Ngày 12/3, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã tiếp và làm việc với đại diện một số tập đoàn lao động có uy tín của Đức.
Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết Hà Nội đang có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nên đòi hỏi trình độ lao động cao hơn, chuyển bước nhanh hơn so với mặt bằng chung. Hiện nay, mỗi năm Hà Nội cần khoảng 120.000-130.000 lao động qua đào tạo, phục vụ cho khoảng 150.000 doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn.
Trong số 80.000 học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm, có rất nhiều em thi trượt đại học, cao đẳng hoặc định hướng sai nghề, thậm chí không có việc làm. Trong khi đó, các trường và cơ sở dạy nghề trên địa bàn còn mỏng và chưa đáp ứng cả số lượng và chất lượng. Vì vậy, Hà Nội đang rất cần hợp tác ở lĩnh vực đào tạo nghề, nhất là đào tạo nhân lực có chất lượng, trình độ cao và ở các ngành nghề cần thiết.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị các đối tác nghiên cứu cơ chế liên kết đào tạo tại chỗ, mời các thầy giáo, chuyên gia của Đức đào tạo nguồn ngay tại Hà Nội, vừa đáp ứng được nhu cầu học tập chất lượng cao, vừa đỡ chi phí. Tuy nhiên, sự hợp tác cần bám sát kế hoạch và định hướng phát triển giáo dục của Thủ đô trong tầm chiến lược dài hạn.
Ông Klaus Michel, Tổng Giám đốc Tập đoàn đào tạo và Cung ứng lao động Avesto cho biết đơn vị có hàng chục năm kinh nghiệm đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho giáo viên dạy nghề, nâng cao tay nghề cho lao động và hướng nghiệp đào tạo nghề cho học sinh phổ thông. Ngoài nước Đức, tập đoàn đã đào tạo nghề tại Trung Quốc, Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất, Ấn Độ, Hàn Quốc...
Ông Klaus Michel đề nghị Hà Nội hỗ trợ, hợp tác cùng tập đoàn tiến tới xây dựng Viện đào tạo nghề kép Hà Nội-Berlin. Phía Avesto sẽ phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Kinh tế Hà Nội để xây dựng Viện đào tạo nghề kép Hà Nội-Berlin. Viện sẽ là nơi tư vấn cho thanh niên trên địa bàn Hà Nội về việc học nghề; cung cấp mô hình trình diễn về việc đào tạo nghề của nước Đức cho học viên học nghề cũng như định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông của Hà Nội. Dự kiến mức đầu tư cho dự án khoảng 20 triệu euro.
Bà Strauch - Giám đốc Trung tâm Công nghệ cao BTZ (Đức) đề nghị Hà Nội cần quan tâm, tạo điều kiện, nhất là về cơ chế, thủ tục đầu tư để doanh nghiệp nước ngoài dám mạnh dạn và đầu tư lâu dài trên lĩnh vực đào tạo. Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp của Đức đang hoạt động tại Hà Nội, do đó, việc đào tạo nhân lực không chỉ đáp ứng cho doanh nghiệp Việt Nam mà còn đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp Đức./.