Sau hơn một tháng 12 quận nội thành giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn thành phố, tình hình trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa bền vững, nhiều điểm đã xử lý nhưng không duy trì được, tái diễn tình trạng lấn chiếm, đặc biệt là tại các địa bàn giáp ranh. Trước thực trạng này, các quận, phường đã tăng cường phối hợp và thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm để cải thiện bộ mặt đô thị trong thời gian tới.
Nhận diện các “điểm nóng” vi phạm
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, các quận nội thành có những vùng giáp ranh trở thành tụ điểm vi phạm về trật tự đô thị.
Đơn cử như tại quận Đống Đa, tuyến phố Nguyễn Văn Tuyết và Khương Thượng thuộc khu vực giáp ranh địa giới hành chính của hai phường Trung Liệt và Ngã Tư Sở. Tuyến phố Trần Quang Diệu, Đặng Tiến Đông, các kiốt HTX Thái Hà và khu vực chợ Thái Hà thuộc khu vực giáp ranh địa giới hành chính của ba phường Trung Liệt, Quang Trung và Ô Chợ Dừa. Tại các khu vực này thường xuyên xảy ra tình trạng người dân, các hộ kinh doanh, người bán hàng rong lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán.
Ban chỉ đạo 197 của 4 phường đã thường xuyên chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Tuy nhiên do đặc thù vị trí nằm giáp ranh địa giới hành chính nên việc duy trì triệt để là rất khó khăn.
Tương tự, khu vực Cầu Mới - đường Nguyễn Trãi và cầu Giáp Nhất (cầu nối từ đường Láng sang phố Giáp Nhất) thuộc khu vực giáp ranh địa giới hành chính của ba phường: Thượng Đình, Thịnh Quang thuộc quận Thanh Xuân và Ngã Tư Sở thuộc quận Đống Đa cũng là khu vực phức tạp do giáp ranh giữa các phường của hai quận khác nhau. Hàng ngày, tại các khu vực Cầu Mới - đường Nguyễn Trãi và cầu Giáp Nhất thường xuyên xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để họp chợ, bán hàng rong (rau, hoa quả, cá, thịt..) gây mất an toàn giao thông, mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.
Mặc dù Ban chỉ đạo 197 của ba phường đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm trong tháng 3/2023 tại khu vực cầu Mới, cầu Giáp Nhất và vùng phụ cận, song tình trạng này vẫn tiếp diễn do người dân "chạy" từ quận này qua quận kế bên.
Trong khi đó, quận Hoàn Kiếm cũng có khu vực phức tạp về lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại vùng giáp ranh giữa ba phường Lý Thái Tổ, Hàng Bạc và Tràng Tiền. Theo chia sẻ của cảnh sát trật tự phường Lý Thái Tổ-đại úy Nguyễn Văn Đăng, các khu vực tiếp giáp giữa hai phường là nơi thường xuyên xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Khi gặp lực lượng chức năng đi tuần tra và xử lý, người vi phạm thường quay đầu để di chuyển sang phường bên cạnh...
Vì vậy, để giải quyết vướng mắc tại các địa bàn đặc thù nêu trên cần có sự nhất quán về kiểm tra, xử lý vi phạm giữa các phường, quận tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm.”
Tăng cường phối hợp liên ngành
Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân phường Trung Liệt (Đống Đa, Hà Nội) Nguyễn Thao Hùng cho biết Ban chỉ đạo 197 của 4 phường đã thống nhất xây dựng kế hoạch liên tịch giữa các phường để đảm bảo trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường tại các tuyến phố giáp ranh trên địa bàn. Theo đó, các lực lượng chức năng của bốn phường nâng cao sự phối hợp, hiệp đồng có hiệu quả trong công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm, giải tỏa triệt để việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để họp chợ, bán hàng, dừng đỗ xe tại các tuyến phố.
Cùng với việc ra quân, Ban chỉ đạo 197 của bốn phường cũng đẩy mạnh công tác phát thanh tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh phường nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, các nghị định của Chính phủ, quyết định của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội về giữ gìn trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị của nhân dân và các tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Chính quyền địa phương tích cực vận động, tuyên truyền các hộ gia đình, hộ kinh doanh trên tuyến phố Trần Quang Diệu, Đặng Tiến Đông, các kiốt HTX Thái Hà và khu vực Chợ Thái Hà giữ gìn trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị và chỉnh trang các công trình công cộng tạo cảnh quan môi trường “sáng, xanh, sạch, đẹp.”
Tương tự, tại địa bàn giáp ranh giữa hai quận Đống Đa và Thanh Xuân Ban chỉ đạo 197 của ba phường Thượng Đình, Thịnh Quang, Ngã Tư Sở cũng thống nhất xây dựng kế hoạch liên tịch để đảm bảo trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường tại khu vực Cầu Mới-đường Nguyễn Trãi và vùng phụ cận.
Công an ba phường lập sổ riêng để ghi chép hàng ngày trong suốt quá trình phối hợp quản lý đồng thời cử cán bộ đầu mối kịp thời thông tin, trao đổi xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện. Tiếp đó, các lực lượng công an, tự quản, bảo vệ dân phố, dân phòng, các ban, ngành, đoàn thể ra quân tuyên truyền, chấn chỉnh và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường.
Việc phối hợp giữa ba phường làm tăng thêm sức mạnh, đảm bảo công tác tuần tra địa bàn, giải quyết trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trong thời gian cao điểm, từ đó thực hiện hiệu quả chỉ đạo của thành phố trong việc "giành lại vỉa hè cho người đi bộ".
Tại quận Hoàn Kiếm, các lực lượng chức năng tại ba phường Lý Thái Tổ, Hàng Bạc và Tràng Tiền cũng tăng cường phối hợp ra quân đồng loạt đặt biệt vào dịp cuối tuần khi tổ chức phố đi bộ; thường xuyên tuần tra, nhắc nhở và xử lý tại ngã ba Lò Sũ-Đinh Tiên Hoàng với trường hợp bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè, lòng đường và gây ảnh hưởng đến giao thông...
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng trong hội nghị giao ban giữa thường trực thành ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân thành phố với lãnh đạo quận, huyện, thị xã quý I/2023 nêu rõ: "Lòng đường, vỉa hè thực tế là gắn với sinh kế của người dân, phần nào đó là kinh tế đô thị. Tôi đề nghị các ngành chứng năng phải suy nghĩ các giải pháp căn cơ, bài bản, không làm theo kiểu 'bắt cóc bỏ đĩa'."
Theo đó, ông Dũng chỉ đạo giải pháp đầu tiên phải quan tâm thực hiện ngay là lập quy hoạch thiết kế đô thị quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường từng tuyến phố, tuyến đường, có tính tới các yếu tố thực tiễn trước mắt và lâu dài, phù hợp với đặc điểm của từng khu vực, từng địa bàn cụ thể như khu phố cổ, phố cũ và mới; nghiên cứu áp dụng các mô hình quản lý của các nước phát triển như cho phép kinh doanh vỉa hè (có thể tính cả giải pháp cho thuê thu phí theo giờ...), bố trí chỗ đỗ xe ở lòng đường ở những nơi phù hợp..., trên cơ sở đó, công bố công khai quy hoạch để lấy ý kiến người dân.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử VietnamPlus, người dân rất hoan nghênh phương án đề xuất cho thuê vỉa hè để làm nơi buôn bán trong khuôn khổ quy định phù hợp với từng địa bàn.
Bà Trần Thị Vân 65 tuổi tại phố Đinh Tiên Hoàng, phường Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) phấn khởi chia sẻ: “Chúng tôi hết độ tuổi lao động nên bán nước tại vỉa hè, nếu vỉa hè rộng tôi hoàn toàn ủng hộ việc thuê một phần vỉa hè theo giờ để bán quán nước.”
Gần đó, gia đình chị Nguyễn Thị Thu mấy miệng ăn trông chờ vào quán phở, khi quán đông khách quá đành phải kê bàn ra vỉa hè. Chị cho biết: “Biết là sai nhưng nếu không kê thêm bàn ra bên ngoài mà từ chối tiếp khách thì sợ mất khách nên tôi hoàn toàn đồng ý nếu có chủ trương cho thuê vỉa hè để kinh doanh theo khung giờ.”
Song song với việc xử lý vi phạm, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội cũng nghiên cứu để tìm giải pháp hợp tình, hợp lý trong quản lý trật tự đô thị với đời sống nhân dân./.