Sáng 22/9, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã trình bày về "Tình hình và công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố; việc triển khai các chính sách của Trung ương và thành phố về chính sách hỗ trợ đối tượng ảnh hưởng của đại dịch COVID-19."
Tám tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh chung của dịch bệnh diễn ra trên cả nước, toàn bộ hệ thống chính trị của Thủ đô đã phát huy tinh thần chủ động, quyết liệt, đoàn kết, sáng tạo, tập trung lãnh đạo, ưu tiên dành nguồn lực để vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự-an toàn xã hội, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Trong nỗ lực chung đó Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã có những đóng góp thiết thực để đồng hành cùng cử tri và nhân dân Thủ đô vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã thành lập ngay Đoàn giám sát về việc hỗ trợ các đối tượng khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố ngay sau khi các Nghị quyết số 15, 16, 17 của Thường trực Hội đồng Nhân dân có hiệu lực trong vòng 15 ngày, trên cơ sở đó, vừa đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trên địa bàn về ý nghĩa của các nghị quyết cũng như sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, thành phố, vừa tổng hợp những hạn chế, khó khăn, vướng mắc để có những chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời, đôn đốc các cơ sở thực hiện, từ đó báo cáo kết quả với Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội tại kỳ họp thứ 2.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 268 ngày 06/8/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trước tình hình dịch bệnh của thành phố, ngày 13/8, Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành 3 Nghị quyết về chế độ chi đặc thù hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 ổn định đời sống, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố mà chưa được Chính phủ quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Quyết định số 3642/QĐ-Ủy ban Nhân dân ngày 21/7/2021 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, đó là các nghị quyết: Nghị quyết số 15/NQ-Hội đồng Nhân dân quy định một số chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Nghị quyết số 16/NQ-Hội đồng Nhân dân về hỗ trợ tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021 trong điều kiện bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19; Nghị quyết số 17/NQ-Hội đồng Nhân dân về việc quy định ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí thực hiện hỏa táng đối với người tử vong dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Kết quả bước đầu là đến ngày 15/9/2021 các địa phương đã rà soát và quyết định hỗ trợ cho 285.489 người, hộ kinh doanh với kinh phí đã chi trả là trên 289 tỷ đồng.
[Khai mạc Kỳ họp thứ 2 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI]
Những kết quả đạt được đã cho thấy Nghị quyết của Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã đi vào thực tiễn rất kịp thời, đúng và bao phủ đến nhiều đối tượng, thể hiện được sự quan tâm, chia sẻ trách nhiệm đến các nhóm đối tượng chính sách, người lao động trên địa bàn Thủ đô, được cử tri và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Ngoài ra, trên cơ sở thực hiện hiệu quả việc bổ sung nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội để cho vay đối với các hộ nghèo, đối tượng chính sách bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 năm 2020 với tổng kinh phí 650 tỷ đồng, cho vay đối với 14.105 đối tượng, tháng 8/2021, Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã thống nhất với đề xuất của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc bổ sung 500 tỷ đồng ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để cho vay đối với người lao động có nhu cầu vay vốn để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, khắc phục khó khăn do dịch bệnh COVID-19, tạo việc làm và thu nhập ổn định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách vẫn còn nhiều bất cập mà cử tri quan tâm và kiến nghị thành phố cần quan tâm xử lý. Cụ thể, về nhóm vấn đề cơ chế chính sách, theo cử tri huyện Quốc Oai và cử tri huyện Phúc Thọ, chế độ phụ cấp kiêm nhiệm ở xã, thị trấn gồm Bí thư Đảng ủy hoặc Phó Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân cũng chỉ được hưởng một mức phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức lương bậc 1 và phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có), nhưng phải giảm được một người trong số lượng quy định tối đa tại khoản 1, Điều 2 - Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ. Như vậy, trường hợp không giảm được một người trong số lượng quy định tối đa thì những người đang kiêm nhiệm không được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm.
Đây là một vấn đề bất cập thực tế hiện nay và thiệt thòi đối với những người đang kiêm nhiệm các chức danh như trên. Các cử trì đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố cần nghiên cứu, xem xét thực tế về chế độ chính sách đối với cán bộ kiêm nhiệm như hiện nay nhằm đảm bảo gắn trách nhiệm với quyền lợi của cán bộ kiêm nhiệm.
Thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 đối với Ủy ban Nhân dân, Chính phủ đã có Nghị định 32/2021/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện triển khai thí điểm Chính quyền đô thị. Cử tri quận Cầu Giấy đề nghị thành phố có hướng dẫn cụ thể và có chính sách đãi ngộ cao hơn đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể; các cán bộ tổ dân phố ở cơ sở.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã và đang tác động, ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Cử tri huyện Đông Anh đề nghị thành phố Hà Nội thông tin việc triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố để kịp thời hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động theo tinh thần Nghị quyết, đồng thời khẩn trương ban hành hướng dẫn tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện./.