Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã chính thức ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội.
Bộ quy tắc được ban hành nhằm xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô (gọi chung là cán bộ) “Kỷ cương-trách nhiệm-tận tình-thân thiện,” đồng thời định hướng cho cán bộ các chuẩn mực trong giải quyết công việc với tổ chức và công dân, trong gia đình và xã hội, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Bộ quy tắc có 4 chương và 11 điều, trong đó các quy định ứng xử của cán bộ tập trung ở chương 2 (quy tắc ứng xử chung) và chương 3 (ứng xử với người dân); bao gồm các nội dung về ứng xử chung (trang phục, thái độ giao tiếp...); về ý thức tổ chức kỷ luật.
Đáng lưu ý, trong quy tắc ứng xử với người dân, bộ Quy tắc quy định cán bộ không sách nhiễu, gợi ý đưa tiền, nhận tiền, quà biếu, không hẹn giải quyết công việc bên ngoài cơ quan và ngoài giờ làm việc; không gây căng thẳng, bức xúc, dọa nạt người dân.
Tại khu dân cư, cán bộ phải gương mẫu, tránh phô trương, lãng phí mục đích trục lợi trong việc tổ chức các hoạt động liên hoan, cưới hỏi, tang lễ, mừng thọ, sinh nhật, tân gia...
Tại nơi công cộng, cán bộ không vi phạm các chuẩn mực về thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa dân tộc; không tham gia, xúi giục, kích động hoặc bao che các hành vi vi phạm pháp luật của người khác...
Cán bộ thực hiện tốt Quy tắc ứng xử sẽ được xem xét biểu dương, khen thưởng theo quy định. Ngược lại, cán bộ vi phạm các quy định tại Quy tắc ứng xử, tùy mức độ sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trong các cơ quan, đơn vị. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Như vậy, so với khi xây dựng dự thảo, bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội ngắn gọn, xúc tích hơn rất nhiều./.