Mặc dù từ tháng 6/2017, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch chuyên đề về khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém, nâng cao hiệu quả thực hiện các kết luận, kiến nghị xử lý sau thanh tra vi phạm trật tự xây dựng, nhưng đến nay, kết quả thực hiện vẫn còn chậm.
Thành phố Hà Nội chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương vào cuộc tích cực, kiên quyết lập lại kỷ cương trong lĩnh vực này; đồng thời, Hà Nội xác định rõ trách nhiệm để xảy ra vi phạm thuộc các Đội quản lý Thanh tra xây dựng.
Mới xử lý xong 4/25 công trình vi phạm
Trong tổng số 12 kết luận thanh tra về trật tự xây dựng gồm một kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ; ba kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng; bảy kết luận thanh tra của Thanh tra thành phố và một kết luận thanh tra của Sở Xây dựng, có 25 công trình, dự án vi phạm trật tự xây dựng.
Đến nay, thành phố đã xử lý xong bốn công trình; 21 công trình đang tiếp tục xử lý; trong đó, có 10 công trình đang xem xét chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra.
[Hà Nội lần đầu công khai các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng]
Có thể điểm tên nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng như Dự án Khu đô thị Văn Quán-Yên Phúc (quận Hà Đông) của Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị; dự án Khu nhà ở và Trung tâm thương mại Hà Đông của Công ty TNHH Huyndai RNC; khu đô thị Thanh Hà- Cienco 5; các dự án xây dựng bãi đỗ xe kết hợp khuôn viên cây xanh và dịch vụ công cộng tại các ô đất ký hiệu DX1, DX2, DX3, DX4, CX1, CX2 khu đô thị mới Đông Nam đường Trần Duy Hưng.
Đối với việc thực hiện xây dựng theo quy hoạch được duyệt, quản lý chất lượng công trình xây dựng, kinh doanh bất động sản các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở của Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu và Công ty Cổ phần Sản xuất-Xuất nhập khẩu BEMES làm chủ đầu tư, kể cả các dự án là nhà đầu tư thứ cấp trên địa bàn..., Ủy ban Nhân dân thành phố nêu rõ các nội dung vi phạm theo Kết luận số 164/KL-TTr của Bộ Xây dựng.
Cụ thể, dự án Khu nhà ở Xa La (Hà Đông) xây dựng thêm tầng, vi phạm mật độ xây dựng và diện tích căn hộ, biệt thự. Dự án có chức năng hỗn hợp Đại Thanh (Thanh Trì) xây vượt hai tầng cộng tầng áp mái, vi phạm mật độ xây dựng và mục đích sử dụng.
Dự án công trình hỗn hợp nhà ở và trung tâm thương mại CT5 (Thanh Trì) xây sai quy hoạch 10 tầng và một tầng áp mái, một tầng hầm, vi phạm về chuyển đổi mục đích sử dụng.
Dự án Tổ hợp chung cư và dịch vụ thương mại tại ô HH3 thuộc lô CC6 Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở Linh Đàm, xây một tầng hầm, trong khi quy hoạch được duyệt là ba tầng hầm.
Dự án Tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes (Hà Đông) cũng xây thiếu một tầng hầm và tăng số lượng căn hộ thấp tầng được duyệt.
Dự án Tòa nhà hỗn hợp dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê và nhà ở cao tầng tại ô đất VP3, bán đảo Linh Đàm, xây tăng hai tầng nhưng cũng thiếu một tầng hầm. Dự án Tổ hợp chung cư và dịch vụ thương mại tại ô HH4 thuộc lô CC6, Linh Đàm, quy hoạch ba tầng hầm nhưng thực tế xây một tầng hầm.
Về lý do tồn tại chưa xử lý các công trình dự án này, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết Cơ quan an ninh điều tra đang tiến hành điều tra.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết trong quá trình thực hiện các kết luận thanh tra, các cơ quan chức năng và các cấp chính quyền đã gặp khó khăn về xác định phạm vi, đối tượng thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước. Hay, việc phối hợp giữa các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân cấp huyện cũng như giữa các đơn vị chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố và cơ quan ban hành kết luận thanh tra còn nhiều hạn chế. Điều này dẫn đến việc xác định rõ hành vi vi phạm để có biện pháp xử lý phù hợp còn chậm.
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trên là do các chủ đầu tư cố tình tránh né, chây ì, kéo dài thời gian thực hiện các kiến nghị xử lý dẫn đến việc xử lý sau thanh tra của các sở, ngành và Ủy ban Nhân dân các cấp còn chậm.
Đặc biệt, các vi phạm là dự án khu đô thị, khu nhà ở đã được bán, bàn giao cho người dân vào ở, tập trung lượng dân cư cao. Do đó, quá trình xử lý cần xem xét đến việc ổn định an ninh trật tự cũng như sinh hoạt của người dân.
Trong khi đó, theo quy định của pháp luật, trình tự xử lý vi phạm trật tự xây dựng liên quan đến các cấp và nhiều sở, ngành. Nhiều vụ việc có tình tiết phức tạp, cần điều tra xem xét trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể đối với từng hành vi vi phạm để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.
Quy rõ trách nhiệm
Tại phiên giải trình về công tác quản lý trật tự xây dựng do Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức vừa qua, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay, hiện nay trên địa bàn thành phố vẫn còn tồn tại nhiều vi phạm trật tự xây dựng, được chia ra làm 4 nhóm. Đó là, các công trình vi phạm lâu rồi nhưng chưa được xử lý, hoặc công trình không những không bị xử lý mà còn phát sinh vi phạm mới ngay trên đó; các vi phạm mới hoàn toàn không bị xử lý; vi phạm trên đất nông nghiệp và một vấn đề hoàn toàn mới là các công trình vi phạm tại các khu đô thị.
Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm của các Đội quản lý trật tự xây dựng ở các quận, huyện, thị xã.
“Cho dù các đội này qua nhiều lần thay đổi mô hình hoạt động nhưng luôn có nhiệm vụ quan trọng nhất là kiểm tra, lập biên bản, lập kế hoạch và báo cáo Ủy ban Nhân dân xử lý vi phạm. Thực tế hiện vẫn tồn tại 80 công trình vi phạm cũ tại bảy quận, huyện nhưng đến năm 2018 vẫn không nhúc nhích. Rõ ràng, trách nhiệm trước hết của các đội này, cần khắc phục ngay. Nếu cứ làm đủ hết bảy nhiệm vụ được nêu trong các nghị định thì chắc chắn không thể công trình vi phạm nào có thể phát sinh,” Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khẳng định.
Bà Ngọc cũng dẫn chứng một gia đình xây nhà nếu chỉ đẩy một xe cát, cán bộ quản lý trật tự xây dựng đã biết. Nhưng tại sao có những nhà xây rất to mà lực lượng này lại không biết. Điều này cho thấy lực lượng quản lý trật tự xây dựng chưa hết trách nhiệm mà chỉ lập biên bản báo cáo rồi để đó, không xử lý.
Bên cạnh đó, nguyên nhân còn do phối hợp của các sở, ngành với quận, huyện trong kiểm tra, đôn đốc xử lý từng trường hợp, vẫn còn tình trạng mỗi nơi trả lời một kiểu và đổ trách nhiệm cho đơn vị sở khác.
Nhất trí với các đề xuất của Ủy ban Nhân dân thành phố, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương cần thực hiện các giải pháp mạnh hơn trong quản lý trật tự xây dựng-đô thị và đặc biệt tăng trách nhiệm của các Đội quản lý thanh tra xây dựng, không có lý do gì đổ trách nhiệm cho ai.
Các địa phương cần kiên quyết áp dụng các biện pháp xử lý dứt điểm những tồn tại cũ, không cho phát sinh mới, xem xét trách nhiệm các Đội trưởng quản lý thanh tra xây dựng, lãnh đạo các phòng trong việc quản lý này.
“Hơn hai tháng đầu năm 2019, Hà Nội đã phát sinh 65 công trình vi phạm chưa xử lý, hầu như mới làm các công việc về hành chính; năm 2018 dù làm rất mạnh nhưng vẫn phát sinh 21 trường hợp “siêu mỏng, siêu méo.”
Tới đây, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ có chuyên đề riêng để tiếp xúc cử tri và kiểm tra, giám sát lại hoạt động của các Đội quản lý thanh tra xây dựng,” Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc nghiêm túc chỉ đạo./.