhiều di tích, danh thắng, điểm đến tham quan khác, có khả năng kết nối với nhau thành chuỗi.
Ông Đào Anh Tú, Giám đốc Trung tâm Quản lý Khu Du lịch-Di tích Đền Sóc (huyện Sóc Sơn) cho biết để thu hút khách đến Đền Sóc nhiều hơn, trải đều trong cả năm, Trung tâm đang tập trung quảng bá hình ảnh, tạo điểm check-in cho du khách trong khuôn viên di tích, kết nối xây dựng tour với các điểm du lịch xung quanh theo nhu cầu của khách, phối hợp với ngành Giáo dục để đưa học sinh đến trải nghiệm theo chương trình giáo dục di sản.
Trung tâm cũng bổ sung một số huyền tích liên quan đến Thánh Gióng, cụ thể dịch nội dung các bia đá cổ tạo thêm sự linh thiêng thu hút du khách…
Cụm di tích Đền Hạ-Đền Trung-Đền Thượng là điểm tâm linh nổi tiếng của Hà Nội. Chỉ tính đến Rằm tháng Giêng, năm Giáp Thìn 2024, cụm di tích này thu hút trên 100.000 khách đến tham quan, chiêm bái.
Trong mùa Xuân, đền Thượng thu hút 3.000-5.000 người mỗi ngày, cuối tuần trên 5.000 người/ngày.
Một yếu tố thuận lợi khiến lượng khách đến lễ Thánh không chỉ tập trung vào đầu năm mà còn đến nhiều tháng khác trong năm là do cụm di tích liên quan đến Vườn Quốc gia Ba Vì.
Khách tham quan Vườn Quốc gia có thể lên chiêm bái đền Thượng rất thuận lợi. Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Ba Vì Lê Khắc Nhu cho biết huyện xác định cụm di tích Đền Hạ-Đền Trung-Đền Thượng là 3 trong 10 điểm đến của huyện, công tác tu bổ, tôn tạo luôn được ưu tiên.
Năm nay, Ba Vì sẽ tiến hành chuyển đổi số cho lĩnh vực du lịch, có định hướng kế hoạch cho các đền như tổ chức các khóa lễ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, đề xuất với Vườn Quốc gia Ba Vì phối hợp tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao… để thu hút khách.
Tuy nhiên, để thúc đẩy được loại hình du lịch tâm linh phát triển, không chỉ tự thân mỗi đơn vị quản lý di sản mà cần sự liên kết, phối hợp với các bên liên quan như lữ hành, cơ quan chức năng.
Có như thế, dòng sản phẩm du lịch văn hóa rất hấp dẫn và đặc trưng của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng mới có cơ hội phát triển tốt hơn./.
Để nét đẹp văn hóa tâm linh của lễ hội chùa Hương không bị mai một
Đến với chùa Hương, du khách không chỉ đến để cầu an cho năm mới mà còn được ngồi thuyền để vãn cảnh sông núi thanh bình với động Hương Tích, chùa Thiên Trù... xen lẫn với rừng núi, hoa lá cỏ cây.