Nhân dịp Tết cổ truyền của một số nước châu Á, tối 26/4, tại Khách sạn Thắng Lợi, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội cùng chủ trì với Đại sứ quán Lào - nước Chủ tịch ASEAN 2024, Chủ tịch AIPA 45; phối hợp với Đại sứ quán các nước Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ, Bangladesh và Sri Lanka tổ chức chương trình Giao lưu hữu nghị chúc mừng Tết cổ truyền một số nước châu Á.
Chương trình có sự tham dự của Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Minh Tâm, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Ngọc Hùng và hơn 250 đại biểu đến từ các Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế; đại biểu một số bộ, ban, ngành Trung ương; Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố và các Hội hữu nghị, tổ chức thành viên của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội...
Thừa ủy nhiệm của lãnh đạo thành phố, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Kỳ gửi tới bạn bè các nước những tình cảm thân thương, nồng thắm nhất và lời chúc một năm mới an khang, thịnh vượng.
Ông hy vọng bằng sự chia sẻ chân thành, tình hữu nghị thân ái, thông qua những hoạt động hòa bình, hữu nghị được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội tổ chức thường xuyên, sẽ tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam, nhân dân Thủ đô Hà Nội với nhân dân các nước trên thế giới và nhân dân các nước châu Á.
Cảm ơn Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội đã tổ chức hoạt động ý nghĩa, Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh nhấn mạnh chương trình giao lưu đã tạo cơ hội cho người dân Việt Nam, người dân Thủ đô Hà Nội và bạn bè quốc tế hiểu biết sâu sắc hơn về Lễ hội truyền thống tốt đẹp của mỗi nước đã có từ lâu đời.
Tại chương trình, Đại sứ Khamphao Ernthavanh đã giới thiệu tới các đại biểu về lễ hội Bunpimay truyền thống của Lào với ý nghĩa xua đi những điều không tốt, không lành và chúc tụng, cầu mong cho nhau một năm mới có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, cây cối đâm chồi, nảy lộc, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu và cầu mong cho đất nước thanh bình, thịnh vượng.
Trong không khí giao lưu thân mật, ấm áp tình hữu nghị, các đại biểu cùng tham gia các nghi lễ truyền thống như Lễ tắm tượng Phật, té nước cầu may, lễ buộc chỉ cổ tay, lễ hội Holi; thưởng thức các tiết mục nghệ thuật đặc sắc do các nghệ sỹ Việt Nam cùng cán bộ các Đại sứ quán và lưu học sinh của các nước biểu diễn.
Những nghi lễ, tiết mục mang đậm màu sắc văn hóa cổ truyền của mỗi nước trong chương trình góp phần giúp bạn bè quốc tế được sống trong không khí của ngày Tết cổ truyền như đang ở trên quê hương mình./.
Phong tục đón Tết cổ truyền của các nước châu Á
Mỗi nước có những phong tục, tập quán cổ truyền thú vị khác nhau, song tựu chung lại Tết cổ truyền vẫn là dịp gia đình sum họp, tỏ lòng kính trọng với các bậc tổ tiên, ước nguyện năm mới bình an.