Dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước

Thực hiện dân chủ trong hoạt động cơ quan hành chính nhà nước

Chính phủ ban hành Nghị định quy định thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
Thực hiện dân chủ trong hoạt động cơ quan hành chính nhà nước ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 04/2015/NĐ-CP quy định thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (cơ quan, đơn vị) bao gồm dân chủ trong nội bộ cơ quan, đơn vị; dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, tổ chức có liên quan.

Nghị định này thay thế Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 8/9/1998 của Chính phủ về ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan.

Về dân chủ trong nội bộ cơ quan, đơn vị, Nghị định mới quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và của cán bộ, công chức, viên chức; những việc phải công khai để cán bộ, công chức, viên chức biết; những việc cán bộ, công chức, viên chức tham gia ý kiến, người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định và những việc cán bộ, công chức, viên chức giám sát, kiểm tra.

Theo đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải có trách nhiệm thực hiện dân chủ trong quản lý và điều hành hoạt động của cơ quan, đơn vị; trong quản lý, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Tổ chức các cuộc họp giao ban định kỳ, hàng tháng, hàng quý và 6 tháng để đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phải thực hiện trong thời gian tới của cơ quan, đơn vị; lắng nghe ý kiến phản ánh, phê bình của cán bộ, công chức, viên chức.

Khi cán bộ, công chức, viên chức đăng ký được gặp và có nội dung, lý do cụ thể thì bố trí thời gian thích hợp để gặp và trao đổi.

Đồng thời, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chỉ đạo việc cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin, tài liệu, cách thức tổ chức thực hiện, trách nhiệm thực hiện và trách nhiệm giải trình những nội dung công việc trong cơ quan, đơn vị; xem xét, giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức; kịp thời xử lý người có hành vi cản trở việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị và người có hành vi trả thù, trù dập cán bộ, công chức, viên chức khiếu nại, tố cáo, kiến nghị theo quy định của pháp luật…

Đồng thời, Nghị định cũng nêu rõ những việc cơ quan, đơn vị phải công khai để cán bộ, công chức, viên chức biết như chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến công việc của cơ quan, đơn vị; kế hoạch công tác; kinh phí hoạt động; tuyển dụng, đào tạo, điều động, bổ nhiệm; các vụ việc tiêu cực, tham nhũng trong cơ quan, đơn vị…

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải kịp thời có những biện pháp xử lý thích hợp theo quy định của pháp luật đối với những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm, sách nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng trong việc giải quyết công việc của công dân, tổ chức.

Trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, tổ chức có liên quan, Nghị định 04/2015/NĐ-CP cũng quy định rõ người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo và kiểm tra cán bộ, công chức, viên chức trong việc giải quyết công việc của công dân, tổ chức; kịp thời có những biện pháp xử lý thích hợp theo quy định của pháp luật đối với những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm, sách nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng trong việc giải quyết công việc của công dân, tổ chức; chỉ đạo việc bố trí nơi tiếp dân, thực hiện việc tiếp dân và tổ chức hòm thư góp ý.

Đồng thời phải thông báo để công dân, tổ chức của địa phương biết và tham gia đóng góp ý kiến đối với những chương trình, dự án có liên quan đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; cử người có trách nhiệm gặp và giải quyết công việc có liên quan khi công dân, tổ chức có yêu cầu theo quy định của pháp luật…

Nghị định cũng nêu rõ, khi công dân, tổ chức có yêu cầu, cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm giải quyết các yêu cầu đó theo thẩm quyền.

Những việc không thuộc thẩm quyền giải quyết, cán bộ, công chức, viên chức phải thông báo để công dân, tổ chức biết và hướng dẫn công dân, tổ chức đến nơi có thẩm quyền giải quyết.

Cán bộ, công chức, viên chức không được quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu trong giải quyết công việc của công dân, tổ chức.

Công việc của công dân, tổ chức phải được cán bộ, công chức, viên chức nghiên cứu xử lý và kịp thời giải quyết theo đúng quy định của pháp luật và nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị.

Những công việc đã có thời hạn giải quyết theo quy định thì cán bộ, công chức, viên chức phải chấp hành đúng thời hạn đó. Trường hợp phức tạp đòi hỏi phải có thời gian để nghiên cứu giải quyết thì cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm báo cáo người phụ trách trực tiếp và kịp thời thông báo cho công dân, tổ chức biết…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 25/2/2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục