Hà Nội không để xảy ra găm hàng, thổi giá trong tình hình dịch

Hà Nội đảm bảo dự trữ đầy đủ 17 nhóm hàng thiết yếu, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của người dân khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, vì vậy người dân không phải lo lắng mua hàng tích trữ.
Hà Nội không để xảy ra găm hàng, thổi giá trong tình hình dịch ảnh 1Khách mua sắm tại siêu thị Big C Thăng Long. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng găm hàng, thổi giá gây sốt ảo làm mất bình ổn xã hội.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết để đáp ứng nhu cầu hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong thời gian dịch COVID-19, Sở đã chủ động xây dựng kịch bản phòng, chống dịch COVID-19 ở cấp độ cao nhất. Hà Nội đảm bảo dự trữ đầy đủ 17 nhóm hàng thiết yếu, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của người dân khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, vì vậy người dân không phải lo lắng mua hàng tích trữ.

Lượng hàng hóa thiết yếu trong tháng dịch tăng gấp 3 lần so với tháng thường, dự kiến lượng hàng hóa chuẩn bị sẵn sàng phục vụ nhân dân trên địa bàn trong ba tháng khoảng 194.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa dự kiến hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố khoảng 21.500 tỷ đồng. Cụ thể, ngành công thương Hà Nội dự trữ 836.000 tấn gạo, 167.346 tấn thịt lợn, thịt trâu bò 48.150 tấn, 55782 tấn thịt gia cầm, trên 1 triệu quả trứng gia cầm...

"Căn cứ theo mức độ lây lan của dịch đã xác định tổng trị giá lượng hàng hóa phục vụ nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa theo cấp độ gồm cấp độ một từ 20 ca nhiễm đến dưới 1.000 trường hợp mắc bệnh trở lên là gần 314 tỷ đồng; cấp độ hai từ 1.000-3.000 trường hợp mắc là gần 1.048 tỷ đồng; cấp độ ba từ trên 3.000 đến 30.000 trường hợp mắc là hơn 5.359 tỷ đồng," bà Lan chia sẻ.

Nhằm hạn chế hiện tượng lợi dụng COVID-19 để găm hàng tăng giá bất hợp lý, hệ thống siêu thị tại Hà Nội đã chủ động các phương án luôn sẵn sàng phương án dự trữ hàng hóa, với lượng hàng nhu yếu phẩm tăng từ 30-50%.

[Không còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ]

Theo ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, lực lượng quản lý thị trường cũng đã tăng cường kiểm tra giám sát tại các chợ, siêu thị. Nếu có tình trạng găm hàng, tăng giá, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông, cho biết trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hệ thống siêu thị Co.opmart đã dự trữ 12.000 tấn nông thủy sản. Tại siêu thị, các loại hàng hóa phong phú, đa dạng, giá các loại hàng hóa cũng không tăng so với trước khi phát hiện trường hợp dương tính với COVID-19.

Hà Nội không để xảy ra găm hàng, thổi giá trong tình hình dịch ảnh 2Khách hàng mua sắm tại siêu thị. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Đại diện Tập đoàn Central Retail (quản lý các siêu thị Big C, GO! và Tops Market) thông tin: Trước diễn biến dịch COVID-19, đơn vị đã tăng gấp đôi lượng hàng dự trữ tại các kho để cung ứng cho thị trường. Đối với khẩu trang, lượng hàng hóa đơn đơn vị tích trữ đủ trong bốn tháng tiêu thụ.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Thái Dũng cho biết, hiện nay, toàn bộ kho hàng của hệ thống siêu thị Hapro, Fuji Mart… đã được chuẩn bị đầy đủ hàng hóa cả hàng tươi và hàng đông lạnh. Đặc biệt, các mặt hàng thiết yếu, người tiêu dùng quan tâm nhiều trong các đợt COVID-19 trước đây như gạo, dầu ăn, nước mắm, mỳ gói, nước rửa tay, khẩu trang… luôn đáp ứng mọi nhu cầu khách hàng.

Thực tế tại hệ thống siêu thị những ngày qua cho thấy, các kệ hàng đầy ắp hàng hóa, nhân viên siêu thị luôn sẵn sàng để bổ sung thêm. Nhiều siêu thị như Vinmart, Co.op Mart, Big C, MM Mega Market… còn tổ chức các chương trình khuyến mại, giảm giá đến 50% cho hàng nghìn mặt hàng để kích cầu tiêu dùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục