Hà Nội: Hàng hóa dồi dào, giá ổn định trong ngày đầu giãn cách xã hội

Ghi nhận tại các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện ích... tại Hà Nội, người dân mua sắm có đông hơn nhưng hàng hóa cũng rất dồi dào và giá cả bình ổn, không có tình trạng khan hàng, thổi giá.
Sạp bán thịt lợn tại chợ Hôm-Đức Viên đầy áp hàng hóa. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)
Sạp bán thịt lợn tại chợ Hôm-Đức Viên đầy áp hàng hóa. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Sau khi Thành phố Hà Nội ban hành chỉ thị số 17/CT-UBND giãn cách xã hội trên địa bàn Thủ đô trong vòng 15 ngày để phòng, chống dịch COVID-19, sáng 24/7, ghi nhận tại các chợ truyền thống, siêu thị... lượng hàng hóa, thực phẩm vẫn dồi dào và giá cả ổn định, không có tình trạng khan hàng cũng như hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ.

Hàng hóa tại chợ và siêu thị bình ổn, dồi dào

Vào thời điểm 7 giờ sáng nay, tại một số chợ lớn ở các quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai như Vĩnh Tuy, chợ Hôm, chợ đầu mối phía Nam… thực phẩm tương đối dồi dào, ổn định, giá các mặt hàng thiết yếu không có nhiều biến động.

Cụ thể, tại chợ Vĩnh Tuy,  giá thịt lợn dao động từ 120 nghìn đến 180 nghìn đồng/kg, thịt ba chỉ có giá 140 nghìn đồng/kg, thịt thăn giá 140 nghìn đồng/kg, nạc vai giòn giá 150 nghìn đồng/kg, sườn nạc vai 140 nghìn đồng/kg, chân giò 130 nghìn đồng/kg, sườn nạc thăn giá 170 nghìn đồng/kg...

Không chỉ thịt, giá cả các loại thủy sản, gia cầm hay trứng cũng giữ ở mức ổn định với ngày thường: Giá bán cá dao động từ 60 nghìn-140 nghìn đồng/kg, thịt gà từ 80 nghìn-140 nghìn đồng/kg, trứng gà, vịt từ 2.000-3.000 đồng/quả.

Tại một số chợ, mặt hàng nông sản giá cũng không có biến động: Bí xanh có giá 25 nghìn đồng/kg, su su 15 nghìn đồng/kg, bắp cải từ 12-15.000 đồng/kg, cà chua 18-20 nghìn đồng/kg, cải chip từ 15.000-18.000 đồng/kg, hành, mùi 25 nghìn đồng/kg…

Theo chị Nguyễn Thị Lành, tiểu thương tại chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng), giá thịt lợn trong ngày đầu giãn cách hầu như không biến động so với thời điểm đầu tuần.

“Giá cả thực phẩm tại chợ đều được niêm yết bởi ban quản lý chợ nên không có tình trạng thổi giá, găm hàng; số lượng luôn dồi dào, đầy đủ,” chị Lành cho hay.

Người dân trong buổi sáng hôm nay cũng đi chợ mua đồ như thường ngày và không còn tình trạng đổ xô tích trữ. Anh Tuấn (phố Bà Triệu) cho biết: “Nắm thông tin Hà Nội giãn cách xã hội từ sáng nhưng tôi cũng không hoang mang đi tích trữ thức ăn mà mua đủ dùng ăn trong ngày cho thức ăn luôn tươi mới.”

Đồng quan điểm, chị Quỳnh Thư (phố Hồng Mai) cho hay: “Hàng hóa, thực phẩm tại Hà Nội hiện nay rất nhiều và đầy đủ, chúng ta chỉ nên mua đủ đồ dùng trong ngày. Hiện nay thành phố đang trong thời gian cách ly xã hội, người dân không nên ra ngoài đường.”

Doanh nghiệp chủ động cung ứng hàng hóa

Mặc dù công văn của Hà Nội về việc giãn cách xã hội trên toàn thành phố khá gấp gáp, tuy nhiên sáng tại các điểm siêu thị hay chợ cũng không có hiện tượng người dân đổ xô đi tích trữ hàng hóa. Tại siêu thị Vinmart Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng), lượng khách hàng khá nhộn nhịp. Tương tự tại siêu thị MM Mega Market Tam Trinh, cửa hàng Big C Thăng Long,… dù hàng hóa được tiêu tụ với số lượng lớn nhưng đã được bổ sung lại ngay lập tức trên các khay, kệ hàng.

Hà Nội: Hàng hóa dồi dào, giá ổn định trong ngày đầu giãn cách xã hội ảnh 1Hàng hóa, thực phẩm dồi dào tại các siêu thị. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Đại diện Big C cho biết nhằm đáp ứng đầy đủ hàng hóa, giúp người dân yên tâm chống dịch, hệ thống siêu thị này đã nâng cao trữ lượng hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm, khẩu trang, nước sát khuẩn để sẵn sàng phục vụ khách hàng. Đối với hàng thực phẩm khô, Big C dự trữ tăng 30-50% với thông thường, đặc biệt có thể lên 100% với một số mặt hàng có nhu cầu cao; hàng tươi sống, Big C đã làm việc với các nhà cung cấp về kế hoạch giao hàng hằng ngày với lượng tăng lên 200-300% so với thông thường.

[Infographics] Hà Nội đảm bảo cung ứng hàng hóa trong mọi tình huống

Còn với Vinmart, đại hiện hệ thống siêu thị này thông tin hiện nay doanh nghiệp có 4 kho hàng, các kho hàng đều vận chuyển hàng hóa xuyên đêm để đưa hàng hóa về các siêu thị lớn. Trong đó, riêng kho ở Bắc Ninh, hàng hóa vận chuyển về tới Hà Nội chỉ mất khoảng 2 tiếng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chủ động, liên tục làm việc với các nhà cung ứng như Masan, Meatdeli để lên kế hoạch sản xuất đảm bảo không để tình trạng trống kệ hàng.

Cần siết chặt phòng chống dịch

Nắm được tinh thần phòng “chống dịch như chống giặc,” nhiều chợ, siêu thị đã thực hiện nghiêm theo các quy định của Chính phủ. Ngoài việc đo thân nhiệt cho khách hàng đến mua sắm, siêu thị còn phân luồng lối đi cho khách hàng, kẻ vạch giãn cách ở các khu vực thu ngân, bàn cân… Ngoài ra, nhân viên siêu thị cũng thường xuyên đọc loa nhắc nhở, khuyến cáo người dân thực hiện đúng việc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi mua sắm.

Ông Nguyễn Anh Quân, Phó ban quản lý chợ Hôm-Đức Viên, cho biết  ngay từ sáng nay, ban quản lý chợ đã thắt chặt việc đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch khi ra vào chợ của người dân cũng như tiểu thương.

"Chúng tôi cũng yêu cầu các chủ hộ kinh doanh tại đây phải tuân thủ theo các biện pháp 5K. Ngoài ra, ngay từ đầu cổng chợ vào đã có lực lượng chốt chặn và yêu cầu người dân khai báo y tế cũng như chỉ mua đồ thiết yếu," ông Quân nói.

Hà Nội: Hàng hóa dồi dào, giá ổn định trong ngày đầu giãn cách xã hội ảnh 2Vẫn nhiều người đi chợ tại thời điểm 7 giờ 30 phút khu vực chợ Nguyễn Công Trứ.

Tuy nhiên, bên cạnh việc đa số nơi thực hiện tốt quy định thì tại một số nơi người dân vẫn chưa tuân thủ nghiêm.

Theo ghi nhận sáng nay một số các chợ cóc vẫn ngang nhiên hoạt động như chợ Lương Yên, chợ Nguyễn Công Trứ vẫn hoạt động sau 6 giờ bất chấp lệnh tạm dừng. Khi được lực lượng chức năng đi nhắc nhở thì hàng quán mới thu xếp dọn dẹp. Một số tiểu thương xung quanh khu vực còn di chuyển đến tận trong ngõ để tiếp tục buôn bán; một số người mua hàng hay các tiểu thương thường xuyên “quên” đeo khẩu trang, vẫn đứng sát nhau khi đi chợ…

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh thì chợ là một trong những nơi có nguy cơ rất cao. Do đó, chính quyền các cấp, đơn vị quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn cần thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, xử lý nghiêm các trường hợp tiểu thương, khách mua vi phạm và ngay cả với những tập thể, cá nhân thuộc các đơn vị quản lý không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục