Hà Nội khắc phục sự “hình thức” trong triển khai quy tắc ứng xử

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho rằng xây dựng nếp sống văn hóa phải mất nhiều năm và công tác triển khai cũng cần nhiều hoạt động sát thực hơn.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Khi Hà Nội ban hành bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, ngay lập tức được dư luận đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, kết quả đánh giá hiệu quả triển khai hai bộ quy tắc ứng xử này trong một năm qua lại chưa được như mong đợi.

Chưa tạo ra đặc trưng văn hóa người Hà Nội

Để đưa hai bộ quy tắc ứng xử vào cuộc sống, thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo tới các sở ngành, quận, huyện, thị xã nghiêm túc triển khai thực hiện. Ngay sau đó, một số cơ quan, địa phương đã sôi nổi tổ chức triển khai, thậm chí là tổ chức ký giao ước thực hiện. Đồng thời, 10.000 cuốn sổ tay quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức; 20.000 cuốn sổ tay quy tắc ứng xử nơi công cộng cũng được phát tới cán bộ, công chức và các thôn làng, tổ dân phố; lớp tập huấn đội ngũ báo cáo viên các quận, huyện, thị xã về triển khai quy tắc ứng xử... được tổ chức.

Ngoài ra, ở các cơ quan đơn vị, quy tắc ứng xử cũng được treo tại nơi mọi người dễ nhìn, lồng ghép vào kế hoạch thực hiện “Năm kỷ cương hành chính 2017.”

Tại các thôn làng, tổ dân phố, các điểm di tích, quy tắc ứng xử được niêm yết công khai để người dân và du khách thực hiện. Nhiều địa phương còn bổ sung nội dung quy tắc ứng xử vào các hương ước, quy ước thôn làng, tổ dân phố...

Tuy vậy, theo lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, kết quả đạt được trong thực hiện bộ Quy tắc ứng xử chưa rõ rệt, vẫn còn những vi phạm của cán bộ, công chức trong ứng xử với đồng nghiệp và nhân dân, gây bức xúc trong dư luận.


[Hà Nội ban hành quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố]

Ứng xử của người dân trong gia đình và nơi công cộng chưa chuyển biến nhiều; vẫn tồn tại bạo lực gia đình, hành vi ứng xử thiếu văn minh, văn hóa và tình trạng vô cảm. Đặc biệt, quá trình triển khai hai bộ quy tắc ứng xử chưa tạo được sự khác biệt giữa văn hóa người Hà Nội với các tỉnh, thành phố khác trên cả nước.

Bài học về việc chậm giao giấy chứng tử của cán bộ phường Văn Miếu, quận Đống Đa hay cách ứng xử chưa đúng mực của Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Thanh Xuân tại nơi công cộng đã gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến hình ảnh của cán bộ công chức trong các cơ quan hành chính nói chung.

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng cho rằng, hiệu quả triển khai bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng chưa cao. Một trong những nguyên nhân là chế tài xử phạt vi phạm cho các hành vi không đúng chuẩn mực văn hóa như vứt rác bừa bãi, hút thuốc nơi công cộng còn quá thấp.

Chặn căn bệnh “hình thức”

Sở dĩ việc thực hiện hai bộ quy tắc ứng xử chưa mang lại hiệu quả cao như mong đợi, một phần do công tác triển khai chưa sát với thực tiễn, cán bộ, công chức và người dân chưa quan tâm tiếp nhận.

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, cho rằng xây dựng nếp sống văn hóa phải mất nhiều năm và công tác triển khai cũng cần nhiều hoạt động sát thực hơn. Năm 2018, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức nhiều hoạt động phù hợp với tâm lý, lứa tuổi từng đối tượng.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đang xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng giai đoạn 2018-2020 với nội dung thực hiện như lồng ghép nội dung quy tắc ứng xử vào chương trình ngoại khóa ở các cấp học; lồng ghép tuyên truyền ứng xử khi tham gia giao thông trên các loa truyền thanh tại các điểm nút giao thông, hay tuyên truyền trên các bảng biển tại nhà ga, bến tàu, trên xe buýt; hội thi tìm hiểu quy tắc ứng xử từ thành phố đến cơ sở; bổ sung tiêu chí thực hiện quy tắc ứng xử vào bình xét các danh hiệu văn hóa...

Những bạn trẻ ngang nhiên dẫm lên bãi cỏ chỉ để chụp ảnh tại khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Trong kế hoạch triển khai thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức giai đoạn 2018-2020, nội dung thực hiện sẽ tập trung vào phổ biến, quán triệt triển khai quy tắc; công tác tuyên truyền; bình xét thi đua, khen thưởng, kỷ luật; tổ chức kiểm tra, giám sát; tổ chức sơ kết, tổng kết.

Dù việc thực hiện đòi hỏi lâu dài và khó khăn nhưng người dân vẫn kỳ vọng hai hai bộ quy tắc ứng xử phát huy trong thực tiễn. Trước mắt các cơ quan chức năng cần có những bước thực hiện phù hợp, sự quan tâm đúng mức và ngăn chặn căn bệnh “hình thức”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục